Khi các nhà phê bình văn học "về quanh chiếu ngồi"

12/04/2012 07:32 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - Sáng 10/4, tại Hội trường Ban Tuyên giáo trung ương, Thường trực Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương phối hợp với Hội Nhà văn tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học” nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 23 về phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã đến dự cuộc Hội thảo khoa học quan trọng này.

Nhà phê bình và trăm nỗi éo le

Đáng chú ý là tranh luận giữa nhà phê bình Nguyễn Hòa và GS Trần Đình Sử về phân loại phê bình của Albert Thibaudet như phê bình báo chí, phê bình giáo sư và phê bình nghệ sĩ. Rồi phát biểu của nhà văn Nguyễn Văn Lưu với bài Kinh nghiệm phê bình qua một hiện tượng văn học, lấy Nguyễn Huy Thiệp làm trung tâm, cũng vấp phải những qua lại hết sức lý thú với nhà văn Nguyễn Trí Huân, TS Chu Văn Sơn, Phạm Xuân Nguyên.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã lên tiếng rằng tôi làm MC nổi tiếng hơn làm phê bình, tôi vào Hội chợ sách TP.HCM là với tư cách cá nhân, tham gia rất nhiều sự kiện, chứ không phải vì dẫn chương trình cho giao lưu với bạn đọc Vong bướm của Nguyễn Huy Thiệp. Ông cho biết có một mảng phê bình hiện nay đang nằm ở các luận văn, luận án nhưng chỉ có người chấm, người hướng dẫn khoa học biết và ít khi được đưa ra ngoài xã hội cũng là một điều đáng tiếc.

Phê bình văn học đang làm cho tôi “hai mừng, một bực”, mừng bởi vì đã xuất hiện những bài viết tiếp cận được những lý thuyết mới đưa vào và đa phần những bài viết này đều là của những người còn rất trẻ như Nguyễn Chí Hoan, Trần Thiện Khanh, Đoàn Ánh Dương, Nhã Thuyên… Cái bực là những người làm công tác phê bình văn học không được trang bị đào tạo đến nơi đến chốn. Và ông nêu ví dụ tại sao có trại sáng tác thơ văn mà lại không có trại dịch thuật, trại phê bình, nên chăng từ nay chúng ta nên gọi chung là trại viết.

GS Mai Quốc Liên trăn trở khi cho rằng thời thị trường, người ta phải nghĩ đến lợi ích cá nhân, tính toán, né tránh, không ai dại gì vác cờ đi đầu, người làm phê bình khó kiếm. Ông làm phép so sánh với điện ảnh có số người xem, nghe rất đông, một phim truyền hình có hàng triệu khán giả, trong khi văn học chỉ in 500 đến 1.000 cuốn, bạn đọc đi đâu, so với ngày trước sách văn học in vài vạn bản mà vẫn còn chưa đủ. Nhà phê bình có biết không, trước cái lo cơm áo và đề xuất cái mới, tốt tươi, hấp dẫn làm cho văn hóa đọc quay lại phải chăng vẫn là quá khó.

Cần “mở lòng” với phê bình

Việc các nhà phê bình ít trình bày hệ thống lý thuyết phê bình (critical theory), tận dụng quỹ thời gian mỗi người có được khoảng mươi, mười lăm phút để phát biểu những điểm mới, những giải pháp, cả những phản biện đối với những tham luận trước đó, đã tạo ra không khí trong buổi hội thảo sự thoải mái, tươi mới và dân chủ. Những thuật ngữ được sử dụng như phê bình kê ghế, khi nhà phê bình thay bút bằng lưỡi, để phải tính cái đã, thổ nhưỡng văn đàn, thời tiết phê bình… trong tranh luận giữa các nhà phê bình đã thực sự gây hứng khởi cho các đại biểu tham dự.

Nhà phê bình La Khắc Hòa bày tỏ về mối quan hệ giữa nhà sáng tác và nhà phê bình rằng hành nghề đã hơn 40 năm, quả tôi chưa thấy nhà văn nào mở lòng đón nhận sự tri âm của phê bình. Nghe khen thì cười ha hả, say tít cung thang, nhưng chê một chút thì hầm hè, khí uất xung thiên, “tóc xiên qua mũ”. Rồi nhuận bút cho phê bình của tôi, hơn ba chục trang, in rất sang trọng trên một tạp chí cũng chỉ nhận được năm trăm nghìn đồng. Cứ đà này, lý luận phê bình, có khi trở thành nghề cần đưa gấp vào “sách đỏ”.

Nhà văn Văn Chinh hóm hỉnh nói, không ai thù ghét văn học bằng những nhà phê bình văn học đương đại và đồ rằng nạn phung phí và ghẻ lạnh với tài năng là một sự thật. Mười ba cuốn tiểu thuyết được giải của Hội Nhà văn không có nổi một bài phê bình cho đến khi có ý kiến thiếu xây dựng được công bố trên mạng. Hay như gần đây, giải thưởng năm 2010 – 2011 của Hội cũng không có một bài phê bình tự giác nào, đến nỗi phải mở cả hội thảo và báo Văn nghệ phải đặt bài phê bình. Rồi những cuốn kỷ yếu về phê bình cũng không nhiều ảnh hưởng đến đời sống văn học, bị tán sắc trong hệ thống giải trí vô cùng đa dạng hiện nay. Ở chỗ đó, thì chính các nhà phê bình lại trở lại thành nạn nhân của thói ghẻ lạnh với văn học.

Hướng đến một nền văn chương tốt đẹp

Nhà văn Văn Giá nêu ra một giả định bên cạnh những tạp chí Thơ, tạp chí Văn học nước ngoài, tạp chí Nhà văn, nên chăng cũng phải có thêm một tạp chí chuyên cho lĩnh vực lý luận, phê bình văn học. Ông cho biết, mặc dù hội thảo lần này khá kín tiếng với báo giới, nhưng cần khẳng định rằng phê bình văn học luôn được xã hội quan tâm, thậm chí trước ngày hội thảo, một trang web văn học đã đăng cả thông báo: “Hãy mang tất cả những tham luận ngày hôm nay, chuyển cho chúng tôi, để đăng ngay vào buổi tối”. Có thoáng những ánh mắt xúc động từ phía những nhà phê bình, sự quan tâm lớn của xã hội không phải là liều thuốc quý để kích hoạt lĩnh vực vốn được xem là đầy cam go, thử thách hay sao.

Cuộc hội thảo trong một ngày với hơn 20 tham luận đã mở ra những chiều kích mới, không gian mới trong các khuynh hướng lý luận phê bình văn học. Các phát biểu tham luận đều được các nhà phê bình phản biện lẫn nhau, nói như người điều hành thảo luận, nhà thơ Hữu Thỉnh “không làm tổn thương nhau, mà đầy tình thân ái”.

Phê bình là “khoa học đánh giá cái đẹp, phân biệt cái đẹp với cái không đẹp” (Puskin). Và công việc của các nhà lý luận phê bình văn học trong sự dấn thân đến kiệt cùng của mình, phân luồng đúng sai, chỉ dẫn cho công chúng và bạn đọc những giá trị nhân bản, lẽ phải và tình thương trên phạm vi rộng, vì một nền văn chương tốt đẹp.

Lãng Ma

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm