02/10/2021 07:07 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Giáo sư Vũ Khiêu - nhà văn hóa nổi tiếng, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, đã qua đời lúc 12 giờ 37 phút, ngày 30/9, tại Hà Nội, hưởng thọ 105 tuổi. Với gần 100 năm học tập và lao động bền bỉ, ông đã có nhiều công trình đồ sộ trong các lĩnh vực khoa học, nghiên cứu, biên soạn, đặc biệt là các công trình nghiên cứu về Thủ đô.
Thành tựu ấy được khơi nguồn từ trách nhiệm, lòng đam mê và tình yêu của ông với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Giáo sư Vũ Khiêu tên thật là Đặng Vũ Khiêu. Ông sinh ngày 19/9/1916 ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Quê hương ông nổi tiếng truyền thống hiếu học, giàu truyền thống cách mạng. Huyền thoại giếng mắt cá ở làng Hành Thiện đến nay vẫn truyền tụng câu ca “Đậu phụ Thủy Nhai, tú tài Hành Thiện”. Đây là làng nổi tiếng đất học và nhiều người đỗ đạt.
Người con làng Hành Thiện
GS Vũ Khiêu đã tiếp nối truyền thống mảnh đất thành Nam, nêu tấm gương sáng về con đường cách mạng và tinh thần miệt mài, say mê lao động khoa học, đã bền bỉ nghiên cứu văn hóa Đông - Tây, từ cổ đại đến hiện đại. Sớm giác ngộ cách mạng (trước năm 1945), hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn của chiến tranh, kinh qua nhiều công việc ở các cơ quan Đảng, tuyên huấn, văn hóa, nghiên cứu khoa học xã hội, và nhất là tinh thần hiếu học, bền bỉ nghiên cứu văn hóa Đông - Tây, từ cổ đại đến hiện đại; tự rèn giũa, khổ luyện tự học, tự nghiên cứu, có trách nhiệm với công việc, với vốn kiến thức tích lũy được, ông đã trở thành một nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa lớn.
Theo cách mạng, ông đảm nhận nhiều công việc quan trọng và ở môi trường nào ý thức trách nhiệm, sự cầu thị, tự rèn giũa đã giúp ông hoàn thành nhiệm vụ được giao: Tham gia phong trào quần chúng ở Tây Bắc, vùng tạm chiếm với cương vị quan trọng, như Giám đốc Sở Thông tin khu X, khu XIV, khu Tây Bắc, Việt Bắc. Ông là một học giả nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học, là người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành Xã hội học ở Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)…
GS Vũ Khiêu là nhà khoa học hàng đầu, uyên thâm cả về văn hóa phương Đông và phương Tây, có những đóng góp to lớn trong nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam. Hàng loạt công trình của ông nghiên cứu về các nhà tư tưởng lớn trong lịch sử như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu… Ông là tác giả của hơn 100 cuốn sách ở nhiều lĩnh vực: Triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn...
Các tác phẩm của ông về vấn đề đạo đức, văn hóa, như: Mác - Ăng-ghen - Lênin bàn về đạo đức, Đảng ta bàn về đạo đức, Đạo đức mới, Đẹp, Anh hùng và nghệ sĩ, Con người mới Việt Nam và sứ mệnh quang vinh của văn nghệ, Anh hùng và nghệ sĩ, Cách mạng và nghệ thuật, Bàn về văn hiến Việt Nam... là những cống hiến rất quan trọng, khái quát về lịch sử tư tưởng Việt Nam từ tầm cao cũng như chiều sâu lịch sử; góp phần đào tạo đội ngũ nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực về đạo đức học, mỹ học, lịch sử tư tưởng, tư tưởng Hồ Chí Minh…
Vì tình yêu với Thăng Long - Hà Nội
Nhưng trên hết vẫn là tình yêu ông dành cho mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, trước hết với tư cách một công dân ưu tú của Thủ đô tự thấy trách nhiệm đóng góp của bản thân và tư cách của một nhà văn hóa trước nhiệm vụ cần tập hợp, đánh giá lại các giá trị các tầng văn hóa, văn hiến Thủ đô.
Dù ở độ tuổi đáng được nghỉ ngơi nhưng Giáo sư Vũ Khiêu vẫn miệt mài nghiên cứu để hoàn thành nhiều công trình đồ sộ trong các lĩnh vực khoa học, nghiên cứu, biên soạn về Thủ đô Hà Nội. Giáo sư còn là Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học cho NXB Hà Nội, chỉ đạo thực hiện kế hoạch xây dựng Tủ sách 1.000 năm Thăng Long với 100 bộ sách, mỗi bộ khoảng 1.000 trang. Ngoài ra, ông còn dành nhiều sự đam mê cho nghiên cứu, biên soạn nhiều tác phẩm, như: Danh nhân Hà Nội, Tuyển tập Cao Bá Quát, Ngô Thì Nhậm…
Nhưng có lẽ đáng nể trọng hơn cả ở vị giáo sư 105 tuổi ấy là cách đây 11 năm, ông giữ cương vị là người chủ trì Hội đồng Biên soạn Tổng tập 1.000 năm văn hiến Thăng Long, Bách khoa thư Hà Nội (bộ 18 tập). Trong đó, Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long được đánh giá là công trình văn hóa quý giá, đồ sộ, có tính hệ thống nhất, tập hợp các bài viết về Thăng Long - Hà Nội trong 1.000 năm qua do NXB Văn hóa Thông tin và Thời báo kinh tế Việt Nam phối hợp xuất bản.
Tổng tập 1.000 năm văn hiến Thăng Long trọn bộ 4 tập, dày 12.000 trang, nặng 27kg, in khổ 20,5 x 31cm, có hơn 5.000 tranh, ảnh. Bộ sách là một bộ tư liệu quý cho các thư viện, các nhà nghiên cứu, các học sinh, sinh viên... cung cấp những kiến thức về Hà Nội nói riêng, đất nước nói chung trên 28 lĩnh vực, là cái nhìn toàn cảnh về diễn trình 1.000 năm lịch sử - văn hóa Thăng Long, thể hiện trên nhiều bình diện, từ bộ máy Nhà nước, khoa học quân sự, kinh tế, văn hóa - nghệ thuật, dân cư, khoa học - kỹ thuật, công nghệ, các tổ chức xã hội; từ địa chất, địa mạo, lịch sử, văn học, nghệ thuật, con người, làng mạc... đến Thăng Long - Hà Nội trong con mắt người nước ngoài.
Đây là kết quả của 7 năm lao động miệt mài (2002 - 2009) và 5 năm soạn thảo nguồn tư liệu, cùng các thành viên tham gia Hội đồng Biên soạn (GS, VS Vũ Tuyên Hoàng là đồng Chủ tịch)... Đây là sản phẩm tinh thần của 1.200 tác giả, cộng tác viên và sự đóng góp của hàng trăm cơ quan bộ, sở, ban, ngành, cục, các trường đại học, viện nghiên cứu, các hội đoàn thể của Trung ương và Hà Nội.
Chúng ta có quyền tự hào về Thủ đô hơn 1.000 tuổi, về tính bền vững, ổn định của một quốc gia; về những trầm tích lịch sử, văn hóa. Về thời gian, Thăng Long - Hà Nội là 1 trong những Thủ đô cổ kính trên thế giới. Trải qua 10 thế kỷ, kể từ khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long và trước đó, khi Hà Nội còn chưa có tên và đến khi có tên gọi là Hương Long Đỗ - qua muôn vàn thử thách trước công cuộc chinh phục thiên nhiên, chống giặc thù hung bạo, kiến thiết cuộc sống, nhân dân Hà Nội và cộng cư đã xây dựng một nền văn hiến rực rỡ ở khu vực Đông - Nam châu Á.
Nền văn hiến đó trước hết là sự khẳng định con người, đề cao giá trị làm người, con người với tinh thần quả cảm, yêu nước, nhân hậu, đoàn kết, tự hào về cội nguồn và hiểu sâu sắc hơn ai hết ý nghĩa 2 chữ “đồng bào”; sát cánh bên nhau trong mọi hoàn cảnh “có ngoại xâm thì chống ngoại xâm, có nội thù thì vùng lên đánh bại” (Nguyễn Khoa Điềm), tinh thần nhân văn cao cả và lối sống trọng tình nghĩa (Chị ngã em nâng, Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, Thương người như thể thương thân).
Đó là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, là tinh thần yêu chuộng tự do, độc lập - một biểu hiện khác của nhân văn. Đó là tình gia đình, làng xóm; lòng yêu nước, ý chí quật cường trong dựng nước và giữ nước; truyền thống đoàn kết, tinh thần nhân nghĩa, tương thân tương ái; cần cù, dũng cảm, thông minh sáng tạo; sẵn sàng tiếp thu những giá trị văn hóa từ bên ngoài.
Tôi có mặt tại buổi lễ ra mắt toàn bộ công trình Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long, UBND TP Hà Nội đã trao tặng Bằng khen cho các tác giả trong Hội đồng Biên soạn sách. Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị lúc đó đã gửi lời cảm ơn trân trọng tới Hội đồng biên soạn và đánh giá cao công trình đồ sộ không chỉ về quy mô, hình thức mà còn thể hiện sâu sắc công sức và tấm lòng với Hà Nội của Hội đồng Biên soạn và đông đảo tác giả tham gia thực hiện.
Thay mặt Hội đồng Biên soạn, GS Vũ Khiêu - Chủ tịch Hội đồng biên soạn cho biết: “Bộ tổng tập này có vinh dự là bông hoa đầu tiên, trong những bông hoa tinh thần sẽ kế tiếp nhau đua nở để chào mừng ngày đại lễ. Tổng tập này không có tham vọng thỏa mãn mọi nhu cầu phong phú của đông đảo độc giả trong và ngoài nước đang tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội, nhưng đã phần nào phác họa được một bức tranh toàn cảnh về văn hiến Thăng Long và trở thành bộ sách để giúp độc giả tra cứu và thu nhận những kiến thức tối thiểu trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội Thủ đô ngày xưa và hôm nay”.
Có thể nói, đề tài Thăng Long - Hà Nội là mảng GS Vũ Khiêu dành nhiều tâm huyết và sức lực. Với riêng mình, cũng bởi tình yêu với Hà Nội, từ dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, ông đã ấp ủ dự định làm một việc gì đó có ý nghĩa cho Hà Nội 1.000 tuổi. Cũng vì dự định ấy, trong suốt 10 năm (2000 - 2010), ngoài thời gian chăm sóc sức khỏe, ngồi thiền, vị giáo sư cần mẫn ấy âm thầm, lặng lẽ ghi chép lại, sưu tầm, để thực hiện dự định hoàn thành “mệnh lệnh của trái tim”, nghiên cứu những giá trị văn hóa của Thăng Long - Hà Nội trải qua 1.000 năm với bao biến cố lịch sử.
Ngoài việc giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng biên soạn bộ sách Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long, ông vẫn dành quỹ thời gian ít ỏi, tập trung cao độ, làm việc cả ngày lẫn đêm, chỉ cho phép ngủ chừng 3 tiếng, dành toàn bộ tâm huyết, sức lực khẩn trương hoàn thành bộ 3 tập Văn hiến Thăng Long với hơn 2.400 trang sách, chào mừng Đại lễ của Thủ đô.
Bộ sách là những trang bút ký của Giáo sư về Thủ đô - Thành phố Vì hòa bình được viết với tinh thần tự nguyện, không vì danh lợi, mà chỉ duy nhất với một tình yêu nồng nàn với Hà Nội. Tình yêu ấy hiện trên từng câu chữ, như Giáo sư Vũ Khiêu nói: "Đây là một đề tài tôi không đăng ký với bất cứ một cơ quan hay nhà xuất bản nào. Cũng không do ai đặt hàng, đầu tư nghiên cứu. Đây chỉ là một đề tài mà trái tim tôi tự giao trách nhiệm cho tôi để phục vụ cho Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến".
Những danh hiệu và phần thưởng cao quý Giáo sư Vũ Khiêu đã được tặng thưởng nhiều phần thuởng cao quý, nổi bật là: Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996 (đợt 1) cho cụm công trình nghiên cứu Bàn về văn hiến Việt Nam; danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2000; Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2006; được ghi danh đầu tiên trong 10 “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội... |
(Còn tiếp)
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất