Nhà văn Tô Hoài - Giải thưởng Lớn Vì tình yêu Hà Nội

05/09/2010 17:01 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Ở tuổi 90, lão nhà văn, cây cổ thụ của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam, “ông Dế mèn” Tô Hoài, vừa nhận được Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Giải thưởng được trao chiều 1/9 tại Hà Nội.

>> Chuyên đề: Giải thưởng Bùi Xuân Phái

1. “Ngày trẻ, Vũ Ngọc Phan bảo tôi bớt đi giọng khinh bạc học đòi. Đe thế cũng phải…” - nhà văn Tô Hoài cười hỉ hả trong câu chuyện cùng TT&VH Cuối tuần. Ngẫm ra, sự đời cũng lạ: ông già sớm từ khi cầm bút, để rồi bây giờ như trẻ lại ở tuổi 90…

Cảm giác về cái sự trẻ của Tô Hoài thấy ngay ở nụ cười trên gương mặt nhăn nheo. Cười khi nói về nghiệp văn. Cười lúc kể về cuộc đời, về mình, về bạn. Khi nhận tin báo về Giải thưởng Lớn của Quỹ Bùi Xuân Phái, ông cũng cười. Hỏi: Giải về cái gì? Người nhà của Phái lập à? Rồi, không cần nghe giải thích, ông lại nhẹ nhàng tủm tỉm. Đôi mắt nhỏ và dài ấy, tuy kèm nhèm nhưng vẫn lấp ló nét tinh ranh của người đã biết tỏng chuyện đời.

Sinh năm 1920, Tô Hoài gần như đi hết toàn bộ thế kỷ XX. Ông là người cầm bút có ý thức rõ nhất về sự chuyên nghiệp của nhà văn, như một nghề lao động nghiêm túc và cần cù. Bởi thế, khó lòng trong một lúc đếm hết lượng tác phẩm mà ông viết ra. Cũng chẳng ai đếm nổi số bài viết về Tô Hoài của báo giới, của giới phê bình, của bè bạn. Ở đó, hết chuyện văn, người ta kể sang chuyện đời của một Tô Hoài “tiểu thị dân”với những mảng tính cách xen lẫn nhau: lớn lên ở ngoại ô Hà Nội; từ anh thợ dệt cửi Nghĩa Đô trở thành nhà văn; hiền lành nhưng ma mãnh, đủ biết hết hiểu hết những góc khuất của cuộc đời để có thể hòa mình sống cùng và đi qua nó một cách nhẹ nhàng…

Tôi bắt đầu câu chuyện với Tô Hoài bằng một việc cá nhân: hẹn ngày đưa qua cho ông kịch bản Tú Uyên - Giáng Kiều mà tôi tình cờ có trong tay. Đó là kịch bản mà Tô Hoài viết cách đây 60 năm, dựa theo câu chuyện Bích câu kỳ ngộ của người Hà Nội cũ. Rồi Trần Huyền Trân chuyển thể nó thành chèo và diễn tại rạp Đại Nam. Bây giờ, Tô Hoài định viết lại thành truyện cho Nxb Kim Đồng.

- Ngày xưa, khi dựng, tôi bảo Trân đừng đề tên lên băng quảng cáo.

- Có chuyện gì hả cụ?

- Trân dựng thật thà quá. Giáng Kiều chán cảnh Tú Uyên nát rượu, bỏ lên tiên rồi lại thương, lại trở về. Đâu phải thế. Tú Uyên được vợ tiên, nhưng Tú Uyên lại không hiểu Giáng Kiều chính là lý tưởng của mình. Thế là Giáng Kiều bỏ đi. Tâm hồn thấp hèn thì lý tưởng sao giữ được…

Chẳng phải chỉ ở chuyện Tú Uyên, Tô Hoài mới có cách lý giải riêng của mình. Năm qua, ông viết bộ 100 truyện cổ tích cho Nxb Kim Đồng. Ở những câu chuyện cổ ấy, Mỵ Châu không chết tức tưởi dưỡi lưới gươm của An Dương Vương. Cô Tấm cũng không xả thịt cám làm mắm rồi gửi cho dì ghẻ. Hỏi vì sao viết vậy, Tô Hoài tỉnh bơ: ông Andersen cũng thế. Rồi lại cười, cách cười khiến người đối diện hiểu rằng khó có thể hỏi thêm được gì.

2. Không chỉ mình cậu, nhiều người hỏi rằng tại sao tôi viết nhiều về Hà Nội. Dễ thôi, tôi chỉ viết được về những gì xảy ra quanh mình và với mình. Mà lớn ở Hà Nội, sống cũng ở Hà Nội phần nhiều, vậy thì còn biết viết về đâu nữa? Cũng giống như viết chuyện “dế mèn”. Tôi mê chơi chọi dế từ nhỏ, đào dế, “đúc dế” rồi xem dế cả ngày. Có vậy, Dế mèn phiêu lưu ký mới ra…


Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị trao giải cho Nhà văn Tô Hoài
Năm 90, tôi viết Bố mìn – mẹ mìn. Có ông lãnh đạo văn nghệ đọc rồi xuýt xoa: sao anh nhớ được tất cả những cảnh, những từ, những chuyện từ thời Pháp thế! Có gì đâu, tôi sống mấy chục năm thời đó, lang thang đủ cả những Sầm Công, Kẻ Chợ, cột Đồng Hồ… Ngay cả cái món hát ả đào cũng chẳng lạ gì (cười). Còn cuốn Kẻ cướp Bến Bỏi mà cậu hỏi, viết về thầy trò Cao Bá Quát nhưng rồi cũng lái sang “đất” của mình là Hà Nội thôi. Học trò thầy Cao đi trả thù cho thầy, được đám cướp ở Bến Bỏi giúp đỡ. Bến Bỏi ngay chỗ cầu Chương Dương bây giờ, tên chữ là Khải Bối...

Bây giờ, có viết lại về Hà Nội, tôi vẫn viết thế thôi. Hà Nội với tôi nó là những chuyện quẩn quanh như thế. Giống như Nam Cao, sở trường của “hắn” là chuyện mấy anh giáo nghèo. Còn tôi chỉ viết được về “tiểu trí thức” ở Hà Nội, bởi tôi cũng thuộc tầng lớp ấy. À, viết về… quần chúng nữa. Tôi thích quần chúng, chẳng thế mà làm được tổ trưởng tổ dân phố suốt 7 năm. Kí hàng vạn chữ vào đơn, bởi thế ai cũng khen chữ kí cụ Sen là đẹp nhất (cười).

Túc tắc, Tô Hoài trả lời những câu hỏi của TT&VH Cuối tuần. Ông mệt, ho nhiều, thỉnh thoảng dừng lại nghỉ. Rồi lại nói tiếp một cách rất tự nhiên và chẳng nghĩ ngợi nhiều. Dễ hiểu thôi - bởi chuẩn bị Đại lễ ngàn năm, hẳn đã có quá nhiều cây viết tới gặp và hỏi ông những điều tương tự. Nhiều tới mức, người nhà cũng muốn Tô Hoài được nghỉ ngơi không bị “tra tấn” mỗi khi báo chí hỏi thăm.

Chỉ có một điều thú vị: kể lại những chuyện đã nói mãi ấy, Tô Hoài vẫn hào hứng và khoan khoái. Ông cười luôn khi kể về những mảnh đời vụn vặt của bạn văn - đa phần đã ra đi. Cười khi kể chuyện một Việt kiều từ Mỹ, sau khi đọc Cát bụi chân ai đã gửi lời mời Tô Hoài làm chủ tịch danh dự cho một hiệp hội của người đồng tính. Cười chuyện những cuốn hồi kí của mình đều ít nhiều gặp cảnh lận đận sau khi in, dù tác giả của nó đã bỏ vào đấy cả một quãng đời để sống.

- Tôi làm ở tổ dân phố 7 năm, rồi học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc 4 năm thì viết xong Chiều Chiều. Quen với Nguyễn Tuân vài chục năm thì viết được Cát bụi chân ai. Làm ở đội cải cách ruộng đất nên có Ba người khác. Biết làm thế nào được, bởi có viết gì cũng lại là chuyện của mình, của những người xung quanh...

Bây giờ, tôi đang viết dở cuốn hồi kí về Hà Nội trong những ngày Cách mạng Tháng Tám. Viết, như đúng những gì mình đã chứng kiến và cảm thấy …

- Vậy, những tác phẩm viết về Hà Nội bây giờ, cụ thấy thế nào?

- À, à, tôi có đọc đều. Sách nghiên cứu như của Nguyễn Vinh Phúc thì có nhiều. Nhưng đúng là mảng sáng tác về Hà Nội thì hơi mỏng. Khó đấy…

Tô Hoài nói và lại tủm tỉm cười…

3. Người nhà nói: vài ngày trước, Tô Hoài vừa phải đi cấp cứu. Gần 50 năm nay, ông đã quen chung sống với chứng cao huyết áp và bệnh gút. Rồi lại thêm tiểu đường. Mắt kém dần, khi đọc sách, ông phải dùng kính lúp để soi. Tô Hoài vẫn đọc và viết đều. Viết bằng tay trên giấy, như 70 năm nay từng viết. Có điều, số trang viết mỗi ngày bây giờ chỉ vào khoảng 3 trang, chứ không được 5, 7 trang như cách đây vài năm.

Sức khỏe cũng không cho Tô Hoài đi lang thang tản bộ ngoài đường nữa. Dăm năm trước, ông vẫn có cái thú lững thững đi bộ, rồi tiện chân ngồi uống rượu vặt tại mấy quán cóc vỉa hè. Mọi người kể ông thích đội mũ nan che vầng trán đã rụng hết tóc. Ai hỏi, Tô Hoài bảo mình làm kế toán, về hưu đã lâu. Như vậy thì dễ nói chuyện hơn, theo cách ông cần, và cũng tránh đi những tò mò tọc mạch…

Bác sĩ cấm hẳn rượu rồi. Thỉnh thoảng lắm thì có thể uống rượu vang, nhưng tôi không khoái - ông nói với tôi.

Trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài có kể nhiều về tâm trạng u uất của Nguyễn Tuân trong những ngày cuối đời, khi phải ngồi liệt tại nhà với đôi chân thấp khớp. Bây giờ, ở tuổi 90, ông đi xa hơn Nguyễn Tuân nhiều lắm rồi. Không buồn và có lẽ cũng chẳng vui - cho dù cười luôn miệng, như một sự dửng dưng, giễu cợt với cái vòng sinh - lão.

Cuối buổi nói chuyện, Tô Hoài lại cười khi nhắc tới mấy câu thơ chân dung của Xuân Sách. Ông bảo mình đâu có mơ màng, lãng đãng như Xuân Sách nghĩ và viết thế: Dế mèn lưu lạc mười năm/Để O chuột phải ôm cầm thuyền ai/ Miền Tây sen đã tàn phai/Giăng thề một mảnh lạnh ngoài Đảo hoang…

Xuân Sách mất cũng đã lâu. Mấy ai biết được ông viết vậy vì nghĩ Tô Hoài lãng đãng?

Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội là giải thưởng thường niên được trao vào ngày 31/8 hàng năm cho những tác giả, tác phẩm, công trình, hoạt động, ý tưởng có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội và thấm đượm tình yêu Hà Nội. Giải do Quỹ Bùi Xuân Phái (thành lập theo sáng kiến của gia đình cố họa sĩ, với sự đóng góp ban đầu của các thân nhân và người yêu mến ông) phối hợp với báo Thể thao & Văn hóa tổ chức từ năm 2008. Năm ngoái, Giải thưởng Lớn đã được trao cho nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm