29/11/2016 20:46 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Trước bi kịch mang tên Chapecoense của Brazil, nhiều thảm họa máy bay liên quan đến thể thao đã xảy ra trong quá khứ.
10. Đội bóng Alianza Lima Peru
Thảm họa hàng không Alianza Lima xảy ra vào ngày 8/12/1987, khi một chiếc máy bay Fokker của hải quân Peru mang số hiệu F27-400M được CLB Bóng đá Peru Alianza Lima thuê, lao xuống Thái Bình Dương từ độ cao 6 dặm. Trên máy bay có tổng cộng 44 cầu thủ, quản lý, nhân viên, đội cổ vũ và phi hành đoàn…, nhưng chỉ một phi công sống sót sau tai nạn. Đội bóng đang trên đường trở về từ một trận đấu ở giải vô địch quốc gia Peru. Phi hành đoàn phát hiện một số trục trặc kỹ thuật trên bảng điều khiển khiến máy bay không thể hạ cánh. Phi công yêu cầu bay ngang qua đài kiểm soát để phát hiện khoảng đất có thể hạ cánh, nhưng nhận ra bộ phận hạ cánh của máy bay đã bị khóa. Máy bay sau đó đã nỗ lực hạ cánh, nhưng chiếc Fokker đã lao xuống biển.
Sau tai nạn, hải quân Peru đóng cửa với báo chí và không công bố kết quả điều tra, cũng không cho phép các cơ quan khác đến tận nơi xảy ra tai nạn. Sau đó xuất hiện cáo buộc rằng, tai nạn xảy ra do các bộ phận cơ khí của máy bay kém chất lượng và hải quân phải che giấu sự thật để giữ thể diện. Cho đến năm 2006, một cuộc điều tra chính thức về thảm họa mới đưa sự thật ra ánh sáng.
Cuộc điều tra đưa đến kết luận viên phi công thiếu kinh nghiệm, hiểu sai về thủ tục khẩn cấp liên quan đến hạ cánh và điều kiện cơ khí yếu kém của máy bay cũng góp phần gây ra tai nạn.
Liên đoàn Bóng đá Peru quyết định không kết thúc mùa bóng sớm, bất chấp thảm họa. Alianza chơi vài trận cuối mùa giải của họ bằng đội hình gồm các tình nguyện viên, cầu thủ từ các đội trẻ và một số cầu thủ mượn từ một CLB Chile. Tai nạn là thảm họa cho Alianza, đội bóng bị mất đi đội hình hứa hẹn nhất của họ trong một thập niên.
9. Đội boxing nghiệp dư Mỹ
Chiếc máy bay LOT 007 của Hãng hàng không Ba Lan bị rơi ngay gần Thủ đô Warsaw ngày 14/3/1980 vì một lỗi cơ học khiến nó không thể hạ cánh, sau khi cố gắng bay vòng vèo trên bầu trời. Tất cả 87 người trên máy bay đều thiệt mạng. Trong đó có rất nhiều thành viên của đội boxing nghiệp dư Mỹ, mà nhiều người trong số đó đủ trình độ vào đội Olympic boxing Mỹ (Mỹ sau đó rút khỏi Thế vận hội năm 1980 ở Moskva).
Đội tuyển boxing đến Ba Lan dự nhiều trận đấu với các đội boxing nghiệp dư Ba Lan và Nga. Chiếc máy bay 007 rời thành phố New York vào lúc 21h18 phút, và sau 9 tiếng bình yên, nó đến gần sân bay Warsaw lúc 11h13 theo giờ địa phương. Trong khâu cuối cùng, khoảng 1 phút trước khi hạ cánh, phi hành đoàn báo cáo rằng đèn chỉ thị hạ cánh không hoạt động nên họ sẽ phải bay lòng vòng trên bầu trời trong lúc các kỹ sư chuyến bay kiểm tra các vấn đề cầu chì, bóng đèn, các bánh răng…
9 giây sau tín hiệu âm thanh cuối cùng, chiếc máy bay đột nhiên lao xuống. Lúc 11h14 phút 35 giây, 26 giây sau khi mất kiểm soát, cánh bên phải của chiếc máy bay đâm vào một cái cây và va chạm với một hồ nước bị phủ băng. Tại thời kiểm cuối cùng, phi công còn nỗ lực điều chỉnh để máy bay không đâm vào một trại cải tạo thanh thiếu niên. Chiếc máy bay bị phá hủy, phần lớn chìm trong hồ nước. Hồ nước sau đó được rút hết nước để đội điều tra tai nạn máy bay làm việc.
Một trong số các nạn nhân của đội tuyển boxing nghiệp dư Mỹ không có mặt trên máy bay khi ấy là Johnny “Bump City” Bumphus, thành viên của đội boxing Mỹ ở hạng cân 139 pounds. Bumphus sau này tiếp tục sự nghiệp quyền anh chuyên nghiệp rất thành công và giành được danh hiệu WBA hạng bán trung.
8. Đội bóng rổ đại học Evansville
Vào ngày 3/12/1977, chiếc máy bay DC-3 chở đội bóng rổ Đại học Evansville bị rơi gần sân bay khu vực Evansville. Tất cả thành viên đội bóng đều thiệt mạng. Một cầu thủ không thể tham dự trận đấu, do đó không có mặt trên máy bay, may mắn thoát nạn.
Toàn đội trên đường đến Nashvile, Tennessee, dự một trận đấu gặp Đại học Trung Tennessee. Máy bay bị rơi trong sương mù khoảng 90 giây sau khi cất cánh từ sân bay Evansville. 29 người chết gồm 14 thành viên của đội bóng rổ. Ba người sống sót trong vụ tai nạn nhưng cũng chết trong thời gian cấp cứu. Các nhân viên xác định nguyên nhân vụ tai nạn là mất cân bằng trọng lực và phi hành đoàn tháo ổ khóa an toàn phía ngoài.
7. Đội bóng bầu dục Cal Poly
Máy bay chở đội bóng bầu dục Cal Poly gặp tai nạn ngày 29/10/1960. Máy bay rơi khi vừa cất cánh tại sân bay Toledo Express ở Toledo, Ohio. 22/48 người trên máy bay thiệt mạng, gồm 16 cầu thủ. Sau khi điều tra, cơ quan chức năng kết luận rằng máy bay bị quá tải khoảng 2.000 pounds (khoảng 907 kg) trên tổng trọng lượng tối đa cho phép và bị rò điện ở động cơ bên trái. Trước khi cất cánh, thời tiết tại sân bay cũng khá xấu và thời điểm xảy ra tai nạn thì máy bay hoàn toàn không có tín hiệu.
6. Đội bóng bầu dục Wichita State
Vào thứ Sáu ngày 2/10/1970, đội bóng bầu dục của Đại học Wichita State ra nước ngoài trên chiếc máy bay Martin 4-0-4. Tai nạn xảy ra khi máy bay đâm vào một ngọn núi chếch 8 dặm về phía Tây Silver Plume, Colorado. Máy bay chở 36 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn. 29 người thiệt mạng và 2 người khác chết trong khi được cấp cứu. Đây là một trong hai máy bay chở đội tuyển bầu dục Wichita State đến Logano, Utah, gặp đội tuyển bầu dục Trường Đại học Utah.
Hai chiếc máy bay được gọi là Vàng và Đen theo màu sắc đội bóng. Chiếc Vàng gặp tai nạn chở các cầu thủ của đội hình chính, các huấn luyện viên và các cổ động viên trong khi chiếc Đen chở các nhân viên hỗ trợ khác. Phi công của chiếc Vàng đã không tuân thủ kế hoạch bay đề ra, khi thay đổi đường bay để qua một vùng có cảnh quan đẹp, còn phi công chiếc Đen tuân thủ kế hoạch bay ban đầu.
Trong khi tiếp nhiên liệu ở Denver, phi công của máy bay Vàng mua một tấm bản đồ để lên các điểm mốc cho hành trình ngắm cảnh. Sau khi cất cánh ở thời tiết đẹp, hai máy bay bay đường khác nhau từ Denver. Tách khỏi đường bay bình thường, chiếc Vàng bay qua các ngọn núi và lọt vào một hẻm núi. Vào lúc 1h14 phút, chiếc Vàng đâm vào những ngọn cây trên núi Trelease, cao 488 mét và bị rơi. Báo cáo điều tra cho rằng rất nhiều người vẫn còn sống sau va chạm ban đầu, nhưng chỉ vài người sống sót sau khi thoát khỏi thân máy bay, trước khi nó bốc cháy, giết chết toàn bộ số người còn mắc kẹt trong thân máy bay.
Trận đấu sau đó đã bị hủy bỏ và đội bóng bang Utah tổ chức một lễ tưởng niệm các nạn nhân ở sân vận động lẽ ra diễn ra trận đấu. Đại học Wichita State sau đó xây dựng một đài tưởng niệm các thành viên thiệt mạng, gọi là Memorial ’70. Hàng năm vào ngày 2/10, lúc 9 giờ sáng, một vòng hoa sẽ được đặt tại đài tưởng niệm này.
5. Đội bóng đá AC Torino năm 1949
Thảm họa máy bay Superga diễn ra vào ngày thứ Tư, 4/5/1949, khi một máy bay chờ gần hết đội bóng Torino đâm vào ngọn đồi Superga gần Torino, khiến 31 thành viên tử nạn, gồm 18 cầu thủ, quan chức, nhà báo đi cùng…
Chiếc Fiat G212CP của Italian Airlines chở đội đã đi vào một cơn bão khi đến Torino làm cản trở tầm nhìn. Họ buộc phải hạ độ cao để có thể quan sát. Trong lúc giảm dần độ cao, chiếc máy bay bị rơi do va phải bức tường phía sau khu tổ hợp trên đỉnh đồi Superga. Các nhà chức trách Italy nêu nguyên nhân là các đám mây thấp hạn chế tầm nhìn, sóng radio kém và một lỗi trong điều hướng gây ra tai nạn.
Tai nạn tác động rất sâu sắc đến những người yêu bóng đá Italy, vì nó cướp đi sinh mạng của các cầu thủ của đội bóng được gọi là Il Grande Torino (Torino vĩ đại) giành danh hiệu Serie A năm 1944 trước khi giải đấu gián đoạn vì chiến tranh thế giới thứ hai, và sau đó vô địch 4 lần liên tiếp từ 1946 đến 1949. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, Torino dẫn đầu bảng khi giải chỉ còn 4 vòng là kết thúc. CLB sau đó cho đội trẻ ra sân và các đối thủ Genoa, Palermo, Sampdoria, Fiorentina thể hiện sự tôn trọng bằng cách cũng gửi đội trẻ vào thi đấu. Thảm họa đã khiến đội tuyển quốc gia Italy bị suy yếu nghiêm trọng, khi mất đi 10 cầu thủ thuộc biên chế Torino.
4. Đội bóng đá Manchester United năm 1958
Vào ngày 6/2/1958, chiếc máy bay mang số hiệu 609 của British European Airways đã gặp tai nạn, sau 3 nỗ lực cất cánh từ đường băng tại sân bay Munich-Riem, Tây Đức.
Trên máy bay là đội bóng Manchester United, một số CĐV và nhà báo. 23/44 người trên máy bay đã tử nạn. Đội bóng khi đó trở về từ trận đấu ở cúp C1 với sao đỏ Belgrade ở Belgrade, Nam Tư, nhưng phải dừng ở Munich để máy bay tiếp nhiên liệu. Sau khi tiếp nhiên liệu, các phi công đã cố gắng cất cánh hai lần nhưng đều không thành công do vấn đề của động cơ. Vì sợ lỡ lịch trình, đội trưởng đội bóng từ chối qua đêm ở Munich để cố gắng cất cánh lần thứ 3. Đến lần thứ ba, chiếc máy bay gặp phải một lớp tuyến mỏng trên đường băng khiến mất tốc độ, không thể cất cánh.
Nó đã lao qua hàng rào ở cuối đường băng, trước khi va vào một ngôi nhà gần đó và tan tành. Sợ rằng chiếc máy bay có thể phát nổ, phi công đã cố gắng đưa những người còn sống đi càng xa càng tốt. Bất chấp nguy cơ cháy nổ, thủ môn Harry Gregg vẫn ở lại kéo những người còn sống ra từ đống đổ nát. Một cuộc điều tra ở sân bay Tây Đức ban đầu đổ lỗi cho cơ trưởng, tuyên bố rằng ông đã không khử băng trên cánh máy bay bất chấp báo cáo ngược lại của các nhân chứng. Sau đó nguyên nhân thực sự được tìm ra là do lớp tuyết mỏng trên đường băng, dẫn đến máy bay không thể đạt vận tốc cần thiết để cất cánh.
3. Đội trượt băng nghệ thuật Mỹ năm 1961
Vào 15/2/1961, chiếc Sabena 548, một chiếc Boeing 707 bay từ New York đến Brussels của Bỉ, đã gặp tai nạn khi hạ cánh. Toàn bộ 72 thành viên trên máy bay đều tử nạn, trong số người chết có toàn bộ đội trượt băng nghệ thuật Mỹ, những người đang trên đường đến giải vô địch thế giới năm 1961 tại Prague, Tiệp Khắc.
Không có dấu hiệu của sự cố trên máy bay cho đến khi nó đến gần sân bay Brussels. Phi công đã phải bay vòng tròn quay sân bay chờ đợi một chiếc máy bay nhỏ khác ra khỏi đường băng. Sau đó theo các nhân chứng, máy bay bắt đầu tăng độ cao rồi rơi đột ngột ở một cánh đồng gần thôn Berg. Đống đổ nát ấy bốc cháy. Tất cả thành viên trên máy bay thiệt mạng ngay lập tức. Một nông dân làm việc trên đồng cũng bị mất mạng bởi một mảnh nhôm văng vào, còn một nông dân khác bị cụt chân vì mảnh vụn từ máy bay.
Các nhà điều tra nghi ngờ máy bay đã không được điều chỉnh một cách ổn định. Tai nạn khiến 18 VĐV của đội trượt băng nghệ thuật Mỹ năm 1961 và 16 thành viên gia đình, HLV và các quan chức thiệt mạng. Sự mát mát này được coi là nghiêm trọng cho trượt băng nghệ thuật Mỹ, quốc gia thống trị môn này từ những năm 1950, và giải vô địch thế giới năm 1961 bị hủy bỏ. Tổng thống Mỹ John F. Kennedy tuyên bố chia buồn từ Nhà trắng. Ông đặc biệt bị sốc bởi tai nạn. Một trong những thành viên thiệt mạng trong vụ tai nạn, Dudley Richards, là bạn thân với Tổng thống và em trai Ted Kennedy từ kỳ nghỉ hè ở Hyannis Port, Massachusetts.
2. Đội tuyển bóng đá quốc gia Zambia năm 1993
Đội tuyển quốc gia Zambia bay trên một chiếc máy bay quân sự đến Senegal dự trận đấu vòng loại World Cup 1994 thì chiếc máy bay gặp tai nạn vào buổi chiều ngày 27/4/1993. Tất cả 30 hành khách và phi hành đoàn, trong đó có 18 cầu thủ và HLV đội tuyển quốc gia, nhân viên hỗ trợ, qua đời sau tai nạn. Hai thành viên khác của đội tuyển quốc gia, những cầu thủ thi đấu ở nước ngoài nên đi chuyến bay khác đến dự trận đấu, thì đều sống sót.
Chuyến bay từ Zambia đến Senegal cần đến 3 lần dừng để tiếp nhiên liệu và ở trạm dừng đầu tiên, tại Congo, động cơ đã gặp vấn đề. Dù vậy, chuyến bay vẫn tiếp tục và một vài phút sau khi cất cánh từ điểm dừng thứ hai ở Libreville, Gabon, một trong các động cơ bốc cháy và hỏng. Phi công, người tỏ ra mệt mỏi vì chuyến bay từ Mauritius sáng sớm ngày hôm đó, sau đó tắt động cơ sai quy cách, khiến máy bay không đủ năng lượng khi tăng độ cao ở sân bay Libreville. Chiếc máy bay rơi từ trên cao xuống vùng biển ngoài khơi cách đó 500 mét.
Một đội bóng mới toanh nhanh chóng được thành lập đại diện cho Zambia dự vòng loại World Cup và sau đó chuẩn bị cho cúp quốc gia châu Phi cách đó chỉ vài tháng. Đội tuyển nhanh chóng hồi sinh và lọt vào chung kết gặp Nigeria. Dù thua, đội Zambia đó trở về quê nhà như những người anh hùng dân tộc. Sau vụ tai nạn, Zambia để tang 7 ngày. 18 cầu thủ, HLV và các thành viên phi hành đoàn được chôn cất cùng với 10 ngàn người đổ vào thủ đô Zambia chia buồn cho một trong những đội bóng ưu tú nhất châu Phi thời bấy giờ.
1. Đội bóng bầu dục Old Christians của Uruguay năm 1972
Chiếc máy bay Air Force Flight 571 xuất hiện trong sự kiện còn được gọi là “Phép màu của dãy Andres”, thực hiện chuyến bay chở 45 hành khách gồm cả đội bóng bầu dục và những người bạn, gia đình, cộng sự của họ. Máy bay gặp tai nạn ngày 13/10/1972 và sau đó, 16 người gặp tai nạn được cứu sống vào ngày 23/12/1972.
Câu chuyện về những người sống sót sau thảm họa ở dãy Andres rất nổi tiếng, được chuyển thể thành cuốn sách “Alive” và bộ phim cùng tên phát hành năm 1993. Vào thứ 6 ngày 13 của tháng 10/1972, một động cơ cánh quạt đôi của máy bay không quân Fairchild FH-227D, chở các thành viên CLB bóng bầu dục Old Christians từ Montevideo, Uruguay, đến dự một trận đấu ở Santiago, Chile.
Do thời tiết xấu và hạn chế của máy bay, máy bay không thể bay qua dãy Andres mà thay vào đó phải bay qua một đoạn nối liền với Chile. Các phi công đã đánh giá sai vị trí và nghĩ rằng họ đã qua ngọn núi, không nhận ra ngọn núi trước mặt dẫn đến trình trạng mất kiểm soát khi bay vào địa hình. Trong nỗ lực sau cùng để đạt độ cao cần thiết, máy bay va vào đỉnh núi cao 4200 mét, đứt lìa cánh phải, rơi xuống với một lỗ hổng sau thân máy bay. Chiếc máy bay sau đó đứt tiếp cánh bên trái và phần thân rơi xuống đất. Thân máy bay trượt xuống một sườn núi dốc trước khi chìm trong tuyết.
Trong số 45 người trên máy bay có 12 người chết trong vụ tai nạn hoặc ngay sau đó, 5 cầu thủ khác qua đời vào sáng hôm sau và thêm 1 người qua đời vào ngày thứ 8. Còn lại 27 người phải đối mặt với tử thần, đấu tranh với chấn thương ở vùng núi lạnh.
Những người sống sót có rất ít thức ăn và không có nguồn nhiệt sưởi ấm ở độ cao 3600 mét. Phải đối mặt với cái đói, những người còn sống được cho là đã ăn thịt những hành khách đã chết, khi xác họ được ướp trong tuyết. Lực lượng cứu hộ không tìm thấy những người còn sống trong 72 ngày sau vụ tai nạn, cho đến khi hành khách Nando Parrado và Roberto Canessa, sau 12 ngày đi qua dãy Andres, tìm thấy một người nông dân Chile, người cho họ thức ăn và thông báo với chính quyền về sự tồn tại của những người còn sống.
Chỉ 16 người sống sót trở về. Sự sống của họ ở vùng núi cao dãy Andres ngay trước Giáng sinh 1972 được biết đến như một câu chuyện thần kì mang tên “Phép màu ở dãy Andres”.
D.H (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất