08/09/2022 08:00 GMT+7 | Giải trí
Trong mắt của rất nhiều người và rất nhiều bài viết, Thẩm Thúy Hằng (20/10/1939 - 6/9/2022) là minh tinh sáng giá nhất của miền Nam trước 1975. Sau 1975, bà chọn ở lại Việt Nam, tham gia đóng nhiều phim, kịch, cải lương và cả viết kịch bản.
Vai diễn cuối cùng của Thẩm Thúy Hằng là Phồn Y trong vở Lôi vũ, do Đoàn kịch Kim Cương dàn dựng năm 1984. Sau đó, bà chọn sống khép kín, hoạt động từ thiện và tu tại gia.
Thẩm Thúy Hằng được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú đợt 3/1993, cùng đợt với nhiều nghệ sĩ miền Nam như Minh Phụng, Thanh Tòng, Diệp Lang, Lệ Thủy, Thanh Sang, Út Bạch Lan, Mỹ Châu, Bảo Quốc, Lê Thiện, Thanh Điền, Hùng Minh, Diệu Hiền, Thoại Miêu…
Ngôi sao lớn
Khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam, thường lấy chữ minh tinh (明星: thần Vệ Nữ) để gọi những phụ nữ rất nổi tiếng, thường là trong các lĩnh vực nghệ thuật, xã hội, giải trí. Thẩm Thúy Hằng là một giai nhân đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”, nổi bật ở lĩnh vực người mẫu, diễn viên, xứng đáng là một minh tinh của châu Á trong các thập niên 1960 - 1970. Bà được mời tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế tại Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Indonesia...
Thẩm Thúy Hằng nổi danh ngay với vai diễn đầu tay trong phim Người đẹp Bình Dương (1957), từ đó công chúng thường gọi bà là Người đẹp Bình Dương, dù thực tế thì bà có gốc Hải Phòng, lớn lên tại An Giang. Từ phim này cho đến 1975, bà đóng khoảng 60 phim điện ảnh, nhiều phim hợp tác với Mỹ, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Philippines, Thái Lan… Trong hơn 15 năm mà đóng hơn 60 phim điện ảnh, một con số đáng ngưỡng mộ và thử thách với rất nhiều diễn viên khác. Chính vì vậy, nhiều đoàn phim ở Hong Kong, Thái Lan… đã đặt lời mời sớm, nhưng cũng khó nhận được cái gật đầu của Thẩm Thúy Hằng, do quá bận rộn.
Nhiều phim bà được trả cát-sê đến 1 triệu đồng, mua được 1 kg vàng 9999 thời bấy giờ. Theo họa sĩ Đỗ Duy Ngọc, vào thập niên 1960 ở Sài Gòn mỗi tháng xổ số chỉ một lần, vé có mệnh giá 10 đồng, giải độc đắc trúng 1 triệu đồng. Lương sĩ quan mới ra trường thì hơn 22.000 đồng/1 tháng, còn lương giáo viên sư phạm vào khoảng 26.000 đồng/1 tháng. Một biệt thự to trên đường Trần Quý Cáp (ngày nay là Võ Văn Tần, quận 3) có giá bán trung bình khoảng 3 triệu đồng.
Theo cây bút điện ảnh Lê Quang Thanh Tâm: “Năm 1957 điện ảnh hoạt động mạnh mẽ nhất tại miền Nam giai đoạn này. Chỉ riêng một năm, các hãng phim tư nhân đã sản xuất hơn 37 phim, trong đó có 15 phim trình chiếu tại miền Nam trong năm 1957. Thành công nhất về mặt doanh thu những năm 1954 - 1957 của phim Việt Nam thuộc về Quan Âm Thị Kính. Hãng Việt Thanh là hãng sản xuất nhiều phim nhất. Cuối năm 1957, Hãng Mỹ Vân tung ra bộ phim Người đẹp Bình Dương, trình chiếu vào dịp Noel và mừng năm mới 1958, với chiến lược quảng cáo rất sôi động. Ngay lập tức, bộ phim đã thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo khán giả và giới thiệu một gương mặt minh tinh điện ảnh miền Nam trong tương lai: Nữ nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng”.
Dấu ấn trên sân khấu
Sau năm 1975, Thẩm Thúy Hằng diễn kịch và cải lương một thời gian. Bà được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú là ở vai trò Nghệ sĩ Kịch nói.
Diễn viên Hồng Ánh nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ như in ngày đó được theo bà và các dì đi xem kịch nói, đó cũng là lần đầu trong đời được xem kịch nói trực tiếp, mà không phải xem từ cái tivi trắng đen nhỏ xíu. Vai diễn Phồn Y của cô Thẩm Thúy Hằng trong vở kịch Lôi vũ của Đoàn kịch nói Kim Cương hôm đó đông kín khán giả, họ xếp hàng dài đến tận cổng công viên Tao Đàn để chờ vào rạp. Ngày đó vở diễn ra mắt tại hội trường công đoàn thành phố, nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám”.
Hồng Ánh kể tiếp: “Cùng với chú Huỳnh Thanh Trà - nam kịch sĩ với mái tóc bồng, giọng ấm trầm, dáng người cao, nam tính, cô và chú khiến khán giả hôm đó và cô bé mê sân khấu như tôi tròn mắt ngỡ ngàng vì nghệ sĩ sao họ đẹp quá, sao giọng nói của họ sao hay quá. Nhớ như in tạo hình của cô trong vai Phồn Y, sườn xám gấm, găng tay đen, giày gót nhọn, kính vuông đen, son đỏ thẫm, tay phe phẩy quạt xếp đồi mồi bé xíu, vòng eo con ong… Cô chú vừa xuất hiện thì cả hội trường vỗ tay không ngớt. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy cô chú trên sân khấu kịch nói và cả ngoài đời thật”.
Trước 1975, Ban Thẩm Thúy Hằng chuyên diễn kịch nói đã rất được yêu thích tại Sài Gòn. Trong vai trò bà bầu, lại rất bận rộn đóng phim, nhưng Thẩm Thúy Hằng vẫn ngồi viết kịch bản, dàn dựng và đóng nhiều vai chính. Một số vở kịch gây ấn tượng thời đó như Suối tình, Người mẹ già, Đôi mắt bằng sứ… Trong các vai diễn cải lương, khán giả nhớ Thẩm Thúy Hằng nhiều nhất có lẽ là vai vũ nữ Cẩm Lệ trong vở Bóng chim tăm cá của Đại bang Thanh Minh - Thanh Nga…
Dự kiến tang lễ minh tinh Thẩm Thúy Hằng Thẩm Thúy Hằng mất tại nhà riêng ở Thanh Đa (TP.HCM) lúc 20h10 ngày 6/9, nhưng đến chiều 7/9 thì công chúng mới biết tin rộng rãi, thông qua xác nhận của bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM). Tang lễ dự kiến sẽ diễn ra tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (5 Phạm Ngũ Lão, Gò Vấp, TP.HCM). Lễ viếng bắt đầu từ chiều ngày 9/9. Chi tiết về cáo phó đang chờ gia đình cập nhật. |
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất