03/06/2021 07:19 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Trong bài Ngọa bệnh cảm tác, Huỳnh Ngọc Chiến viết: “Trong thời gian điều trị, gần như tôi dùng thơ để chống chọi lại những cơn đau. Bạn bè gọi đùa thơ tôi làm lúc này là thơ… chữa bệnh”. Ở tuổi 67, nhà nghiên cứu - dịch giả gốc Quảng Nam này vừa qua đời vào tối 1/6 tại thành phố Tam Kỳ.
Sáng 23/10 năm ngoái, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), ngay trong đợt hóa trị lần thứ 3 bệnh K thực quản, Huỳnh Ngọc Chiến làm bài thơ khá dài, trong đó có đoạn: “… Ta nhàn du cõi trần gian/ Rong chơi cùng với cây đàn guitar/ Dịch kinh, viết sách gọi là/ Lưu chút tặng vật làm quà thế gian/ Bận tâm chi chuyện hợp tan/ Sinh là nắng gió, tử ngàn hoa bay/ Đến như hoa thắm bên này/ Đi thành hương ngát tháng ngày bên kia/ Một làn sương mỏng cách chia”.
Hiểu lẽ sinh tử thường nhiên
Huỳnh Ngọc Chiến không chỉ có kiến thức uyên bác về đạo Phật, mà dường như anh cũng đã bước chân vào con đường an nhiên. Trong bài Lời cuối gởi cho người thân, bằng hữu trước lúc chia tay, không hề thấy tâm hồn anh dao động, hoang mang, hoặc sợ hãi. Anh xem sự ra đi của mình là một việc tất nhiên như sáng mai mặt trời vẫn mọc, nắng vẫn lên, gió vẫn rì rào trong cành lá.
Huỳnh Ngọc Chiến viết: “Trải qua 3 lần hóa trị, một trận đại phẫu, rồi sự cố hậu phẫu…, nói chung là nếm đủ mùi khổ não của cơn bệnh nan y. Bệnh tình đến nay vẫn không có dấu hiệu gì khả quan, cơ thể dần suy kiệt và bắt đầu những cơn đau nhức ngày càng tăng dần, bác sĩ tiên lượng có thể kéo dài một vài tháng nữa, nên tôi muốn ghi vội lời cuối này như một lời từ giã, phòng khi những cơn đau nhức hành hạ khiến tôi không còn đủ sức lực và tỉnh táo để có thể ghi lại đúng như ý muốn, trước khi bước qua làn sương mỏng cách chia”.
Anh bình tĩnh sắp xếp chu đáo cho mình trong ngày cuối cùng còn “cư ngụ” ở trần gian đầy những đau thương và nghiệt ngã.
Anh viết: “Ai rồi cũng phải bước xuống một bến ga nào đó trong chuyến xe đời. Tôi cũng sắp từ giã mọi người để xuống một bến ga”. Anh cũng bình thản đưa ra một sáng kiến “vô tiền khoáng hậu”: “Thân hữu đến viếng tang lễ sẽ tự tay gõ 3 tiếng chuông thay cho nhang đốt. Nhang bây giờ chứa nhiều hóa chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường, sao ta không thể thay thế bằng tiếng chuông cho thanh tịnh?”.
“Bạn bè, người thân cứ lo tôi sẽ bị suy sụp tinh thần, sẽ bị quỵ ngã. Nhưng tôi nhận tin mình bị ung thư rất thanh thản, vì hiểu lẽ sinh tử thường nhiên. Mọi chuyện trong đời xem như đã tạm tròn bổn phận, nên tôi giờ rất xem nhẹ lẽ tử sinh. Chỉ mong sao sinh thuận tử an. Để tiếp tục chu kỳ sinh hóa khác trong vũ trụ. Vậy thôi. Ngày mai hay năm, mười năm nữa cũng như nhau. Chẳng có gì khác biệt. Thân bệnh là chuyện thường tình và tất yếu của con người, giữ tâm không bệnh mới là điều quan trọng” – Huỳnh Ngọc Chiến viết.
“Trong những cơn đau quặn thắt vì hóa trị, tôi vẫn hoàn tất được bộ kinh Lăng Già đối chiếu. Và thấy lòng thanh thản vô cùng. Tôi mang ơn kinh Phật đã đem lại cho tôi những huyền lực để giúp tôi tìm được thanh thản giữa những cơn đau khủng khiếp đến kiệt sức”.
Tài hoa và tự học
Ngoài nghiên cứu, dịch thuật, làm máy tính, Huỳnh Ngọc Chiến còn viết tiểu luận, tùy bút, ca khúc, thơ, truyện ngắn… Sách viết và sách dịch đã xuất bản khoảng 20 quyển; anh còn cuốn Hán Việt tự điển gần 3.000 trang và tập tiểu luận dày về Bùi Giáng, chưa xuất bản. Anh căn bản là tự học, đa tài trong nhiều lĩnh vực, thông thạo tiếng Anh, Pháp, Đức, Hoa và tiếng Phạn.
Trong số những tác phẩm đã xuất của Huỳnh Ngọc Chiến, độc giả và bạn bè ưa thích nhất là cuốn Lai rai chén rượu giang hồ. Đây là tập tiểu luận về Kim Dung, một thiên tài lừng lẫy dòng truyện kiếm hiệp.
Tôi nhớ một sáng năm 2016, Huỳnh Ngọc Chiến tổ chức buổi “gặp mặt bỏ túi” tại quán cà phê Đông Hồ ở cuối đường Cao Thắng nối dài (TP.HCM), chỉ có 5 người, nhân dịp phát hành cuốn Tinh hoa triết học Vedànta. Nhà văn Đỗ Hồng Ngọc là khách mời, ngồi gần hồ nước, với những đám cỏ xanh mượt và yên tĩnh. Huỳnh Ngọc Chiến thân tình và gần gũi, khi nhận sách tác giả ký tặng, tôi thấy ai cũng có, riêng anh Ngọc không có cuốn nào, nên rất ngạc nhiên, bèn hỏi: “Ủa, sách anh đâu?”. Anh Ngọc cười: “Tuần trước Chiến biếu anh rồi”. Tôi lại hỏi: “Dễ đọc không vậy anh?”. “Anh mới đọc được mười mấy trang”. Tôi nghĩ, anh Đỗ Hồng Ngọc với “nội công thâm hậu” về Phật pháp như vậy mà đọc cẩn trọng như thế, chắc mình phải đọc mấy tháng mới hết cuốn sách gần 800 trang này.
Sách của Huỳnh Ngọc Chiến biên khảo, dịch thuật, cuốn nào cũng công phu và giá trị. Tôi còn thích các cuốn như Chu dịch thiền giải, Tánh không cốt tủy triết học Phật giáo¸ Diệu nghĩa kinh Lăng Già, Phản triết học nhập môn dịch… Dòng sách này rất kén chọn người đọc, nhưng thiết yếu, vì nó căn bản cho nhận thức.
Nếu nhìn Huỳnh Ngọc Chiến qua các ca khúc, thấy anh đầy chất tài hoa và lãng tử. Những ai đã dự khán hoặc nghe lại đêm nhạc Cung trầm của anh, tổ chức gần đây tại quê nhà, sẽ thấy rõ.
Huỳnh Ngọc Chiến đã sống một cuộc đời tuy không thật dài, nhưng không hoài phí hoặc vô vị. Giờ anh nằm xuống, thanh thản, hết đau đớn, không muộn phiền, không vướng bận gì nữa. Anh đã sống như hai câu thơ của chính anh: “Để khi vào cõi sa mù/ Sẽ bay như hạt mưa Thu nhẹ nhàng”.
Ai trong chúng ta ở đây rồi cũng phải bước xuống sân ga cuối của chuyến tàu đời. Cầu mong anh bước vào cuộc hành trình khác trong một chuyến tàu êm ái hơn, tràn ngập niềm vui và sự an lành. “Mai mốt bước qua bờ sinh tử/ Vén màn sương vào cõi hư vô/ Cũng chờ ngày trùng du cố quận/ Để lai rai chén rượu giang hồ” – thơ Huỳnh Ngọc Chiến.
Phạm Thanh Chương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất