Việt Phủ Thành Chương - chính thức hòa tour du lịch

10/11/2009 10:08 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ngày mai, 11/11, một hội thảo về việc khai thác du lịch Việt Phủ Thành Chương sẽ được tổ chức tại “dinh thự” nổi tiếng của người họa sĩ này với sự tham gia của Sở VH,TT&DL Hà Nội cùng đại diện của 55 đầu tour du lịch. Đây là hoạt động của chủ nhân Việt Phủ nhằm chính thức đề nghị thành phố ghi nhận hoạt động của mình với tư cách là một thành viên tham gia hưởng ứng 5 Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, và năm Du lịch quốc gia 2010.

1. Sau 6 năm rộng cửa đón chào bạn bè thân hữu tới thăm, rồi Việt Phủ tạm thời phải... hạn chế mở cửa vì thiên hạ mến mộ đông quá, gia chủ có là Mạnh Thường Quân thuở trước cũng khó lòng đón tiếp được hết thảy các “môn khách” viếng thăm hàng ngày. Thế rồi cách đây mấy tháng, Việt Phủ lại mở cửa rộng rãi trở lại để đón tiếp du khách, nhưng dưới sự quản lý và điều hành của công ty TNHH mang tên Việt Phủ Thành Chương và có thu vé tham quan.


Những hoạt động gần đây của Việt Phủ đã chứng tỏ sự chuyên nghiệp hóa dần dần trong khâu tổ chức đón tiếp khách du lịch. Chẳng hạn Việt Phủ đã ra thông báo tuyển dụng, tìm đầu bếp, phụ bếp, phục vụ bàn, người chăm sóc nhà, vườn; tiếp đó còn có thông báo Việt Phủ là nơi lần đầu tiên áp dụng audio guide ở Việt Nam. Đó là công nghệ hướng dẫn tham quan chuyên nghiệp và thông dụng nhất trên thế giới. Với một chiếc máy nhỏ gọn, thông minh, du khách có thể tham quan không cần người hướng dẫn và tùy chọn những nội dung cần nghe.

Như thế, Việt Phủ đã sẵn sàng cho việc “hòa tour” với các chương trình du lịch của Hà Nội, cũng như trong và ngoài nước.

2. Sự khác biệt của Việt Phủ là ở chỗ, Việt Phủ không phải là một điểm vui chơi giải trí thông thường. Mọi hoạt động, sự kiện tổ chức ở đây đều nằm trong khuôn khổ một cuộc tham quan văn hóa và đón khách với số lượng trong khuôn khổ.

Việt Phủ Thành Chương được xây dựng tại xã Hiền Ninh (Sóc Sơn, Hà Nội) mở cửa từ 8h30 đến 17h30, giá vé 70 ngàn đồng/người.

Được xây dựng từ năm 2001, ý tưởng ban đầu của họa sĩ Thành Chương là tạo dựng một không gian văn hóa, nghệ thuật, tâm linh rất Việt Nam dành cho riêng ông và gia đình. Nhưng ngay sau đó, công trình thu hút sự chú ý của công chúng. Sự hấp dẫn của một mô hình bảo tàng ngoài trời hết sức sống động, và chưa từng có ở Việt Nam, đã đưa đến chuyến thăm của Hoàng hậu Thụy Điển cùng phái đoàn của Hoàng gia tại nơi đây vào năm 2003. Hoàng hậu đã nói: “Đến nơi đây tôi đã hiểu thế nào là văn hóa truyền thống Việt Nam”. Bà còn thể hiện mong muốn xây dựng một không gian tương tự tại đất nước Thụy Điển.


Lý giải về việc không mở cửa miễn phí nữa, họa sĩ thành thật: Ai cũng thấy rằng Việt Phủ làm ra không phải để trở thành một khu kinh doanh du lịch và gia đình chúng tôi cũng mở cửa miễn phí suốt từ khi xây dựng cho tới gần đây, nhưng chính trong quá trình đó đã xảy ra 2 việc gia đình phải suy nghĩ. Một là khi mở cửa tự do thì vô hình chung trở thành một chỗ công cộng như... bãi chiếu phim khiến đôi khi lại xảy ra cảnh lộn xộn, nham nhở, thậm chí trở thành “tụ điểm” phức tạp mà gia đình luôn phải đối mặt với những điều ra, tiếng vào... Thứ hai nữa, muốn bảo tồn di dưỡng Việt Phủ, nhiều năm nay chúng tôi cứ phải gồng lên để gánh vác thì cách đó không bền vững và cũng không tồn tại lâu được. Cho nên chúng tôi buộc phải tính làm sao để “lấy nó nuôi nó”.

“Tuy giá trị tài sản của Việt Phủ thuộc gia đình tôi, nhưng giá trị văn hóa thì lại thuộc xã hội - ông chủ Thành Chương nói thêm - Cho nên, ghi nhận Việt Phủ là một điểm du lịch văn hóa mới của thành phố theo mô hình xã hội hóa sẽ có tác dụng hỗ trợ Việt Phủ trong việc quảng bá hình ảnh và tăng cường đón tiếp những tour tuyến du lịch để có kinh phí tiếp tục di dưỡng, bảo tồn Việt Phủ. Về phía thành phố cũng có một địa điểm văn hóa mà không cần đầu tư, để giới thiệu văn hóa Việt sâu rộng đối với công chúng trong và ngoài nước. Như vậy “việc nước, việc nhà “đôi bên đều vẹn cả”.

Nguyễn Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm