Việt Nam xếp thứ 25 về Chỉ số an toàn thông tin toàn cầu

01/07/2021 19:53 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) ngày 30/6 công bố báo cáo Chỉ số an toàn thông tin toàn cầu (GCI) năm 2020, theo đó Việt Nam đã tăng 25 bậc trong 2 năm, vươn lên vị trí thứ 25 trên tổng số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ; và đứng thứ 7 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thứ 4 trong khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Tăng cường an toàn thông tin các trang tin điện tử

Tăng cường an toàn thông tin các trang tin điện tử

Ngày 20/6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn số 1790/BTTTT-VNCERT về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin cho cổng/trang thông tin điện tử.

Số điểm đánh giá của Việt Nam đạt 94,59 với sự cải thiện điểm ở cả 5 trụ cột được ITU đánh giá. Bên cạnh 2 trụ cột Pháp lý và Hợp tác đạt số điểm tuyệt đối 20/20, điểm của Việt Nam ở 3 trụ cột Kỹ thuật, Tổ chức, Nâng cao năng lực lần lượt đạt 16,31/20; 18,98/20 và 19,26/20.  

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ

ITU ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng của Việt Nam trong việc xây dựng những đề án phát triển trong dài hạn về nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng. Cùng với đó là tạo ra Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng "Made in VietNam".

Trong bảng xếp hạng mới công bố, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để đứng ở vị trí thứ 4 trên tổng số 11 quốc gia thuộc khu vực ASEAN. 3 nước đứng đầu lần lượt là Singapore, Malaysia và Indonesia. Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dẫn đầu là Hàn Quốc và Nhật Bản với tổng điểm đánh giá đều đạt 98,52. 

ITU là một tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc (LHQ), thực hiện việc xác định tần số radio trên toàn cầu, đưa ra các khuyến nghị và tiêu chuẩn quốc tế về kỹ thuật điện thoại, điện tín và truyền thông dữ liệu, cung cấp các chương trình tư vấn và đào tạo cho các nước đang phát triển. Việt Nam đã gia nhập tổ chức này từ năm 1951.

Chỉ số GCI là một chỉ số tổng hợp đánh giá và so sánh mức độ cam kết đảm bảo an ninh mạng của các nước thành viên dựa trên 5 trụ cột: Pháp lý, Kỹ thuật, Tổ chức, Nâng cao năng lực, Hợp tác. Mục đích chính của chỉ số này là để phân loại, xếp thứ hạng và sau đó là đánh giá, dự báo, định hướng quá trình phát triển trong tầm khu vực cũng như trên quy mô toàn cầu.

    Bích Liên - TTXVN  

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm