15/03/2019 08:57 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Nếu SEA Games và AFF Cup đã quá chật chội cho 2 "con cọp" Việt Nam và Thái Lan, thì những giải đấu châu lục dành cho đội tuyển quốc gia và CLB là lăng kính - thước đo hoàn hảo để phân cấp bậc giữa 2 nền bóng đá, kể từ sau khi bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại (1991). Chúng ta đã từng có lúc tiệm cận với người Thái, cho đến trước khi thụt lại.
Đấy là giai đoạn 2004-2006, khi V-League luôn có tới 2 đại diện giành suất dự AFC Champions League, sơ loại hoặc chính thức. Nhưng, màn thể hiện quá nghèo nàn của các đại diện Việt Nam như HAGL, Đà Nẵng, Bình Định và Long An, khiến V-League "mất số" ngay trong khoảng thời gian người Thái "đập" Thai League đi (2006) để xây mới Thai Premier League kể từ năm 2007.
VIDEO: Bỏ lỡ nhiều cơ hội U22 Việt Nam hòa trước U22 Thái Lan
Hẳn chưa ai quên thất bại kinh hoàng 0-15 của Đà Nẵng trước Gamba Osaka (Nhật Bản), năm 2006, trong khi BEC Tero Sansana (giờ là Police Tero) từng giành ngôi á quân mùa giải đầu tiên Cúp C1 châu Á chuyển thành AFC Champions League năm 2003, với ngôi sao sáng nhất là Therdsak Chaiman (từng qua Việt Nam thi đấu trong màu áo Ngân hàng Đông Á).
AFC Champions League 2019, Thai Premier League có 3 đại diện ở đấu trường cao nhất châu lục dành cho CLB: Buriram United (vào thẳng vòng bảng), cùng Bangkok United và Chiangrai United thi đấu ở vòng sơ loại. Trong khi Việt Nam chỉ có mỗi CLB Hà Nội được đá sơ loại ở sân chơi này, trước khi rớt xuống AFC Cup 2019 cùng B.Bình Dương.
Xem trận đấu Buriram Unied hạ CLB thống trị giải vô địch Hàn Quốc K-League, Jeonbuk Hyundai Motors, với 6 lần vô địch kể từ năm 2009, chúng ta mới thấy sự vươn lên mạnh mẽ của đại diện Thai Premier League tại Cúp châu Á. Năm 2016, B.Bình Dương cũng từng chơi những trận đấu tưng bừng trước Jeonbuk Hyundai, có trận thắng 3-2, nhưng chỉ là hiện tượng.
Trên sân nhà Chang Arena, Buriram United thậm chí chỉ dùng 2/5 ngoại binh cho mỗi hiệp đấu, nhưng đội trưởng Suchao Nutnum và đồng đội đã chơi rất tự tin, kiểm soát bóng với thời lượng vượt trội, đồng thời tạo ra hàng loạt các cơ hội ăn bàn. Họ giành chiến thắng 1-0 hoàn toàn xứng đáng, sau tình huống phản công mẫu mực, với ngôi sao của trận đấu là Sarachart.
Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, rõ ràng 2 chức vô địch Đông Nam Á của Việt Nam (2008 và 2018) chưa là gì so với 5 lần giành ngôi quán quân của người Thái, cùng hàng chục chiếc HCV SEA Games môn bóng đá nam (vốn vẫn là giấc mơ với bóng đá Việt). Ở cấp độ châu lục, AFC Asian Cup, Thái Lan cũng từng vào tới bán kết giải đấu năm 1972 và giành hạng Ba.
Những con số và lịch sử đối đầu tạo ra nỗi ám ảnh kéo dài nhiều chục năm của bóng đá Việt Nam với đại kình địch Thái Lan, trong đó có rất nhiều những trận thua 0-3, tức là thua trắng, chưa đá đã biết thua. Điều này đã dần được cải thiện, nhưng nói chúng ta đã qua mặt Thái Lan là điều viển vông, khôi hài. Được "xếp cùng mâm" với họ, ở các cấp độ, đã là vinh dự.
Bóng đá Việt Nam, với đội tuyển quốc gia đã và đang được trẻ hóa, đứng trước những cơ hội rất lớn để khẳng định mình. Suất chơi tứ kết AFC Asian Cup 2019 vừa rồi (trong khi Thái Lan phải dừng chân ở vòng 1/8) là một sự đảm bảo cho tính ổn định về mặt thành tích và tiến bộ ở khía cạnh lối chơi. Nhưng, giải vô địch quốc gia V-League đã và đang bị Thai Premier League bỏ lại.
Sự phát triển của bóng đá đòi hỏi tính kế thừa liên tục, với hệ thống đào tạo trẻ và các giải bóng đá quốc gia sẽ quyết định phần móng. Bóng đá Việt Nam đã thôi "xây nhà từ nóc" như khuyến cáo của cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, Alfred Riedl, cách đây hơn 10 năm, tuy nhiên, vẫn có cảm giác không bền. Đấy là điều có thể cảm nhận bằng mắt thường.
Biết mình còn yếu và thiếu hơn với chúng bạn, là còn có thể tiến bộ, thay vì mãi bay bổng, lơ lửng ở một vài những biểu hiện thành công nho nhỏ.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất