Việt Nam có khái niệm riêng về phóng viên chiến trường

25/04/2015 07:21 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Đâu là điểm riêng giữa các phóng viên chiến trường Việt Nam so với những đồng nghiệp quốc tế? Câu trả lời: Vượt hơn cả khái niệm về nghề nghiệp, họ nhập cuộc bằng tâm thế của một chiến sĩ, với trên 400 nhà báo đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường.

Có thể thấy điều ấy qua những trao đổi  tại tọa đàm Báo chí về đề tài chiến tranh – Tác nghiệp của phóng viên chiến trường (Thông tấn xã Việt Nam và Hội nhà báo VN phối hợp tổ chức tại Hà Nội chiều qua, 24/4).

Những cuộc hội ngộ đặc biệt

Bên cạnh các học giả và nhà báo quốc tế, gần 20 cựu phóng viên chiến trường (PVCT) của TTXVN và một số tờ báo khác cùng có mặt tại cuộc tọa đàm. Và khởi điểm, một cuộc gặp gỡ chớp nhoáng nhưng đầy xúc động đã diễn ra giữa hai nhà báo Trần Mai Hưởng (nguyên Tổng giám đốc TTXVN, tác giả bức ảnh Xe tăng chiếm dinh Độc Lập) và Đoàn Công Tính (tác giả bức ảnh Nụ cười Thành cổ). Cùng là những cái tên nổi bật nhất của giới  PVCT VN, vậy nhưng phải mấy chục năm sau 1975, họ mới có dịp ngồi chung trong buổi tọa đàm này.


Hai nhà báo, cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính (phải) và Trần Mai Hưởng

Và, cũng có thể nhắc tới một cuộc gặp đặc biệt nữa tại tọa đàm, giữa nhà báo Trần Mai Hưởng và nhà làm phim người Australia George Burchett. Cha của anh chính là Graham Burchett, nhà báo cánh tả nổi tiếng đã từng tới địa đạo Củ Chi trong chiến tranh và luôn được VN coi là người bạn lớn. Như lời nhà báo Trần Mai Hưởng, ông đã có dịp gặp gỡ và đồng hành cùng Graham Burchett trong quá trình tác nghiệp trên đất Campuchia. Thời gian ấy, có lần nhờ quân tình nguyện VN mà Graham Burchett may mắn không rơi vào ổ phục kích của tàn quân Khmer Đỏ.

Những nhà báo cầm súng

Trong hồi ức của những người tham dự tọa đàm, rất nhiều PVCT VN đã không gặp may mắn như vậy. Là cựu nhà báo của TTXVN tại chiến trường miền Trung, ông Dương Đức Quảng ngậm ngùi kể về nhà báo Văn Giá – liệt sỹ nằm xuống với vết đạn xuyên qua ống kính máy ảnh (và được các cựu binh Mỹ lưu giữ 2 cuộn phim để trả lại cho gia đình năm 2005), về những đồng nghiệp hy sinh khi quay Lũy Thép Vĩnh Linh – bộ phim tài liệu giành  giải vàng tại Liên hoan phim Moskva năm 1971. Còn trong bài phát biểu của mình, TGĐ TTXVN Nguyễn Đức Lợi nhắc tới những nhà báo từng trực tiếp cầm súng, từng nhận danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ hoặc bắn cháy xe bọc thép của địch trước lúc hy sinh.

"Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, những người làm báo Việt Nam, trong đó có đội ngũ đông đảo những người làm báo của TTXVN, đã thực sự là những nhà báo - chiến sĩ. Những người làm báo còn rất trẻ của một Nhà nước mới thành lập cùng những phương tiện kỹ thuật còn lạc hậu và thiếu thốn đã dõng dạc nói lên với toàn thế giới quyết tâm sắt đá của nhân dân Việt Nam chiến đấu tới cùng vì độc lập tự do, vì phẩm giá con người." – TGĐ Nguyễn Đức Lợi chia sẻ  - "Đi cùng với những thắng lợi ấy, không thể không có mất mát và hy sinh".

Ít người biết, để nhà văn Anh Đức viết nên tiểu thuyết Hòn đất không chỉ có nguyên mẫu liệt sĩ Phan Thị Ràng mà còn có tư liệu ghi chép của hai phóng viên TTXVN đã ngã xuống trong chiến tranh chống Mỹ. Rộng hơn, trong suốt 30 năm chiến tranh vệ quốc, 260 phóng viên và cán bộ của TTXVN đã hi sinh trên mọi chiến trường khi làm nhiệm vụ... ". Và, tôi cũng không biết trong lịch sử báo chí thế giới đã có hãng Thông tấn nào hy sinh tới ngần ấy con người khi tác nghiệm chưa?" – nhà báo Trần Mai Hưởng đặt câu hỏi trong sự im lặng của các học giả quốc tế.


Nghệ sĩ nhiếp ảnh, cựu phóng viên chiến trường Chu Chí Thành chia sẻ về những bức ảnh mà mình không đưa ra sử dụng

Và câu chuyện đạo lý

Thêm một câu chuyện riêng được cựu PVCT Chu Chí Thành (TTXVN) chia sẻ khi tác nghiệp tại Hà Nội  cuối 1972, trong thời điểm 12 ngày đêm chiến thắng B52. Khi ấy, những cuộc họp báo quốc tế liên tục được tổ chức để công bố các thông tin tại Hà Nội với dư luận thế giới. Ông Thành có chụp một bộ ảnh tư liệu nhưng không đưa ra sử dụng.

"Đây là ảnh chụp xác một phi công Mỹ bị bắn rơi. Rồi những bức ảnh chụp thẻ quân nhân và ảnh vợ con, gia đình mà anh ta mang theo người"- cựu PVCT này đưa ảnh cho các các học giả quốc tế - "Ít nhiều, cách đưa tin của chúng tôi cũng có những quan điểm riêng so với bạn bè quốc tế. Dù đau thương, người VN theo đạo lý của mình cũng không bao giờ muốn đáp trả bằng việc khơi ra sự đau thương của kẻ thù".

Như đáp lại lời ông Thành, cựu binh James Rhodes, hiện là phóng viên Đại học Webster (Hoa Kỳ), có những câu chia sẻ khá chân thành. James từng tham chiến tại VN và  vô tình, cũng trở thành một nạn nhân của chất độc hóa học mà người Mỹ rải xuống đây. "Tôi muốn cám ơn những nhà báo VN vì đã giúp mình hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh này. Từ nhiều năm nay, tôi luôn coi việc giúp đỡ, ủng hộ những nạn nhân của chất độc hóa học tại VN là cái đích để cứu rỗi những sai lầm trong quá khứ" – James nói.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm