20/11/2014 17:04 GMT+7 | Các ĐTQG
(lienminhbng.org) - Dưới cái tên "khai sinh" Tiger Cup, giải vô địch Đông Nam Á ra đời đúng vào lúc bóng đá Việt Nam xuất hiện thế hệ Vàng thứ nhất với ngôi á quân SEA Games Chiang Mai 1995. Vì thế, sức ép vô địch là có thật qua từng giải đấu số 1 khu vực được tổ chức và cũng chính với sức ép ấy đã khiến bóng đá Việt phơi bày đủ cả... Hỷ, nộ, ái, ố! suốt gần 2 thập kỷ qua.
* Tiger Cup 1996: "Cơn điên" của Weigang và quả khế của ông Tô Hiền
Đội tuyển Việt Nam dự giải vẫn là bộ khung từng lọt vào trận chung kết SEA Games 1995 cùng ông thày người Đức Karl-Heinz Weigang. Và vào thời điểm đó, do chỉ có Thái Lan cũng với thế hệ Vàng gồm những: Natipong, Kiatisuk, Worrawoot... là vượt lên so với mặt bằng khu vực, nên kỳ vọng có danh hiệu quốc tế thứ 2 với bóng đá Việt là hiện hữu. Và thực tế là tuyển Việt Nam đã có được tấm HCĐ, sau khi để thua Thái Lan 0-4 tại bán kết và thắng Indonesia 3-2 trong trận tranh hạng Ba.
Tấm huy chương này chính thức đưa bóng đá Việt Nam vào tốp đầu khu vực, nhưng cũng chính ở giải vô địch Đông Nam Á đầu tiên, "nghi án" bắt đầu xuất hiện. Đó là sau trận hòa tuyển Lào 1-1 ở vòng đấu bảng, HLV Weigang đã "nổi điên" đòi đuổi 4 cầu thủ họ Nguyễn gồm: Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Chí Bảo về nước với câu hỏi sốc: “Các anh đã nhận bao nhiêu tiền để thi đấu như vậy ?”. Bầu không khí đội tuyển khi ấy cực kỳ căng thẳng và chỉ được "hạ nhiệt" khi cố Trưởng đoàn Tô Hiền gây bất ngờ bằng việc đưa ra quả khế, rồi cùng cả đội hát bài hát "Quê hương" rất thịnh hành thời đó.
4 cầu thủ họ Nguyễn vẫn được đá để "đoái công chuộc tội" và "nghi án" cũng chìm bởi sau Tiger Cup, Weigang chính thức chia tay với bóng đá Việt Nam liên quan đến xung đột với Liên đoàn.
Chức vô địch AFF Cup 2008 của đội tuyển Việt Nam.Ảnh: Q.T
* Tiger Cup 1998: Cái lưng của Sasi Kumar và câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ
Việt Nam được chọn là chủ nhà của Tiger Cup 1998 và giải vô địch Đông Nam Á lần thứ 2 cũng bước khởi đầu cho hành trình của ông thày người Áo Alfred Riedl tại mảnh đất hình chữ S. Quyết định mời cựu Chiếc giày Đồng châu Âu về dẫn dắt đội tuyển lúc ấy không gì khác ngoài mục tiêu hướng tới ngôi vô địch Đông Nam Á đầu tiên, bất chấp khi vừa mới ngồi lên ghế nóng, Riedl đã khiến báo giới trong nước phát sốt với tuyên bố - Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc!
Và quả thật chưa bao giờ chức vô địch đầu tiên lại gần đến thế. Tuyển Việt Nam thăng hoa tại chảo lửa Hàng Đẫy khi đánh bại chính đối thủ số 1 là Thái Lan tới 3-0 để tiến vào chung kết gặp lại Singapore, đội bóng từng hòa 0-0 ở vòng bảng.
Nhưng đêm 5/9/1988, chảo lửa Hàng Đẫy chật cứng với 25.000 khán giả bỗng... tắt lửa. Phút 65, từ pha tạt bóng tưởng chừng vô hại, thủ môn Tiến Anh nhảy lên tranh chấp với Sasi Kumar và bóng rơi thẳng vào vai hậu vệ đối phương... đi vào lưới! Trọng tài người Hàn Quốc Kim Young-Joo đã ngập ngừng chờ cú ngã của thủ môn Việt Nam, để ra hiệu cho 1 cú phạt lên, nhưng khôn! và bàn thắng được công nhận.
Trận thua này không chỉ là nỗi đau mà 10 năm sau với được xóa với chức vô địch AFF Cup 2008 mà còn xem là dấu chấm hết cho thế hệ Vàng đầu tiên. Hơn thế, sau này, báo chí Singapore còn đặt ra câu hỏi nghi vấn về trận chung kết trên sân Hàng Đẫy năm 1998 nhưng tất cả đều dừng lại ở đó, như một câu hỏi còn bỏ ngỏ đến bây giờ.
* Tiger Cup 2000: "Trảm tướng trước trận"
Lần thứ 3 tổ chức, Tiger Cup trở thành sân chơi riêng cho đội tuyển quốc gia, khi từ năm 2001, SEA Games thuộc về lứa U23. Đội tuyển Việt Nam lúc này vẫn do Riedl dẫn dắt, tuy nhiên, chỉ còn vài trụ cột của thế hệ Vàng được giữ lại như: Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Văn Khải, Công Minh... Hơn thế, sau thất bại cay đắng trên sân nhà trong trận chung kết Tiger Cup 1998, Riedl cùng đội tuyển quốc gia lại thua chính người Thái ở trận chung kết SEA Games 1999, nên việc giải vô địch Đông Nam Á diễn ra lần đầu ở Thái Lan, cơ hội tiến sâu là khá hẹp.
Dẫn đầu bảng B với 4 trận thắng, nhưng rồi tuyển Việt Nam đã để thua Indonesia 2-3 trong trận bán kết với bàn thắng quyết định được ghi bởi Gendut Doni Christiawan ở phút 120. Suy sụp sau trận bán kết, các học trò của Riedl thua dễ luôn 0-3 trước Malaysia trong trận tranh hạng ba.
Chuyển giao thế hệ được xem là lý do để lý giải cho thất bại, nhưng với những người am hiểu nội tình đội tuyển, thì có 1 lý do còn lớn hơn nhiều - Đó là quyết định có lẽ vào loại kỳ lạ nhất của Liên đoàn bóng đá Việt Nam bấy giờ - Sa thải Alfred Riedl ngay trước khi Tiger Cup 2000 được khởi tranh. Quyết định kỳ lạ ấy sau còn kỳ lạ hơn nữa, khi Riedl còn tới 2 lần nữa tái ngộ với bóng đá Việt.
* Tiger Cup 2002: "Gã thợ hàn" Calisto!
Bóng đá Việt Nam bắt đầu lên chuyên, nhưng đây cũng là thời điểm, thương hiệu đội tuyển quốc gia xuống dốc thê thảm nhất. Sau thế hệ Vàng thứ nhất là cuộc khủng hoảng về lực lượng và thực tế là mối quan tâm được dồn cả cho lứa U23 nhằm chuẩn bị cho SEA Games 2003 được tổ chức trên sân nhà.
Đây cũng là 1 phần lý do khiến Liên đoàn bấy giờ chú tâm vào tìm kiếm HLV ngoại cho đội U22, còn đội tuyển nam quốc gia được giao cho GĐKT ĐT.LA, ông Calisto. Thế nhưng với 1 đội hình chắp vá, gồm rất nhiều gương mặt mới lần đầu khoác áo đội tuyển mà sau này trở thành trụ cột như: Tài Em, Minh Phương... kể cả thần đồng Văn Quyến khi ấy mới 19 tuổi, HLV người Bồ Đào Nha thực sự thổi lửa vào lối chơi của tuyển Việt Nam.
Mở màn với trận thắng 9-2 trước Campuchia, tuyển Việt Nam đứng đầu bảng A khi ghi tới 19 bàn sau 4 trận (3 thắng, 1 hòa). Tiếc là trận bán kết, vẫn bị khớp trước người Thái, đội tuyển đã thua 0-4. Tuy nhiên ở trận tranh HCĐ với Malaysia, 2 bàn thắng của Trường Giang và Minh Phương giúp tuyển Việt Nam trả món nợ đã vay cách đó hai năm.
Tấm HCĐ bất ngờ này được xem là thành công lớn lúc bấy giờ mà dấu ấn của Calisto là cực lớn. Và dễ hiểu sau 2 cú "mắc lừa" liên tiếp với Dido và Letard, Liên đoàn bóng đá Việt Nam muốn mời Calisto dẫn dắt tiếp đội U23 quốc gia dự SEA Games 22. Thậm chí, trong buổi đón đội tuyển Việt Nam trở về từ Tiger Cup năm đó, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Trần Duy Ly còn cho biết bản hợp đồng dự kiến bắt đầu từ tháng 7/2003 đến hết SEA Games (tháng 12). Nhưng với bản tính cương trực và nóng nảy, Calisto đã không nhận lời để rồi tiếp tục thành công với ĐT.LA bằng 2 chức vô địch V-League vào các năm 2005 và 2006.
* Tiger Cup 2004: "Trò hề" với Edson Tavares
Lần thứ 2 giải vô địch Đông Nam Á trở lại Việt Nam và sau 2 trận chung kết thua cay đắng (Tiger Cup 1998 và SEA Games 2003) trên sân nhà, Liên đoàn đầu tư rất mạnh tay cho chức vô địch Tiger Cup 2004 với việc mời lại ông thày ngoại đầu tiên của bóng đá Việt Nam - Edson Tavares lúc đó đang dẫn dắt CLB Trung Quốc Chongqing Lifan.
Đến Việt Nam vào cuối năm 2004 và tạo nên cuộc lột xác cho cả 2 đội tuyển quốc gia khi cùng vào bán kết Cúp Độc lập đầu năm 2005, Edson Tavares thực sự là dấu hỏi vẫn chưa có lời đáp với giới chuyên môn trong nước, đặc biệt là chuyện ông thày người Brazil này cho cầu thủ ăn những viên kẹo bí ẩn trong các buổi tập rồi... chạy khỏe như Tây! Ngay cả việc ra đi sau Cúp Độc Lập cũng là ẩn số khi Tavares có những cuộc cãi vã với quan chức Liên đoàn.
Trở lại và được kỳ vọng lại tạo ra những "bí ẩn" mới, nhưng Tavares của 10 năm sau đã là 1 con người khác. Thay vì chuyên môn là những tuyên bố "nổ như pháo" kiểu như: "Những năm tháng tới, đội tuyển Việt Nam sẽ mang dấu ấn của tôi" cùng những mối quan hệ nhằng nhịt ngoài lề.
Chẳng có sự đổi mới nào về lối chơi, đội tuyển đá 15 trận thì thua đến 7, đỉnh điểm là trận thua 0-3 trước Indonesia ngay trên sân Mỹ Đình khiến tuyển Việt Nam không vượt qua nổi vòng 1 kỳ bảng Tiger Cup.
Cũng sau trận thua đó, Tavares từ chức và cuối năm 2009, vị HLV người Brazil này trở lại Việt Nam dẫn dắt CLB nhà giàu Ninh Bình với hợp đồng 3 năm, nhưng rồi chưa đầy 4 tuần đã lại phải ra đi vì... chê bai chính đội bóng của mình! Trò hề Tavares chấm dứt!
* AFF Cup 2007: Lần cuối với Alfred Riedl
Năm 2005, Riedl lần thứ ba trở lại Việt Nam và dù lần trở lại này gây nhiều tranh cãi thì đây vẫn là ông thày ngoại nhiều thành tích quốc tế nhất. Cụ thể, năm 2005, nếu không có scandal bán độ thì rất nhiều khả năng, đội tuyển U23 của Rield đã có tấm HCV tại SEA Games trên đất Philippines.
Tới đầu năm 2007, dù mất 7 cầu thủ trẻ tài năng, trong đó có cả Văn Quyến, nhưng Riedl vẫn đưa đội tuyển Việt Nam vào tới bán kết AFF Cup. Tại vòng đấu này, do để thua Thái Lan 0-2 ngay trên sân Mỹ Đình, nên 1 trận hòa không bàn thắng tại Bangkok cũng chỉ giúp thày trò Riedl có thêm tấm HCĐ.
Trong lần thứ ba trở lại này, ngoài tấm HCB SEA Games 2005 và HCĐ AFF Cup 2007, Riedl còn dẫn dắt đội tuyển nam quốc gia lần đầu vào đến tận vòng tứ kết Asian Cup và đội U23 tiến tới vòng loại thứ 3 môn bóng đá nam Olympic Bắc Kinh 2008. Tuy nhiên, thất bại tại SEA Games 2007 trên đất Thái Lan (thua Myanmar ở bán kết và thua Singapore 0-5 ở trận tranh hạng ba) đã khiến ông thầy người Áo phải ra đi trong nước mắt theo đúng nghĩa đen của cụm từ này và chính thức chấm dứt cuộc hành trình với các đội tuyển, dù thời điểm đó, Riedl còn mang trong mình quả thận của một người Việt Nam.
* AFF Suzuki Cup 2008: Lên đỉnh vinh quang
Những thất bại liên tiếp với các ông thày ngoại là nguyên nhân chính khiến Liên đoàn bóng đá Việt Nam trở lại với một gương mặt thành công đã cũ - Henrique Calisto, mà lúc đó một phần cũng do sức ép từ dư luận.
Calisto lúc này không chỉ là ông thày ngoại gắn bó lâu nhất, mà còn là người thành công nhất trên mọi cấp độ (từ đội tuyển đến CLB ĐT.LA) và cũng là người hiểu biết nhất về bóng đá Việt Nam. Gạt sang bên những va chạm trong quá khứ và cách ứng xử đã trở nên mềm mại đi ít nhiều, nhưng Calisto vẫn xứng là "quả núi lửa" trên băng ghế huấn luyện.
Kiên quyết tới cực đoan, bất chấp chuỗi hơn 10 trận khởi động chỉ hòa và thua, thậm chí, ở trận đầu vòng bảng, tuyển Việt Nam còn thúc thủ 0-2 trước chủ nhà Thái Lan, Calisto vẫn cứng rắn với mục tiêu vô địch, bất chấp làn sóng nghi ngờ từ giới chuyên môn đến người hâm mộ mỗi lúc một dâng cao.
Tuyển Việt Nam chơi hay lên từng trận khi lần lượt đánh bại Malaysia (3-2), Lào 4-0 ở vòng bảng và bàn thắng của Quang Hải trên đất Singapore đã đưa thày trò Calisto tái ngộ với người Thái ở chung kết. Bất ngờ chưa dừng lại ở đó, đánh bại Thái Lan 2-1 tại Bangkok ở lượt đi và bàn đánh đầu ngược đẹp mắt của Công Vinh trên sân Mỹ Đình vào phút 90'+4 đã đưa tuyển Việt Nam tới chức vô địch AFF Cup đầu tiên và cũng là chức vô địch duy nhất cho đến thời điểm hiện tại.
* AFF Suzuki Cup 2010: Lời chia tay của Calisto
Tài năng của Calisto được khẳng định với biệt danh "phù thủy" và sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008 đã không ít người mơ tới viễn cảnh "thoát khỏi ao làng". Tuy nhiên, trong cái bầu không khí hồ hởi lúc đó, chính ông thày người Bồ đã tuyên bố - Để vươn tới tầm châu lục, bóng đá Việt Nam phải thay máu toàn diện! Tiếc là chẳng có cuộc thay máu nào và dù có thêm 1 HCB SEA Games 2009, thì tới ngày 2/3/2011, Calisto đã công bố quyết định từ chức sau 3 năm dẫn dắt đội tuyển Việt Nam mà nguyên nhân chính là thất bại tại AFF Suzuki Cup 2010.
Khi ấy, với tư cách là nhà vô địch và lại được thi đấu trên sân nhà, nhưng trận thua bất ngờ 0-2 trước Philippines đã chỉ ra sức mạnh của tuyển Việt Nam đã không còn như 2 năm trước, mặc cho vẫn là những con người cũ. Thực tế là tới bán kết, thất bại 0-2 sau cả 2 lượt trận với Malaysia, tuyển Việt Nam nhận HCĐ, thì đây vẫn là 1 kỳ AFF Cup đáng để quên.
* AFF Suzuki Cup 2012: Tệ nhất trong lịch sử
Xen giữa năm 2010 và 2012 là 1 kỳ SEA Games thất bại nữa của bóng đá Việt Nam với ông thày ngoại thứ 8 là Falko Goetz. Việc trở lại với nguồn nội lực được đặt ra với đội tuyển đã mở đường cho HLV Phan Thanh Hùng, người đưa Hà Nội T&T trở thành thế lực mới của làng cầu nội ngồi lên chiếc ghế nóng tại AFF Suzuki Cup 2012.
Tài năng của ông thày người Đà Nẵng là không thể phủ nhận, tiếc là không đủ để ngăn đà xuống dốc khi đây là giải vô địch Đông Nam Á mà đội tuyển Việt Nam có kết quả thi đấu tệ nhất. Không những không giành nổi quyền vào bán kết, sau 3 trận vòng bảng, thầy trò HLV Phan Thanh Hùng chỉ giành được vỏn vẹn có đúng 1 điểm! ( hòa 1 trận trước Myanmar và thua 2 trận trước Philippines và Thái Lan). Đây cũng là số điểm thấp nhất mà đội tuyển Việt Nam có được trong lịch sử 9 kỳ AFF Cup và cũng là giải đấu đầu tiên mà đội tuyển không thắng nổi một trận nào khi các chân sút chỉ ghi được đúng 2 bàn.
Nguyên nhân thì nhiều, nhưng chung quy lại thì vẫn là sự bất ổn trong thể lực, tâm lý cùng những rạn nứt trong nội bộ cầu thủ, đến sự thể hiện nghèo nàn trên cabin chỉ đạo. Ông Phan Thanh Hùng - HLV nội đầu tiên dẫn dắt tuyển Việt Nam trong lịch sử AFF Cup đã từ chức ngay sau thất bại này.
Những con số của bóng đá Việt Nam tại AFF Cup * Tuyển Việt Nam đã có 1 chức vô địch (2008); 1 ngôi á quân (1998) và 4 lần xếp hạng ba (1996, 2002, 2007, 2010). * Tuyển Việt Nam đã thắng 22 trận qua các kỳ AFF Cup, hòa 13 và thua 12 trận. Ghi 101 bàn và để thủng lưới 54 bàn. * Tiền đạo Lê Huỳnh Đức đứng thứ 4 trong số các cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất giải với 14 bàn. Lê Công Vinh đứng thứ 9 với 9 bàn. * Đã có 2 cầu thủ Việt Nam được chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất giải: Nguyễn Hồng Sơn (1998) và Dương Hồng Sơn (2008). |
Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất