17/07/2017 07:20 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Ai cũng có một thời học trò đầy tươi đẹp, nhiều mộng mơ, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã cố gắng khơi gợi những cảm xúc thanh xuân ấy trong tác phẩm mới nhất của mình: Cô gái đến từ hôm qua. Nhìn chung, nỗ lực của anh khá thành công, nếu trừ đi những “điểm thêm” như phần kỹ xảo, phát triển số phận vài nhân vật phụ mà đạo diễn nghĩ rằng là sáng tạo giúp phim mới mẻ, bay bổng hơn.
1. Sau Em chưa 18, màn ảnh Việt lại có thêm một bộ phim về tuổi học trò: Cô gái đến từ hôm qua, được chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Tác phẩm văn học với lợi thế về câu chữ dí dỏm, thả sự tưởng tượng về phía độc giả đã trở thành một trở ngại lớn khi đưa lên màn ảnh - nơi mà hình ảnh chứ không phải lời thoại là trọng tâm và mọi sự tưởng tượng của người đã bị đạo diễn định hình.
Một trở ngại khác là truyện cũng ít kịch tính để tạo ra được những nút cao trào, thắt mở làm nên sức hấp dẫn cho một bộ phim.
Hiểu điều đó nên đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cố gắng chuyển tải không khí, tinh thần của câu chuyện gốc thông qua việc tái hiện thành công không gian và thời gian mà các nhân vật sống, thông qua bối cảnh, trang phục, tạo hình được chăm chút từ chi tiết nhỏ nhặt nhất. Trong đó bối cảnh là điểm đáng nhớ nhất của phim.
Nếu như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - tác phẩm điện ảnh gần đây nhất cũng chuyển từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh - đã có công khám phá ra xứ Phú Yên “hoa vàng trên cỏ xanh” thì Cô gái đến từ hôm qua giới thiệu được một miền đất Quảng Nam mộc mạc, bình yên.
Xem phim khán giả không khỏi xuýt xoa khi được ngắm nhìn những dãy nhà ba gian lợp ngói với khoảng sân xanh mướt cây cỏ nằm nép mình bên bờ kênh nước trong vắt; cánh đồng hoa mua, hoa sim trải dài ngút mắt; những con đường làng rợp bóng cây; rạp chiếu bóng cũ nhỏ xinh…
Bao trùm lên bối cảnh yên ả đó là không khí nhuốm màu thời gian thể hiện qua hình ảnh đường phố vắng vẻ, người dân thong thả chạy xe cúp 50, xe đạp với cái đầu không đội mũ bảo hiểm.
Có thể nói việc tái hiện thành công không khí đầy chất hoài niệm đã có tác dụng “mồi’ được cảm xúc của người xem. Khó mà không rưng rưng khi bắt gặp những kỷ niệm của một thời áo trắng: những ngăn bàn giấu đầy thức ăn, những lần leo tường trốn học bị giám thị phát hiện, chơi ca rô trong lớp ăn búng tai, những quyển sổ lưu bút chuyền tay nhau… Câu chuyện tuổi học trò thời trong phim - dù lùi xa cách đây hai ba thập niên - vì thế vẫn khiến khán giả thời nay thấy đồng cảm.
2. Dù thành công trong việc khơi gợi cảm xúc nơi người xem, nhưng Cô gái đến từ hôm qua vẫn để lại vài điểm hơi tiếc nuối. Đầu tiên là việc nam nữ diễn viên chính Ngô Kiến Huy (vai Thư) và Miu lê (vai Việt An) lớn tuổi hơn so với nhân vật - (dù họ diễn rất tốt) đã khiến người xem khó cảm nhận được trước mắt họ là những cô cậu học trò 17, 18 tuổi thật sự.
Cũng may phim có cấu trúc hiện tại song song với quá khứ và diễn xuất tươi mới, hồn nhiên của hai bé Minh khang (vai Thư lúc nhỏ) và Hà Mi (vai Tiểu Li) đã cứu Cô gái đến từ hôm qua rất nhiều. Nhất là bé Hà Mi 10 tuổi, một gương mặt rất quen thuộc trong các mẫu quảng cáo trên truyền hình.
Để cho câu chuyện phim thêm kịch tính, kịch bản phát triển tô đậm vài nhân vật phụ như cô giáo dạy văn, lớp trưởng Chiêu Minh nhưng tiếc là sáng tạo này lại chưa thật phù hợp, nên có cảm giác lạc lõng so với mạch chính của phim. Chẳng hạn xây dựng hình ảnh cô giáo dạy văn (Lan Phương đóng) quá “over” với những điệu bộ, lời nói, lẫn cách “đong đưa” không đúng mực với đồng nghiệp nam nhỏ tuổi - hình ảnh rất khó chấp nhận với một giáo viên thời đó. Việc phát triển tình cảm thầy trò giữa nhân vật Chiêu Minh với thầy giáo Lực cũng không cần thiết.
Về tổng thể, Cô gái đến từ hôm qua là đáng xem, đáng ủng hộ, nhất là với những khán giả sinh trong các thập niên 1970 - 1980, vì nó khơi gợi được sự chân chất, lãng mạn một thời. Nhưng điểm đáng tiếc là việc dùng nhiều kỹ xảo.
Đạo diễn từng chia sẻ mục đích của anh là nhằm giúp phim có chất điện ảnh hơn, nhưng có lẽ phần “cộng thêm” này chẳng giúp cho phim tăng điểm như anh muốn, mà ngược lại làm gãy mạch cảm xúc, sự lãng mạn nơi người xem, rõ nhất là cảnh gần cuối, khi Thư Thơ Thẩn hóa thành chim bay đi tìm Việt An.
Trailer bộ phim "Cô gái đến từ hôm qua":
Dương Ngọc
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất