Vĩnh biệt NSND Lý Huỳnh: Vị 'trưởng bối' đưa cascadeur Việt lên tầm cao

23/10/2020 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Tin NSND Lý Huỳnh ra đi đã gây ngỡ ngàng với khán giả lẫn dân trong nghề. Chỉ mới hôm nào báo chí còn đưa tin ông cùng gia đình ủng hộ 500 triệu đồng cho Bệnh viện Chợ Rẫy. Và câu chuyện ông cùng gia đình đến Viện Dưỡng lão trò chuyện tặng quà cho các đồng nghiệp khó khăn như: NSƯT Diệu Hiền, Thanh Hương, diễn viên Thiên Kim… đều đặn vào mỗi năm luôn là một ấn tượng đậm nét của cái tình nghệ sĩ.

NSND Lý Huỳnh qua đời, hưởng thọ 78 tuổi

NSND Lý Huỳnh qua đời, hưởng thọ 78 tuổi

Tài tử Lý Hùng đau buồn cho biết cha anh – NSND Lý Huỳnh vừa qua đời tại nhà riêng ở TP. HCM vào rạng sáng ngày 22/10, ông hưởng thọ 78 tuổi.

Ông đã ra đi, để lại rất nhiều vai diễn, từ Ông Hai Cũ, Ông Hai lúa, Trung úy Xăm… và mãi đến tận sau này trong vai trò sản xuất, người ta luôn thấy ông năng động, đổi mới trong các bộ phim hành động, đặc biệt khi ông qua tận xứ Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc)mời bằng đuợc các ngôi sao như: Mạc Thiếu Thông, Lê Tư, Thang Chấn Nghiệp… làm nên những bộ phim hoành tráng: Hồng Hải Tặc, Kế hoạch 99, Cảnh sát đặc khu… Phim nào do ông sản xuất cũng đậm tinh thần võ Việt… và quan trọng nhất vẫn là khán giả luôn ủng hộ ông trong hầu hết các vai trò, từ võ sư đến diễn viên.

Khởi nghiệp từ võ thuật

Nhớ lại có lần đến nhà ông,biết tôi muốn tìm hiểu, ông đã chỉ từng tấm hình treo trên tường nhà như ôn lại những kỷ niệm của một thời lừng lẫy trong các trận đấu đài ác liệt của thời trước 1975, ông bật mí: “Tôi theo nghiệp võ từ năm 12 tuổi, học với 3 ông thầy ở 3 môn phái khác nhau. Lần đầu với thầy Hải Yến môn võ cổ truyền với những cú đấm thần sầu. Kế đến học võ Thiếu lâm Nam phái với người thầy Trung Quốc Huỳnh Đạt Dân với những bài quyền đầy biến ảo. Và cuối cùng là người thầy đã đem lại danh tiếng cho tôi trên các sàn đấu ác liệt, đó là thầy Huỳnh Tiền, một võ sư danh tiếng ở những năm thập niên 1960 qua những cú đấm uy lực và cả những đòn chỏ chấn động làng võ thời bấy giờ”.

Với 40 năm trong nghề võ, 17 tuổi ông đã thượng đài, đấu khoảng 12 trận và được liệt vào hàng bất khả chiến bại, được báo chí thời đó tặng danh hiệu là: Báo đen Lý Huỳnh. Cũng thời gian vang danh này, báo chí liên tục được tin ông dám “cả gan” thách đấu thần tượng võ thuật thời bấy giờ là Lý Tiểu Long được mệnh danh là con rồng nhỏ châu Á.Đây là câu chuyện mà giới truyền thông tốn hao khá nhiều giấy mực đưa tin, nhưng khi trực tiếp gặp ông hỏi cho rõ thì ông trả lời tỉnh bơ: “Chuyện cũng thường thôi, vì đối với dân võ mà có đánh nhau thì có gì đâu mà ầm ĩ, chẳng qua Lý Tiểu Long quá ư nổi tiếng, còn tôi một chàng trai trẻ hừng hực tuổi thanh xuân, khi ông đạo diễn Hàn Anh Kiệt hỏi tôi có dám thách đấu hay không? Tôi cũng tự ái tinh thần dân tộc nên trả lời ngay: Đâu có gì đâu mà sợ!Có điều kiện thì đánh ngay thôi… Chỉ một câu nói đó thôi, mà sau này đã trở thành một sự kiện lớn”…

Chú thích ảnh
Lý Huỳnh (trái) trong trận thắng võ sĩ Francoise tại võ đài Vũng Tàu năm 1959

Ông cho biết: “Thời đó tôi tuổi trẻ nên sung sức lắm, ngay lần đầu thượng đài đấu với võ sĩ Francoise người Pháp, người từng đoạt chức vô địch quyền Anh ở miền Nam nước Pháp, tay này với lợi thế chiều cao và cân nặng hơn tôi đến 10 ký, vậy mà khi lâm trận, nhờ vào chiến thuật hợp lý, kết hợp với những cú đấm bất ngờ, tôi đã hạ anh ấy ở hiệp đấu thứ 3. Trận thứ 2 tôi thắng oanh liệt võ sĩ Anh Thạch, một võ sĩ có những cú đấm tốc độ và cực mạnh. Và trận đấu oanh liệt nhất phải kể đến anh chàng võ sĩ Mạnh Trung Phương, một võ sĩ từng nhiều lừng vô địch ở 6 tỉnh miền Trung, chính trận đấu khốc liệt này đã đưa tên tuổi tôi tăng lên rất nhiều trong làng võ thời bấy giờ”.

Sau nghiệp thượng đài, ông tiếp tục mở lò võ, liên tiếp đào tạo được nhiều võ sĩ tên tuổi cho làng võ thuật ở miền Nam thời bấy giờ như: Lý Huỳnh Yến, Lý Huỳnh Long, Lý Huỳnh Sơn… Và cũng thời gian này ông bắt đầu được mời đóng phim.

Những vai võ ấn tượng

Trong đời diễn viên, ai may mắn lắm mới có được một vai diễn để đời, riêng với võ sư kiêm diễn viên Lý Huỳnh thì đây là trường hợp ngoại lệ.

Sở hữu một ngoại hình đẹp trai cao to “bặm trợn” nên ông dễ dàng hóa thân vào các vai phản diện. Nét diễn tinh tế, đặc biệt là nhờ vào vốn võ thuật của bản thân nên ông có nhiều thuận lợi khi hóa thân vào các vai diễn đòi hỏi tính hành động cao.

Những ai từng xem phim Ông Hai Cũ sẽ ngỡ ngàng khi ông tung cú đá bàng long cước chính xác ngay yết hầu tên lính Nhật sau đó phi thân từ xe lửa đang chạy xuống mặt đất một cách tuyệt vời. Ông từng bật mí: “Khi đạo diễn quay cảnh này yêu cầu tôi cố gắng làm sao diễn y như thật, vì cảnh rất nguy hiểm. Đá mạnh quá diễn viên đóng vai tên lính Nhật sẽ trọng thương, còn nhảy xuống không đúng điệu chuyện gãy chân hoặc đập đầu xuống đường là có thật”. Vậy mà thật đó, Lý Huỳnh với kinh nghiệm là một võ sư chuyên nghiệp, ông đã diễn đúng một phát ăn ngay, khiến cả phim trường gần như nín thở…

Đến cảnh quay đấu tay đôi với 2 con trâu chọi trong bộ phim Vùng gió xoáy, cảnh quay này khi xem, nhiều khán giả đã thét lên vì… sợ! Ông tâm sự: “Chỉ việc nó đang đấu nhau mà mình nhào vô đã thấy khiếp rồi, đằng này đạo diễn yêu cầu mình phải bẻ sừng rồi la hét để khuất phục nó một cách tâm phục thì phải làm sao đây? Nói thì dễ chứ vào trận mới thấy hồi hộp là như thế nào?”.

Chú thích ảnh
Lý Huỳnh ở phim trường “Tây Sơn hào Kiệt”

Có lẽ bản lĩnh và dũng mãnh từ con nhà võ, cuối cùng ông đã diễn một cách ngon lành. Chưa hết, đến cảnh quay chạy xe ngựa vọt qua cây cầu nhỏ trong tình thế cấp bách, đòi hỏi độ chính xác rất cao vì trên xe ngựa còn có một diễn viên nhí 1 tuổi, chỉ cần sai sót nhỏ cũng toi đời ngay. Lần đó, nhờ vào sự dũng cảm phi thường, cũng như tài lái xe ngựa một cách khéo léovà chính xác, ông đã để lại trên màn ảnh một cảnh quay ấn tượng có 1 không 2.

Đến phim Chị Sứ có cảnh quay tên Trung úy Xăm chặt đầu chị “Việt cộng”, cảnh này có sự kết hợp với tổ thiết kế làm mưa gió ầm ầm, dù đã quay 10 lần nhưng vẫn chưa đạt vì cố đạo diễn Hồng Sến yêu cầu phải quay làm sao cho thật thì mới thấy được “máu lạnh” của tên đồ tể này. Nhớ lại cảnh này ông kể: “Đây là cảnh quay oái oăm mà tôi chưa từng gặp bao giờ, kịch bản ghi thì ngắn gọn: Chặt đầu chị Sứ. Tôi cầm cây đao sắc lẹm là đã run rồi, riêng chuyện chặt vào cổ một cô gái thì đâu phải chuyện đùa, lỡ tay một phát thôi cũng ảnh hưởng trầm trọng đến đời con gái người ta. Lần đó run thì run, nhưng chặt thì vẫn phải chặt, dù cái cổ có lót bảo hiểm đàng hoàng, và cảnh quay đã kết lại trong nỗi ám ảnh của bản thân tôi và cô Sứ!”.

Đến khi Nhà nước cho phép lập hãng phim tư nhân, gần như ông là người tiên phong trong vai trò nhà sản xuất. Với sự linh hoạt của con nhà võ, cộng với sự điều hành của bà xã ông và đặc biệt là sự hiện diện của người con Lý Hùng, người được xem là minh tinh ăn khách nhất thời điểm đó đã giúp hàng loạt phim Lửa cháy thành Đại La, Thăng Long đại nhất kiếm, Võ sĩ bất đắc dĩ, Thanh gươm để lại…liên tục thu hút khán giả, tạo nên những cơn sốt ở phòng vé.

Không dừng lại ở sự thành công ban đầu, ông còn mở bước ngoặt cho phim ảnh nước nhà khi liên tục hợp tác với các đoàn phim Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc). Với sự hiện diện của tài tử Mạc Thiếu Thông, ảnh hậu Lê Tư, Thang Chấn Nghiệp… đưa các diễn viên Việt Nam như Lý Hùng, Giáng My, Lý Hương, Công Hậu… lên tầm cao mới, khi trình diễn những màn võ thuật vô cùng đẹp mắt và hấp dẫn…

Người luôn ưu ái cascadeur Việt

Ngày ấy, khán giả đã vô cùng ngẩn ngơ khi thưởng thức các chiêu thức võ thuật với những màn hành động vô cùng đẹp mắt và hoành tráng. Ông tận dụng tất cả những khả năng võ thuật của diễn viên Việt Nam lên màn ảnh,từ các thế võ tay không đến các màn chiến đấu binh khí trong các bộ phim dã sử đã được khán giả nồng nhiệt đón nhận.

Nói không ngoa, ông chính là người khai sinh và đưa cascadeur (diễn viên đóng thế) Việt Nam vượt bậc ở sàn diễn phim trường. Những ngày đầu sơ giao, các võ sinh của chúng ta chỉ quanh quẩn với các thế võ căn cơ, chỉ đẹp hơn vài ba chiêu thức nhờ vào tài năng của các võ sư thứ thiệt, ít ai hiểu được sự diệu kỳ ở các góc máy hiện đại nhằm tăng tính hiệu quả, và máy sau này mới được “bồi đắp” thêm nhờ vào các kỹ xảo tiên tiến của thời @ hiện đại. Chính ông là người đưa cascadeur đến với các đoàn phim Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc)… giới thiệu những nhân tài võ thuật kết hợp với sự hiện đại của các đoàn phim nước bạn để có được một đội ngũ cascadeur hiện đại, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu cao của đạo diễn ngày nay.

Chú thích ảnh
Vợ chồng Lý Huỳnh (giữa) và con trai Lý Hùng (bìa trái) và con gái Lý Hương (bìa phải)

Còn nhớ, trong lần “đụng độ” với đoàn phim Kế hoạch 99, dù ông được giới thiệu là một nhà sản xuất, một diễn viên, một võ sư lão luyện…nhưng các thành viên trong đoàn phim bạn chỉ xem ông như một trưởng bối ở cái tuổi lục tuần đáng kính, mỗi lần vào cảnh diễn hành động, họ chỉ thường xếp cho ông những cảnh nhẹ nhàng dễ quay vì sợ ông gặp nguy hiểm.

Ông tinh tế, nhẹ nhàng xin có “ý kiến” và bắt đầu tăng đô ở các pha bay nhảy, sử dụng súng thành thạo, hạ gục đối thủ bằng các chiêu thức phức tạp. Liên tục nhiều cảnh như thế, khiến các chuyên gia hành động Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc) càng lúc càng ngỡ ngàng. Đến khi chính ông tự giới thiệu mình từng là cận vệ của một lãnh đạo cấp cao trong quân đội, từng lên đài hạ gục nhiều nhà vô địch quốc tế… lúc ấy mọi người nghiêng mình kính nể.

Dự án… để đời

Nhớ thời làm phim Tây Sơn hào kiệt, với ông đây là một dự án lớn của đời mình, ông bảo: Làm phim thắng thua gì mình cũng đã trải qua, nhưng ở những ngày cuối đời, nhìn các bạn già như: NSND Thế Anh, NSND Đoàn Dũng, NSƯT Hồ Kiểng, Minh Đáng, NSƯT Hùng Minh… ngày càng bước vào tuổi lão nên ông muốn tập trung tất cả các bạn già này để làm một bộ phim vang danh cho người Việt.

Lần đó, cả nhà ông dồn sức với kinh phí 12 tỷ đồng (một con số không tưởng của năm 2009) với sự tham gia của 3 thế hệ diễn viên và hàng ngàn võ sinh tham gia… Đây được xem là bộ phim lịch sử cổ trang có quy mô lớn và hoành tráng nhất trong lịch sử phim võ thuậtcổ trang của Việt Nam, được xác nhận là bộ phim dàn dựng lớn nhất Việt Nam và Lý Hùng (vai nam chính) đã nhận được giải Mai Vàng cho hạng mục Diễn viên xuất sắc nhất.

Cả đời theo nghiệp võ rồi làm phim, từ một diễn viên không chuyên, ông lần lượt trải qua nhiều vai diễn để đời, rồi được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân nhờ vào sự đóng góp to lớn của mình. Ông luôn khiêm tốn, cần mẫn với từng công việc mình yêu thích. Ông luôn truyền đạt cho con cháu và học trò của mình phải biết kính trên nhường dưới, tôn trọng khán giả.Ông là mẫu người dám nói, dám làm để thực hiện bằng được những ý tưởng cao đẹp của mình. Đến ngày ông chia tay khán giả ở độ tuổi 78, mộng ước của ông cho bộ phim Nữ tướng Bùi Thị Xuân đành dang dở bởi những cơn bệnh âm ỉ suốt thời gian qua. Xin kính chào tiễn biệt ông - một nghệ sĩ, một võ sư cả đời đã cống hiến cho nghệ thuật.

Lữ Đắc Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm