Viện dưỡng lão và tình nghệ sĩ

28/01/2019 07:08 GMT+7

(lienminhbng.org) - Sáng 26/1/2019 tại hội trường của Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và một số vị lãnh đạo của TP.HCM đã có cuộc gặp gỡ chúc Tết, lắng nghe chia sẻ của các văn nghệ sĩ phía Nam.

 Đạo diễn Lê Quý Dương thăm Viện dưỡng lão nghệ sĩ

Đạo diễn Lê Quý Dương thăm Viện dưỡng lão nghệ sĩ

Đạo diễn Lê Quý Dương và các cộng sự đã đến thăm hỏi, giao lưu thân mật với các nghệ sĩ lão thành nhiều năm gắn bó với những thăng trầm của sân khấu TP.HCM

Trong nhiều câu chuyện về làm nghề, về nhà hát, về đãi ngộ, có câu chuyện về khu dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu (quận 8, TP.HCM).

Trong buổi gặp mặt này, NSND Kim Cương phát biểu: “Nghệ sĩ cũng không có lương hưu, bảo hiểm nên khi già yếu họ rất cần sự nương tựa, giúp đỡ. Tôi rất mừng vì thành phố đã có được Khu dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu ở quận 8. Nhưng hiện tại ở đây chỉ có được 20 giường. Miếng đất ở đây còn trống, tôi đã vận động bạn bè, họ sẵn sàng đóng góp 20 tỷ để xây thêm. Tôi mong nhà nước tạo điều kiện cho chúng tôi thực hiện việc này. Còn tiền nuôi dưỡng, anh em nghệ sĩ còn khỏe chúng tôi có thể vận động, hoặc tổ chức những suất hát để kiếm tiền phụ nuôi nghệ sĩ già yếu, neo đơn” (dẫn theo báo Tuổi trẻ).

Chú thích ảnh
Mỹ Tâm nhiều lần đến thăm khu dưỡng lão. Ảnh: MTE

Cũng cần nhắc lại, Khu dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu khánh thành ngày 7/3/1998, vốn là ý tưởng của NSND Phùng Há và Ban ái hữu nghệ sĩ. Sau 20 năm, đây vẫn là viện dưỡng lão duy nhất tại Việt Nam dành cho nghệ sĩ.

Tại cuộc gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của NSND Kim Cương, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM chia sẻ thông tin do đất ở viện dưỡng lão nghệ sĩ chưa làm thủ tục chủ quyền, ông chỉ đạo qua Tết Sở Văn hóa - Thể thao, sở Tài nguyên - Môi trường, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM nên ngồi lại bàn kỹ xem nhu cầu thật sự ở viện dưỡng lão như thế nào, giữ nguyên như cũ hay mở rộng thêm. Trên cơ sở đó chốt lại một lần và giao luôn cho Hội để có điều kiện chăm lo cho nghệ sĩ già yếu, neo đơn tốt hơn.

Vì sao Sài Gòn - TP.HCM có nhiều nghệ sĩ sân khấu sống neo đơn khi về già? Một trong vài lý do chính có lẽ đến từ quan niệm thích sống đời lang bạt kỳ hồ của ngày xưa. Trước đây tại Sài Gòn và Nam bộ, nhiều nghệ sĩ sân khấu nghĩ đời làm nghề rày đây mai đó nên có ý tránh xa đời sống gia đình, tránh sự ổn định, ràng buộc.

Chú thích ảnh
Khu dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu là nơi sinh sống của nhiều nghệ sĩ danh tiếng một thời. Ảnh: MTE

Chứ nghiệm lại nhan sắc, cuộc đời làm nghề và danh tiếng của nhiều nghệ sĩ còn sống ở Khu dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu, muốn có một đời sống gia đình ổn định chắc không mấy khó khăn. Thế nhưng họ vẫn chọn cuộc đời “thân bất do kỵ” là vì muốn rảnh rang cống hiến cho nghề, cho nghệ thuật.

Từ năm 1946 tại Sài Gòn, Ban ái hữu nghệ sĩ đã được các nghệ sĩ Trần Hữu Trang, Phùng Há, Năm Châu… thành lập, mà mục đích chính là tương thân, tương trợ các nghệ sĩ già neo đơn, lo ma chay tang chế. Nhưng cuộc sống đã thay đổi, trong một lần trò chuyện với các sinh viên đến thăm khu dưỡng lão, NSƯT Diệu Hiền tâm sự: “Nếu tụi con yêu và chọn bộ môn này để theo thì hãy lấy nó làm nghề tay trái mà thôi. Tụi con vẫn phải học thật tốt cái nghề tay phải của mình, để ổn định. Thời nay khác xưa, hồi đó mấy cô sống với nghề khá dễ, nên vô tư, giờ sân khấu khó khăn lắm, tụi con có tình yêu là mừng rồi, nhưng phải tỉnh táo làm nghề, biết lo nghĩ đến hậu vận”.

Từ thực tế đời sống và từ chính hình ảnh neo đơn của những nghệ sĩ đang ở khu dưỡng lão này, hy vọng số nghệ sĩ cần đến khu dưỡng lão trong tương lai sẽ ít dần. Thế nhưng trước mắt thì TP.HCM vẫn còn nhiều nghệ sĩ già neo đơn, nếu Khu dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu có thêm phòng, thêm giường thì sẽ cưu mang thêm nhiều người khác.

Hy vọng tấm lòng của những người như NSND Kim Cương và các mạnh thường quân sẽ sớm thành hiện thực. Bởi chính những cơ sở như khu dưỡng lão và cái tình nghệ sĩ sẽ khích lệ thêm sự cống hiến trong nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ khác, đặc biệt là giới trẻ.

Vô Ưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm