01/12/2014 10:47 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Có một cơn sốt lúc nhẹ nhàng, có lúc được đẩy lên cao trào như một xu hướng: các HLV bóng đá Việt Nam rủ nhau đi học nghề và thậm chí tự bỏ tiền túi ra tu nghiệp để dấn thân vào nghiệp cầm quân.
Và không chỉ có thế, nhiều cầu thủ cũng thổ lộ ước mơ sau này trở thành HLV. Đó là tín hiệu thực sự đáng vui.
Xuất ngoại học nghề
Những năm gần đây, các HLV bóng đá Việt Nam, từ có “sao, số” cho đến những người mới chập chững vào nghề, đều rủ nhau đi học các bằng cấp HLV. Điều đáng nói, việc học của họ không dừng lại ở chuyện có được tấm bằng A, B, C HLV AFC để tìm kiếm cơ hội việc làm tại V-League, mà còn xuất ngoại để mong vượt giới hạn.
Hãy bắt đầu câu chuyện của HLV Nguyễn Hữu Thắng. Nhà cầm quân người Nghệ An này đã có những thành công đáng nể trên cương vị HLV trưởng Hà Nội.T&T và đặc biệt là với đội bóng quê hương. Với tài nghệ và kinh nghiệm của Hữu Thắng, việc kiếm tìm một cơ hội tốt ở V-League không hề khó khăn. Tuy nhiên, anh đã quyết định tạm dừng công việc huấn luyện để chuyên tâm cho việc học. Hữu Thắng cho biết sau khi chia tay SLNA, anh sẽ ra nước ngoài (có thể là Đức) du học để nâng cao trình độ.
Hoàng Anh Tuấn là một HLV ham học và có “học hàm” cao trong giới cầm quân của bóng đá Việt. Chiến lược gia sinh năm 1968 này là HLV người Việt Nam duy nhất được LĐBĐ Đức (DFB) chọn tham dự khoá học HLV trình độ A (cấp cao nhất) trong tháng 8 và tháng 9/2009 tại trường thể thao Hennef. Chưa dừng lại ở đó, trong suốt quá trình làm công tác huấn luyện tại K.Khánh Hòa và CLB Hải Phòng, HLV Hoàng Anh Tuấn luôn tranh thủ thời gian rong ruổi khắp Á, Âu để cập nhật những giáo án mới về chiến thuật. Trong hơn năm qua, ông Tuấn đã xách va ly sang Trung Quốc, Malaysia và hiện đang ở Hàn Quốc “dùi mài kinh sử”.
Nói đến giới HLV ham học hỏi, không thể bỏ qua cái tên Phan Thanh Hùng. Nhà cầm quân người Đà Nẵng, bên cạnh việc luôn cập nhật những bài tập mới nhất để áp dụng vào công tác huấn luyện cho Hà Nội.T&T, còn rất chịu khó trau dồi vốn tiếng Anh để dễ dàng trong giao tiếp. Phan Thanh Hùng có con gái đang là giảng viên môn tiếng Anh nên ông thường “bắt” con gái làm cô giáo cho mình mỗi khi có thời gian rảnh rỗi.
Ngay cả những HLV lớn tuổi như Vương Tiến Dũng, Mai Đức Chung... cũng rất chịu khó học để không lạc hậu so với thế hệ trẻ, đồng thời để bổ sung kiến thức cho nghiệp cầm quân. Có thể nói, đây là một thực tế đáng mừng với giới cầm quân bóng đá Việt Nam.
Thời của người trẻ
Bên cạnh những HLV thành danh thì những nhà cầm quân trẻ cũng rất sốt sắng chuyện đi học. Có thể kể đến trợ lý HLV đội tuyển Việt Nam Đặng Phương Nam. Anh khá hồi hộp với vai trò trợ lý cho ông Miura, HLV trưởng đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2014. Đây là giải đấu quan trọng với Phương Nam, giúp anh có những trải nghiệm chắc đặc biệt. Hay như Nguyễn Đức Thắng, cũng từng làm trợ lý ở đội tuyển Việt Nam và nay về dẫn dắt CLB Hà Nội.
Thực tế bóng đá Việt Nam cho thấy, nhiều HLV không có điều kiện thuận lợi hoặc không có điểm xuất phát tốt nên đường đến thành công rất gian lao. Vì thế, chuyện họ ham học và phải học là điều tất yếu. Và hơn thế, nhiều HLV có điểm xuất phát tốt, như Huỳnh Đức, và thăng tiến nhanh nhưng cũng không ngừng học hỏi để hoàn thiện mình.
Người xưa nói, không thầy đố mày làm nên. Còn với giới cầm quân ở bóng đá Việt Nam, dù đang là thầy, nhưng họ rất ý thức rằng “không học… đố thầy làm nên”. Họ đã ý thức được vị trí của bóng đá Việt Nam đang ở đâu và trình độ huấn luyện của mình như thế nào để tiếp tục học hỏi.
Chúng tôi đã từng chứng kiến cảnh khá cảm động, khi một HLV đi tu nghiệp nước ngoài về tặng cho bạn thân chiếc sa bàn, mấy cuốn giáo trình và video clip phục vụ cho nghề HLV, được người bạn rưng rưng đón nhận với niềm vui rất đặc biệt.
Đội ngũ HLV nội đang thắp lên hy vọng rằng, bóng đá sẽ ngày càng tử tế hơn.
Phạm Tâm
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất