(lienminhbng.org) -
Hình ảnh người nam thanh niên quỳ sụp trên sân khấu xin BGK cho hát lại khiến búa rìu dư luận đổ dồn về cậu thí sinh trẻ. Không biết đây có phải là một cái bẫy PR không, nhưng cậu ta vừa đáng thương vừa đáng trách. Bởi cậu là sản phẩm lỗi của một hệ thống tồi.Trong tập 2, vòng Thử giọng Vietnam Idol 2013, phát sóng tối qua (22/12), thí sinh Nguyễn Hoàng Mỹ hát bài
Cánh buồm phiêu du. Tuy nhiên, với chất giọng không có gì đặc biệt, các giám khảo đã không trao vé vàng để cậu đi tiếp. Sau một hồi van xin bất thành, cậu trai vẫn được cư dân mạng biết tới với nick name
Quân Kun đã quỳ gối xin được hát lại.
Hành động bất ngờ khiến các giám khảo lúng túng và buộc phải phá lệ để cậu hát lại. Nhưng lần hát thứ 2 với bài hát
Như một giấc mơ của Hoàng Mỹ cũng không khá khẩm hơn. Và các vị giám khảo vừa nghiêm mặt tái khẳng định quyết định từ chối trao quyền vào vòng sau, vừa phải lựa lựa để cậu rút.
Ngay sau chương trình, hàng loạt những lời chỉ trích đổ dồn về phía Hoàng Mỹ. Nhẹ thì chê cậu trẻ người non dạ, nặng thì đẩy vấn đề lên thành nhân cách, phẩm giá, bản lĩnh giới trẻ... Nghe mà sa sẩm mặt mày!
Hoàng Mỹ quỳ gối xin BGK Vietnam Idol
Nhưng, chẳng mấy người để ý lời nhận xét rất “trúng” của giám khảo Nguyễn Quang Dũng ngay trong chương trình khi đối thoại với Hoàng Mỹ: "Em là thanh niên, thi vào đây để làm nghệ sĩ. Cái quan trọng là khả năng chứ không phải là cuộc xin, cho.”
Phải, Hoàng Mỹ không đơn giản chỉ là một hiện tượng. Cậu là một nạn nhân tiêu biểu của tư duy duy tình. Trong hệ thống ấy, một đôi khi, những lời van xin và hành động “khổ nhục kế” có thể đem lại kết quả bất ngờ. Những đôi chân thẳng có thể đến đích chậm hơn những đầu gối quỳ. Tình thương và sự mủi lòng không đúng chỗ của những người cầm cân nảy mực đã và đang phá vỡ luật chơi (và đôi khi cả luật pháp ?!).
Đây cũng là lý do giải thích tại sao, gặp bất cứ khó khăn gì, phản xạ đầu tiên của nhiều người (đặc biệt là người trẻ) là xin, xin bằng mọi giá: Thiếu nữ vi phạm luật bị cảnh sát giao thông bắt, quỳ gối xin; không có Visa nhập cảnh vào nước khác, bám theo, nài nỉ xin (xin được rồi thì viết sách đầy tự hào); không mặc áo ngực nhảy múa, lộng ngôn, bị dư luận tẩy chay lại đăng đàn xin tha thứ...
Và hiện tượng Hoàng Mỹ quỳ trên truyền hình xin vé vào vòng trong để “làm lại cuộc đời” hôm qua cũng chỉ là giọt nước làm tràn ly. Thực tế, việc Hoàng Mỹ được hát lại hôm qua cũng là một “thành công” nhất định của việc quỳ gối. Bởi cậu đã đạt được mục đích “còn nước còn tát” ở thời điểm đó. Tất nhiên, kết quả cuối cùng như nào thì ai cũng rõ.
Ngoài là nạn nhân của hệ thống duy tình với những cuộc thi nặng... tình cảm, Hoàng Mỹ còn là nạn nhân của một nền giải trí tôn vinh những giá trị ảo. Những hư danh, nổi tiếng hão được hình thành quá nhanh khiến con người sẵn sàng bất chấp tất cả.
Cụ thể, trước khi thi Idol, Hoàng Mỹ cũng đã “nổi tiếng” với scandal mặc nội y, lập ngôn trên mạng. Về sau, dư luận mới ngã ngửa khi biết cậu được mời quảng bá Games. Và hành động nực cười của cậu trước đó là một chiêu PR. Không hơn.
Sự vụ Hoàng Mỹ quỳ gối hôm qua khiến khán giả cả nước đang sôi sục phân tích. Hoàng Mỹ là nạn nhân của nền giải trí? Nạn nhân của hệ thống duy tình? Hay cậu cũng có thể là tội đồ đã gài thành công một cái bẫy truyền thông ngoạn mục trước khán giả cả nước ?
Trong làng giải trí loạn giá trị, thật- giả lẫn lộn, điều gì cũng có thể xảy ra...
Phạm Mỹ