07/03/2020 10:39 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Hôm nay (6/3), V-League 2020 sẽ chính thức khởi tranh nhưng lại thiếu vắng rất nhiều gương mặt trong số các cầu thủ thuộc thế hệ Thường Châu năm 2018, mà nguyên nhân chính yếu là chấn thương.
Đội hình xuất phát của U23 Việt Nam ở trận chung kết giải U23 châu Á năm 2018 gồm có thủ môn Bùi Tiến Dũng, bộ ba trung vệ Duy Mạnh-Đình Trọng-Tiến Dũng, cặp hậu vệ cánh Xuân Mạnh-Văn Thanh, 4 tiền vệ Văn Đức, Xuân Trường, Đức Huy, Quang Hải và tiền đạo Công Phượng.
Trong số này, chỉ còn 2 cầu thủ cùng tên Bùi Tiến Dũng, hậu vệ Văn Thanh, tiền vệ Đức Huy và tiền đạo Công Phượng là hoàn toàn lành lặn để ra sân ngay ở vòng 1 V-League 2020, còn 6 cầu thủ còn lại đều đang gặp phải những vấn đề khác nhau về sức khoẻ, trong đó có tới 5 người gặp phải chấn thương đứt dây chằng chéo trước (Duy Mạnh, Đình Trọng, Xuân Trường, Văn Thanh, Văn Đức) và 1 người bị chấn thương đứt dây chằng cổ chân (Xuân Mạnh).
Theo tài liệu y khoa về giải phẫu cơ thể người, khớp gối có cấu trúc giải phẫu rất phức tạp: Phía trên là đầu dưới xương đùi, phía dưới là đầu trên xương chày và phía trước là xương bánh chè, các xương này được đảm bảo vững chắc nhờ vào 2 dây chằng trong của khớp gối, đó là dây dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau và hệ thống cơ.
Nhờ có cấu trúc đặc biệt này mà chúng ta có thể thực hiện được các động tác vận động đi, đứng, chạy, nhảy… Trong các dây chằng này thì dây chằng chéo trước khớp gối thường dễ bị tổn thương nhất, và đấy là nguyên nhân vì sao mà trong 5 ca chấn thương đứt dây chằng của thế hệ cầu thủ Thường Châu thì cả 5 đều rơi vào dây chằng chéo trước.
Chấn thương là một phần tất yếu trong cuộc đời của các cầu thủ chuyên nghiệp, nhưng khi có quá nhiều cầu thủ ở cùng một thế hệ gặp cùng một loại chấn thương thì đấy không còn là sự ngẫu nhiên hay trùng hợp nữa.
Không những thế, trong các kiểu chấn thương của cầu thủ thì chấn thương dây chằng chéo trước bị coi là cơn ác mộng với những người theo nghiệp quần đùi áo số, vì chấn thương kiểu này phải tốn rất nhiều thời gian để hồi phục, dự kiến là khoảng từ 6 tháng tới 9 tháng, và có tới 20% tới 25% cầu thủ từng bị chấn thương đứt dây chằng chéo trước có nguy cơ tái phát chấn thương bất cứ lúc nào.
Vậy nguyên nhân nào khiến cho những Duy Mạnh, Đình Trọng, Xuân Trường, Văn Thanh, Văn Đức phải đối mặt với cơn ác mộng đe doạ sự nghiệp cầu thủ của họ như vậy? Đầu tiên phải kể tới tình trạng thiếu thốn bác sỹ thể thao ở các đội bóng chuyên nghiệp Việt Nam, mà ngay như một CLB nổi tiếng lắm tiền nhiều của cỡ ĐKVĐ V-League là Hà Nội FC mà cũng không có bác sỹ thể thao chuyên nghiệp.
Cũng vì thiếu thốn bác sỹ thể thao nên tình trạng sức khoẻ của các cầu thủ ở V-League không được nắm bắt và theo dõi một cách kỹ càng, từ đó dẫn tới việc chấn thương của cầu thủ không được phát hiện sớm và khi xuất hiện thì đã ở tình trạng rất nặng. Vũ Văn Thanh là một câu chuyện điển hình, khi hậu vệ này bị đứt dây chằng từ giữa tháng 9 năm 2018 nhưng vẫn luyện tập, thi đấu bình thường và phải đến đầu tháng 10 mới được phát hiện.
Vì thế mà rất nhiều cầu thủ tuy bị chấn thương hoặc chưa bình phục chấn thương song vẫn được HLV ngoại triệu tập lên ĐTQG ở các lần tập trung, như HLV Henrique Calisto trước đây và HLV Park Hang Seo hiện tại, mà lý do chính là để các cầu thủ đang có vấn đề về sức khoẻ được theo dõi và kiểm tra ở mức độ tốt nhất, theo chính sách dành cho tuyển thủ quốc gia.
Nếu nói rằng các HLV như Calisto hay Park Hang Seo không tin tưởng vào năng lực chuyên môn của đội ngũ bác sỹ tại CLB chủ quản của cầu thủ ở V-League thì có người sẽ bảo nói thế phải chăng là hơi quá lời, nhưng sự thực cũng không khác là mấy.
Đến đây hẳn sẽ có ý kiến cho rằng dường như chúng ta đang mắc bệnh sính ngoại, cứ cái gì của nước ngoài thì mới cho là tốt, và y học thể thao Việt Nam không yếu kém như một số người từng nghĩ.
Tuy nhiên, bạn sẽ nghĩ gì nếu HLV trưởng ĐTQG lại chính là người kiến nghị cần phải tìm kiếm bác sỹ nước ngoài cho ĐTQG, sau khi nhận phải “quả đắng” với bác sỹ người nhà?
Tối 16/1/2017, tại cuộc gặp mặt VĐV, HLV tiêu biểu và VĐV, HLV người khuyết tật xuất sắc năm 2016 của Bộ VH,TT&DL, HLV trưởng ĐTQG khi ấy là ông Nguyễn Hữu Thắng đã đề xuất thế này với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: “Kính mong Bộ trưởng trong thời gian tới sẽ chỉ đạo Tổng cục TDTT tăng cường các chuyên gia, bác sĩ ngoại chất lượng cho tất cả các bộ môn, không chỉ bóng đá. Như đội tuyển Việt Nam vừa qua tại AFF Cup 2016 đã không có được đội ngũ y-bác sĩ có chất lượng, có đủ trình độ để chẩn đoán và điều trị các chấn thương cho cầu thủ. Cụ thể là ở 2 trường hợp của tiền vệ Tuấn Anh và Hoàng Thịnh. Việc các bác sĩ ĐTQG không đủ trình độ chẩn đoán chính xác về chấn thương của 2 cầu thủ quan trọng này đã dẫn đến việc không thể chữa trị dứt điểm, không thể thi đấu. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổn thất lực lượng của đội tuyển quốc gia”.
Tất nhiên, không thể trút bỏ hoàn toàn gánh nặng về chuyện cầu thủ chấn thương cho đội ngũ bác sỹ, vì còn một nguyên nhân quan trọng khác dẫn tới việc cầu thủ bị chấn thương nặng, đấy là tình trạng quá tải.
Quang Hải là một ví dụ điển hình, khi năm nay mới 23 tuổi nhưng anh đã thi đấu tới 125 trận trong 2 năm 2018 và 2019 cho cả CLB cũng như ĐTQG và U23 Việt Nam, tính trung bình là mỗi năm Quang Hải thi đấu 62,5 trận, một con số không tưởng nếu biết rằng trong năm 2019, Cristiano Ronaldo chỉ thi đấu tổng cộng 39 trận cho CLB Juventus cũng như đội tuyển Bồ Đào Nha.
Người ta vẫn nói mọi sự so sánh là khập khễnh nhưng không cần tới những con số thống kê cũng có thể thấy được thế hệ cầu thủ Thường Châu đã thi đấu nhiều đến như thế nào, khi bắt đầu từ SEA Games 2017 ở Malaysia, kéo dài qua giải U23 châu Á năm 2018, Asian Games 2018 rồi AFF Cup 2018 và ngay sau AFF Cup 2018 là Asian Cup 2019, lứa cầu thủ này đã chinh chiến không ngừng nghỉ với HLV Park Hang Seo, mà ở sân chơi nào thì họ cũng giữ vai trò trụ cột.
Trần Đình Trọng là một trường hợp điển hình, khi anh chưa hoàn toàn bình phục chấn thương nhưng vẫn phải vào sân thi đấu ở vòng loại giải U23 châu Á năm 2020, rồi 2 tháng sau đó gặp phải chấn thương đứt dây chằng ở V-League 2019 dù không va chạm quá mạnh với tiền đạo Chevaughn Walsh của HAGL. Và một lần nữa, Đình Trọng lại phải vào sân khi chưa hoàn toàn khoẻ mạnh ở giải U23 châu Á năm 2020, để bây giờ hậu quả là anh vẫn chưa thể xỏ giày thi đấu cho CLB Hà Nội ở V-League 2020, vì cứ vận động mạnh là lại bị đau gối.
Thế hệ Thường Châu thật sự đã gặt hái được rất nhiều thành công trong hơn 2 năm qua, nhưng tấm huân chương nào cũng có mặt trái, song hành với những chiến tích và thành quả trên sân cỏ chính là nguy cơ chấn thương luôn tiềm ẩn.
Danh sách “thương binh” của thế hệ - Đỗ Duy Mạnh: Đứt dây chằng chéo trước trong khi thi đấu - Trần Đình Trọng: Đứt dây chằng chéo trước trong khi thi đấu - Lương Xuân Trường: Đứt bán phần dây chằng chéo trước khi tập luyện - Vũ Văn Thanh: Đứt dây chằng đầu gối phải khi thi đấu - Phan Văn Đức: Đứt dây chằng chéo trước khi luyện tập - Phạm Xuân Mạnh: Đứt dây chằng cổ chân khi thi đấu - Nguyễn Quang Hải: Rách cơ bắp khi thi đấu |
Huy Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất