15/02/2014 07:11 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Theo mong muốn của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, di hài ông sẽ được hỏa táng. Tro cốt đặt vào trong bức tượng chân dung của ông và để thờ tại nhà.
Bức tượng này do một họa sĩ giấu tên làm tặng. Theo anh Quốc Việt, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Tiền Giang, người thân thiết với nhà văn, cho biết: “Khi anh Năm (cách gọi thân mật của nhiều người dành cho nhà văn) còn sống, tôi đã chở anh đi xem tượng của mình. Một họa sĩ quý anh Năm đã tạc hai bức tượng chân dung anh Năm bằng đồng. Một bức tượng được làm rỗng ruột theo yêu cầu của anh Năm để khi chết anh bỏ tro cốt vào trong. Bức còn lại họa sĩ giữ làm bản quyền của mình”.
Tại sao nhà văn chọn hỏa táng thay vì xây lăng mộ? Cũng theo anh Quốc Việt: “Anh Năm in tác phẩm đầu tay Đất lửa vào năm 1963, từ tác phẩm này đã sản sinh và hình thành tên tuổi Nguyễn Quang Sáng. Do nhà văn Nguyễn Quang Sáng sinh ra từ… lửa, nên anh đã chọn lửa để trở về”.
Những ai quen thân nhà văn Nguyễn Quang Sáng đều biết rõ phương pháp sáng tác của ông. Trước khi cầm bút viết một tác phẩm, nhà văn thường đem câu chuyện của mình kể cho tất cả mọi người nghe, để rồi ông lắng nghe phản hồi tức thời. Ông kể câu chuyện đến độ thuộc nằm lòng rồi mới ngồi vào bàn viết. Có lẽ, do cách viết văn như vậy, nên giới nghiên cứu văn chương cho rằng: Văn của Nguyễn Quang Sáng là văn của người kể chuyện bậc thầy.
Do đã chuẩn bị một tác phẩm qua nhiều lần kể đến độ thuộc lòng, nên khi viết, nhà văn không còn vướng bận gì nữa, kể cả quần áo mặc trên người. Làng văn Sài Gòn vẫn thường nói với nhau: Khi viết văn, anh Năm thường “nude trăm phần trăm”. Nhà thơ Lê Minh Quốc từng chứng kiến việc này, kể lại: “Một lần ghé phòng riêng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng khi ông còn làm Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM. Gõ cửa bước vào, thật ngạc nhiên thấy ông đang ngồi cởi trần trước xấp giấy trắng, trên người chỉ quấn một chiếc khăn lông. Tôi ngạc nhiên hỏi anh Năm đang làm gì vậy? Ông nói đang viết văn nên không muốn vướng bận bất cứ điều gì kể cả quần áo”.
Với một tác phẩm truyện, thế mạnh của nhà văn Nguyễn Quang Sáng nằm ở chi tiết truyện. Những chi tiết truyện trong các tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng thường khiến người đọc bị ám ảnh. Chẳng hạn truyện Con gà trống của ông có chi tiết đáng nhớ, xin tóm lượt như sau: “Để không bị lộ bí mật nơi đóng quân trong rừng, cấp trên đã ra lệnh may yết hầu con gà trống vì sợ nó gáy. Nhà văn cho rằng, làm gà trống mà không được gáy thì thà chết còn hơn”.
Nhà văn Lê Văn Thảo từng đọc một truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng có chi tiết khiến ông nhớ mãi. Chi tiết này kể về một đoàn văn công đi lên một ngọn đồi phục vụ văn nghệ cho bộ đội. Không may trước đó ngọn đồi bị pháo kích và không một người lính nào còn sống. Lẽ ra đoàn văn công rút lui nhưng họ đã ở lại nhặt từng phần thân thể để ghép lại thành hình từng con người. Và đoàn văn công tiếp tục biểu diễn văn nghệ phục vụ cho những người lính vừa hy sinh, qua đó miêu tả sự khốc liệt của chiến tranh.
Còn đạo diễn Trần Mỹ Hà thì nhớ hình ảnh trong một truyện Nguyễn Quang Sáng đã miêu tả. Ấy là mùa nước nổi ở quê nhà văn cũng là mùa cá linh theo dòng nước đổ về. Nhà văn viết rằng, cá linh nhiều đến độ mà âm thanh của cá phát ra giống như một đàn ong rừng đang bay. Theo Trần Mỹ Hà, những hình ảnh và chi tiết như thế trong truyện của Nguyễn Quang Sáng rất… điện ảnh.
Chẳng thế mà, những phim Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng... do nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết kịch bản đã trở thành những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Phim kinh điển nhờ nhiều chi tiết mà chỉ có những nhà văn từng trải qua như Nguyễn Quang Sáng mới viết lại được.
Lý lịch nhà văn Nguyễn Quang Sáng ghi ông sinh ra ở xã Mỹ Luông (nay là thị trấn), huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Thực ra, xã Mỹ Luông là quê ông, còn nơi ông cất tiếng khóc chào đời lại là cù lao Giêng nằm giữa các nhánh sông thuộc huyện Chợ Mới, đến nay muốn ra cù lao Giêng vẫn phải đi qua một con phà nhỏ.
Tại sao cần nhắc chính xác nơi nhà văn cất tiếng khóc chào đời? Bởi nhà văn Nguyễn Quang Sáng rất nặng lòng với xứ sở sinh ra ông. Nhà văn Lê Văn Thảo, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, kể một chuyện vui: “Một lần ông Sáng đi nhậu về. Anh xe ôm ra giá 30 ngàn đồng. Ông Sáng trả giá 20 ngàn đồng. Anh xe ôm không chịu. Ổng đi bộ về khi anh xe ôm chạy rà theo. Đến hơn nửa đoạn đường, ông Sáng hỏi anh xe ôm: Mày quê ở đâu? Dạ, An Giang! Nghe An Giang cùng quê, ổng leo lên xe. Đến nhà ổng trả luôn cho anh xe ôm 50 ngàn dù đã đi bộ hơn nửa chặng đường”. Và thật trùng hợp, tác phẩm cuối cùng của Nguyễn Quang Sáng có tên Nhà văn về làng.
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất