11/12/2014 15:57 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Trận thắng Malaysia thuyết phục trên sân đối phương giúp đội tuyển Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để tiến vào trận chung kết. Có cùng nhận định với số đông, nhưng Hồng Ngọc vẫn có những góc nhìn khác trong cuộc trò chuyện với Cà phê thể thao.
Cà phê thể thao: Trong lúc trận bán kết lượt đi với Malaysia đang diễn ra, anh có viết một trạng thái trên Facebook rằng đội tuyển Việt Nam hiện tại là đội tuyển xứng đáng nhất để vô địch khu vực nhất của chúng ta trong 2 thập kỷ qua. Tức là anh nhìn nhận nó vượt qua cả đội tuyển đã vô địch AFF Cup 2008, hay của “thế hệ vàng” Hồng Sơn, Huỳnh Đức…
Hồng Ngọc: Sự xứng đáng tôi nói ở đây là từ phương diện tổ chức và lối chơi, không nói về tài năng cá nhân cầu thủ. Kể từ khi hội nhập trở lại với bóng đá khu vực, và giành được những thành công nhất định tại SEA Games 1995, đội tuyển Việt Nam luôn dựa vào lối chơi phòng ngự - phản công, với việc phòng ngự dựa trên số đông và sự quả cảm ở 1/3 phần sân, còn tấn công thì bằng các pha đột kích bằng số ít nhưng gây bất ngờ. Các đội bóng có khả năng cầm bóng và phối hợp toàn sân tốt như Thái Lan, Indonesia đều tha hồ áp đặt lối chơi lên chúng ta.
Chỉ đến thời Calisto, sự gắn kết toàn đội trong tổ chức phòng ngự lẫn tấn công mới trở nên rõ rệt. Nhưng xu hướng chơi phòng ngự phản công vẫn rõ rệt, thể hiện qua việc lép vế về thế trận trước cả Singapore và Thái Lan trên con đường tiến đến chức vô địch AFF Cup 2008.
Niềm tin mà đội tuyển Việt Nam (trái) mang đến cho người hâm mộ là cực kỳ lớn.Ảnh: V.S.I
Trong 20 năm qua, chỉ có những khoảng thời gian ngắn ngủi của thời Colin Murphy và Edson Tavares là đội tuyển Việt Nam theo đuổi lối chơi chủ động tấn công từ khắp mặt sân nhưng lại nhận sự chỉ trích vì mặt này hay mặt khác, và không thật thành công ở giải đấu chính thức. Đến giờ, với HLV Toshiya Miura, đội tuyển Việt Nam mới thể hiện thành công lối chơi này trên nhiều phương diện.
Xin lưu ý rằng tôi viết trạng thái trên khi tỷ số trận đấu đang là 1-1, để nhắc bạn rằng điều tôi ca ngợi đội tuyển này không phải là ở kết quả, mà là màn trình diễn trên sân.
Đó chỉ là cách chơi mà từng HLV chọn cho đội bóng, phù hợp với con người hiện có, sao anh hứng thú đến vậy? Chơi phòng ngự - phản công cũng là một nghệ thuật mà?
Lối chơi thể hiện sự yếm thế hay tự tin, thụ động hay chủ động của chúng ta. Ta hãy thử hình dung thế này: Đứa con mình trên võ đài quyền anh bị đối thủ tấn công bầm dập, thỉnh thoảng mới có cú phản đòn, so với khi nó là người chủ động tấn công đối thủ thì tình huống nào làm ta vui, tình huống nào làm ta xót xa?
Không phải ngẫu nhiên mà khuynh hướng chơi phòng ngự - phản công theo đuổi chúng ta suốt nhiều thập niên qua. Tôi cho rằng nó xuất phát từ yếu tố văn hóa. Các dân tộc có nền văn hóa lúa nước thường thụ động. Và chúng ta lại đang thoát thai khỏi đói nghèo, nên tâm lý “giữ sức” rất phổ biến, vì mặc cảm thể lực không đủ để tranh chấp với đối phương suốt cả trận đấu.
Thế nên khi vượt qua được lối chơi đó không chỉ là sự khác biệt trong lối chơi, mà còn thể hiện chúng ta đang vượt qua mặc cảm yếu ớt, tâm lý thụ động để đua tranh sòng phẳng với thiên hạ trong tâm thức chủ động hơn. Chỉ với tâm thức đó chúng ta mới lớn lên được. Ngay trên phương diện thể thao, chúng ta vẫn luôn thích xem các đội bóng chơi chủ động tấn công hơn. Đó là nguyên nhân mà khán giả Việt Nam phát cuồng với “hiện tượng U19” suốt 1 năm qua. Và giờ là với đội tuyển quốc gia.
Để theo đuổi lối chơi chủ động, ngoài việc vượt qua tâm lý thụ động và sự mặc cảm yếu ớt truyền thống như anh vừa nói, cần những điều gì để thực hiện nó thành công?
Hai yếu tố then chốt là thể lực và kỷ luật chiến thuật – trách nhiệm tập thể. Phải có một năng lượng rất dồi dào để có thể tranh chấp với đối phương suốt cả trận đấu, và rõ ràng HLV Miura đã thành công lớn ở phương diện này. Kỷ luật chiến thuật không chỉ là việc giữ vị trí, tuân thủ đấu pháp kiểu như chơi bóng dài hay bóng ngắn, tấn công cánh phải, cánh trái hay trung lộ. Kỷ luật chiến thuật ở đội tuyển hiện nay được nâng lên tầm cao mới: Các cầu thủ áp sát, tranh chấp theo vị trí của mình ngay từ tuyến đầu.
Chúng ta rất ít khi nhìn thấy những cầu thủ tấn công của mình tranh chấp bóng như “điên”, như Công Vinh, Thành Lương đã thể hiện. Nhưng nếu chỉ một hai cầu thủ tấn công tranh chấp bóng là vô nghĩa, khi đối phương luân chuyển bóng. Sự tích cực đó chỉ chuyển thành sự chủ động trong tranh chấp và thế trận khi tất cả các vị trí trên sân đều khép kín các khoảng trống của đối phương từ vị trí của mình. Nó đòi hỏi rất nhiều thứ: thể lực, kỷ luật, trách nhiệm, sự tập trung.
Khi cả đội bóng vận hành mà cùng đạt được các yếu tố đó là cực kỳ khó. Đó là lý do chơi bóng đá tấn công luôn luôn khó hơn chơi phòng ngự phản công. Và vì thế mà tôi rất ấn tượng với đội tuyển Việt Nam hiện nay. Đội tuyển chủ động áp đặt thế trận và tổ chức tốt đến nỗi tôi chưa phải chứng kiến một sai sót lớn nào về mặt tổ chức phòng ngự để trao cơ hội ghi bàn rõ rệt cho đối phương. Tuy chúng ta đã thủng lưới tới 4 lần nhưng đều là từ những sai sót cá nhân đáng tiếc hoặc từ các cơ hội không rõ ràng của đối thủ.
Nhưng không chỉ có các khía cạnh chuyên môn mới gây ấn tượng. Khía cạnh tâm lý, tinh thần cũng thuyết phục không kém. Các cầu thủ đã đứng vững trước vô số khó khăn khách quan và lạnh lùng vượt qua. Đó là áp lực khủng khiếp trên sân đối phương, là lối chơi có phần bạo lực của đối thủ, là sự điều khiển không công bằng của các trọng tài, và quả phạt đền từ tình huống gây tranh cãi dẫn đến việc bị dẫn điểm trên sân khách.
Tất nhiên không có gì hoàn hảo cả, như pha huých vai tiền đạo đối phương quá thô thiển của Phước Tứ trong vòng cấm là đầy rủi ro bị phạt đền, và cú vào bóng trực diện bằng hai chân của Tiến Thành mang màu sắc “dằn mặt trả đũa” cũng đầy nguy cơ bị truất quyền thi đấu. Chúng ta cần cố gắng tránh cách phản ứng như vậy, dù những ai chơi thể thao đều biết rằng thật không dễ để tránh khi bị đối phương kích động.
Cuộc vận động không trả đũa đối với khán giả trên sân Mỹ Đình cũng đang diễn ra, sau khi một số cổ động viên của chúng ta đã bị tấn công trên khán đài tại Malaysia. Theo anh, chúng ta cần phải thể hiện cho đối thủ và thế giới thấy sự tử tế và văn minh của chúng ta?
Chúng ta tử tế, văn minh như thế nào thì thế giới thấy rồi, không cần phải cố thể hiện cho họ thấy nữa (cười to). Cá nhân tôi không thích cách tiếp cận tỏ ra là mình văn minh trong mắt thiên hạ. Hãy tử tế và văn minh từ trong tâm thức của mình, như là giá trị tự thân của mình để góp phần làm cho cuộc sống của mình và những người xung quanh tốt đẹp hơn.
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất