05/03/2021 07:18 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Tôi thảng thốt nhận hung tin từ NSND Việt Thắng - Nhà hát Kịch Việt Nam, rằng NSND Trần Hạnh đã trút hơi thở cuối cùng lúc 2h50 phút ngày 4/3/2021 tại nhà riêng, gửi lại dương gian tuổi 92. Ông đi về nơi xa, nhưng hình ảnh của ông trong nhiều bộ phim, nhất là Cha cõng con - bộ phim cuối cùng ông đóng tiếp tục đến với thế giới. Trước mắt tôi là slogan của phim Cha cõng con:“Những ước mơ từ mặt đất hướng đến bầu trời” (The dream from the face redirect to the sky)…
NSND Trần Hạnh tên đầy đủ là Trần Ngọc Hạnh sinh năm 1929 tại Hà Nội. Cha ông làm việc tại Nhà máy in Ngô Tử Hạ (phố Nhà thờ); mẹ làm nghề buôn bán nhỏ. Một biến động lớn đã đến với gia đình khi cha ông lâm bệnh mất sớm. Cậu bé Trần Hạnh năm đó mới tròn 8 tuổi. Gánh nặng cơm áo ập trên đôi vai mẹ. Mẹ trở thành trụ cột gia đình cáng đáng việc cha rời cõi tạm quá sớm. Thương mẹ vất vả, Trần Ngọc Hạnh đã cố gắng tự lập, làm nghề đóng giày thuê ở phố Tràng Tiền phụ giúp gia đình.
Từ người đóng giày đến Nghệ sĩ Nhân dân
Từ một công nhân đóng giày, tình yêu sân khấu đã sớm đưa Trần Hạnh đến Đội kịch của Đoàn Văn công nhân dân Hà Nội (Trưởng đoàn: Ông Đinh Thiện Bao; Phó Trưởng đoàn phụ trách nghệ thuật: Nhà thơ, nhà biên kịch Trần Huyền Trân). Năm 1965 đội Kịch được tách ra khỏi Đoàn Văn công nhân dân Hà Nội để thành lập Đoàn Kịch nói Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội). Từ thực tế dàn dựng và biểu diễn, một thế hệ diễn viên kịch đầu tiên được hình thành,ham học hỏi, mạnh dạn, sáng tạo để lại những vai diễn ấn tượng, đó là các nghệ sĩ: Lê Khang, Hạc Đính, Hoàng Quân Tạo, Ngân An, Nguyễn Ánh, Hải Việt, Hữu Độ, Ngọc Đính, Hoàng Thanh Giang, Phạm Bằng, Trần Ngọc Hạnh, Lê Mai, Vũ Thanh Tú, Kim Xuyến, Nhật Đức…
Trần Hạnh là một nghệ sĩ tài năng mà cả một đời cặm cụi, tận tâm, dâng hiến trọn vẹn cho nghệ thuật sân khấu và điện ảnh. Với ông, người nghệ sĩ cần được diễn, được hóa thân vào nhân vật, còn vai chính hay phụ, dài hay ngắn không quan trọng. Vấn đề là người nghệ sĩ phải thực sự hóa thân, sống hết mình với nó thì mới có thể mới chạm đến trái tim công chúng.
Ở lĩnh vực sân khấu, Trần Hạnh đã thể hiện tài năng qua nhiều vở diễn, như: Lam Sơn tụ nghĩa, Tiền tuyến gọi, Âm mưu và tình yêu, Bản tình ca màu xanh, Cô gái đội mũ nồi xám, Thung lũng tình yêu, Người đàn bà sau tấm cửa xanh... Các vai diễn của ông đi cùng lịch sử đất nước sau kháng chiến chống Pháp, bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hân hoan đón chào miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất...
Đầu năm 1962, Đội kịch nhận nhiệm vụ xây dựng tiết mục tham gia Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Đội kịch chọn vở kịch thơ 4 màn Lam Sơn tụ nghĩa (tác giả: Nguyễn Xuân Trâm, đạo diễn: Trần Huyền Trân, âm nhạc: Văn Chung, mỹ thuật: Nguyễn Tiến Chung). Nội dung vở kịch thơ xoay quanh việc Nguyễn Trãi và những người anh hùng tìm cách vào Lam Sơn dâng kế sách Bình Ngô. Nghệ sĩ Trần Hạnh tự hào, vui sướng được đảm nhận vai Nguyễn Trãi. Hình tượng Nguyễn Trãi đã được ông hóa thân một cách xuất sắc với tư cách một nhà thơ, nhà văn hóa, đậm chất Hà Nội hào hoa, phong nhã. Vai diễn này đã mang đến cho Trần Hạnh tấm HCV đầu tiên.
Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ cho máy bay bắn phá miền Bắc, nghệ sĩ Trần Hạnh cùng các nghệ sĩ Đoàn Kịch nói Hà Nội tham gia trong 2 đội xung kích. Đáp ứng hoàn cảnh chiến tranh, những tiết mục được xây dựng ngắn, gọn, nhẹ để biểu diễn kịp thời,phục vụ quân và dân ở các đơn vị pháo phòng không, dân quân trực chiến, các nhà máy, xí nghiệp nội/ngoại thành…Đó là các kịch mục: Tay không bắt giặc, Chuỗi hạt kim cương, Cỗ xe nhảy vọt, Một mạng người, Chiếc tạp dề và Người chào hàng, Tay súng dân quân, Đâu có giặc là ta cứ đi, Nhà trẻ, Cây chông thép…
Những vở diễn đã góp phần cổ vũ sức mạnh tinh thần cho quân và dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đoàn dựng vở Hà Nội đầu năm 46 (tác giả: Bùi Nguyên Cát, đạo diễn: Trần Hoạt, thiết kế mỹ thuật và âm nhạc: Văn Cao...), Trần Hạnh đảm nhận vai ông Phàm (Lê Mai vai bà Phàm) cùng các nghệ sĩ: Hoàng Quân Tạo, Mạnh Sinh, Thanh Tú, Khôi Nguyên, Phạm Bằng… Dưới sự hướng dẫn của đạo diễn Trần Huyền Trân, đạo diễn Trần Hoạt, nghệ sĩ Trần Hạnh và các nghệ sĩ đã thể hiện thành công vở kịch trên.
Cuối năm 1967, nghệ sĩ Trần Hạnh cùng các nghệ sĩ Đoàn Kịch nói Hà Nội mang 2 vở kịch: Lam Sơn tụ nghĩa và Đêm tháng Bảy vào phục vụ quân và dân tuyến đầu Vĩnh Linh. Năm 1968, nghệ sĩ Trần Hạnh đảm nhận vai Vũ Khiêm rất ấn tượng trong vở kịch 3 màn Tiền tuyến gọi (tác giả: Trần Quán Anh, đạo diễn: Dương Ngọc Đức) cùng các nghệ sĩ: Thanh Tú, Phạm Bằng, Quốc Toàn, Thu An, Trịnh Mai... Vở kịch nói về sự đấu tranh trong giới y học, giữa các giáo sư, bác sĩ với mối liên hệ từ lý thuyết đến thực hành, từ phòng thí nghiệm đến thực tế phẫu thuật ngoài chiến trường. Vở Tiền tuyến gọi tham gia Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (1970) đoạt HCV và 7 HCV +5 HCB cá nhân. Vai Vũ Khiêm do nghệ sĩ Trần Hạnh thể hiện đoạt HCV…
Ngay từ vai diễn đầu tiên, ông đã khẳng định một tài năng diễn xuất của mình và từ đó hứa hẹn cho sân khấu một nghệ sĩ tài hoa, mang dấu ấn phong cách riêng Trần Hạnh.
Lao động nghệ thuật không giới hạn tuổi tác
Là diễn viên kịch nói, nhưng NSND Trần Hạnh lại được công chúng biết ghi nhận đóng góp nhiều hơn ở phim truyện điện ảnh và truyền hình. Với ông, lao động nghệ thuật không giới hạn tuổi tác, chỉ có điều phụ thuộc vào sức khỏe. Sau khi nghỉ hưu (năm 1989), ông được công chúng biết đến nhiều hơn qua các vai diễn trong các bộ phim điện ảnh và truyền hình. Nếu Cuốn sổ ghi đời (đạo diễn Tất Bình) là vai diễn truyền hình đầu tiên thì Chiếc bình tiền kiếp là bộ phim ghi dấu mốc đầu tiên ông đến với phim truyện điện ảnh. Kể từ sau đó là hàng loạt bộ phim có vai diễn của ông trong: Tướng về hưu, Hãy tha thứ cho em, Cỏ lau, Người đàn bà thứ hai, Làng nổi…và phim điện ảnh cuối là Cha cõng con (đạo diễn Lương Đình Dũng).
Vai diễn của ông khá đa dạng để lại những cảm xúc lâu bền trong lòng công chúng. Đạo diễn thường mời Trần Hạnh đảm nhận vai có số phận, bi kịch, nghịch cảnh, là người tốt, sống tử tế, nhân hậu... Vốn là người sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội, chất Hà thành tự thân trong huyết quản thấm đẫm. Nhưng đạo diễn lại thường mời ông đóng vai người nông dân lam lũ, nghèo khổ, chịu nhiều thua thiệt, khắc khổ, đáng thương…
Khi đọc kịch bản, nhận vai, ông vẫn thường trực một nụ cười giản dị, ánh mắt chan chứa tình người. Bất cứ vai nào ông đảm nhận dường như không có khoảng cách của phim và đời. Ngẫm thấy cuộc đời mình cũng nhiều nỗi buồn lắm chứ. Là người không thích phiền hà, ông vẫn tự mình làm mọi đủ mọi việc từ cơm nước, chợ búa, giặt giũ, chăm sóc người vợ bị liệt nửa người sau di chứng tai biến.
Lúc nào không đừng được thì mới nhờ đến con cháu giúp đỡ. Gần chục năm nay ông hay đau yếu, nhất là từ khi bà đi trước, không được chăm sóc bà, ông cứ cặm cụi một mình. Lễ trao tặng danh hiệu NSND cho ông, những tiếng vỗ tay không ngớt. Lúc đó, ông nghĩ nhiều đến người vợ hiền thục, yêu thương chồng con. Sự ghi danh cao quý này có cả phần bà trong đó…
Những vai ghi dấu ấn tài năng của ông phải kể đến: Bí thư Đảng ủy trong phim Làng nổi, bố An trong phim Truyện cổ tích tuổi 17, bố Lài trong Tướng về hưu, ông Lâm trong phim Chiếc bình tiền kiếp, bố Mai trong phim Hãy tha thứ cho em, ông Cần trong phim Cuốn sổ ghi đời...
Trước khi viết bài, tôi gọi điện cho đạo diễn Lương Đình Dũng. Tác giả Cha cõng con nói với tôi trong nỗi xúc động dâng trào: "Em may mắn vì được làm phim cùng và lại là bộ phim cuối cùng bác Hạnh tham gia. Chị biết đấy, em là đạo diễn khá kỹ tính khi chọn diễn viên cho phim do mình viết kịch bản và đạo diễn. Khi viết kịch bản phim Cha cõng con, em đã nghĩ đến một vai dành cho bác. Năm quay phim, bác Trần Hạnh đã 86 tuổi, thực sự em cũng có chút ái ngại. Nhưng vì nghĩ khó ai đảm nhận vai này hơn bác, nên em vẫn quyết định mời bác. Trong quá trình quay, bác Hạnh hiểu được điều đó và luôn động viên em. Bác nói cháu là đạo diễn, còn bác là diễn viên. Nhiệm vụ của bác cháu mình rất rõ và mục đích là làm được phim hay. Cả 2 bác cháu mình phải làm tốt công việc của mình”.
Lặng hồi lâu Dũng nói tiếp:“Cho đến giờ, em vẫn không quên ý kiến của bác khi đoàn quay tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Nét mặt buồn rầu, bác chậm rãi nói: Ở đây các cháu bé bị bệnh nặng, cháu nói anh em tập trung làm việc nhanh hơn, tránh nói chuyện nhiều. Em xúc động trước sự lo lắng của bác. Làm nhanh thì sợ bác vất vả và còn lo bác lớn tuổi có thuộc thoại không. Nhưng bác Hạnh đã nói em yên tâm vì bác rất tập trung”.
Nghiệp diễn mang đầy lòng trắc ẩn
NSND Trần Hạnh là con người sống đức độ, giản dị, khiêm nhường, lòng tự trọng rất cao. Vì thế, ông thường lặng lẽ, cặm cụi làm việc, không thích ồn ào, phô trương, càng không thích phiền lụy đến bất cứ ai. Ông cứ như con tằm rút ruột nhả tơ cho đời. Ông là người nghệ sĩ “chung thân” với vai nghèo khó, khắc khổ, số phận nhưng giàu lòng nhân ái.
Chia sẻ của con dâu ông cho thấy lòng nhân hậu của ông đã phần nào được đền bù, một “kết thúc có hậu” của tình yêu thương gia đình và công chúng dành cho ông: "Tối qua, sức khỏe cha tôi đã có dấu hiệu yếu dần. Ông ra đi vào 2 giờ 50 phút ngày 4/3/2021 có con cháu ở bên. Gia đình nhờ người tụng kinh niệm Phật bên cạnh ông cho đến lúc ông ra đi. Cha tôi sống hiền lành. Ông từ giã cõi trần rất nhẹ nhàng, thanh thản, không đau đớn. Không mấy khi ông bày tỏ nguyện vọng với con cháu. Ông bằng lòng với cuộc sống".
Được cùng đóng phim Người yêu đi lấy chồng (Vũ Châu) với NSND Trần Hạnh, NSƯT Chiều Xuân nghẹn ngào tiễn biệt bố Hạnh “Vẫn biết cõi đời là cõi tạm, nhưng nghe tin bố ra đi, nước mắt con không ngừng tuôn rơi. Bố đi nhé. Về thế giới bên kia bố được đoàn tụ cùng các cô chú, các anh các chị nghệ sĩ. Con tin với sự cần mẫn như thế, yêu nghệ thuật như thế, bố lại chuẩn bị cho mình một vai diễn mới. Dù ở thế giới nào, nghiệp diễn vẫn là lẽ sống của bố. Nghiệp diễn mang đầy lòng trắc ẩn, sẻ chia với con người với cuộc đời này. Cảm ơn bố đã đem đến cho cuộc sống này một tâm hồn giản dị, thanh cao như con người bố vậy. Tiễn bố trong một ngày mưa phùn Xuân Hà Nội”.
NSND Việt Thắng may mắn được lồng tiếng cho nhiều bộ phim ông đóng chia sẻ “Đến bây giờ, tôi vẫn không quên từng vai diễn của bố mà mình đã lồng tiếng. Ngoài đời, bố Hạnh là người nghệ sĩ giản dị, nhỏ nhẹ, khiêm nhường. Nhớ ngày nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ở Nhà hát Lớn Hà Nội, thấy bố đi lại khó khăn, tôi muốn dìu bố lên, nhưng bố nói: "Tôi tự đi được, không phải dắt".
NSND Trần Hạnh ra đi để lại bao nỗi tiếc thương cho gia đình, đồng nghiệp và công chúng. Đạo diễn Lương Đình Dũng thảng thốt vĩnh biệt người nghệ sĩ đáng kính - một nhân vật đã góp phần làm nên thành công cho bộ phim “Cha cõng con” – bộ phim giàu tính nhân văn đã từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế và sắp tới chiếu ở Nhật Bản: “Cháu xin được chào cụ Trần Hạnh. Một người đàn ông. Một người bác. Một người diễn viên mà cháu tôn trọng và yêu mến. Bộ phim Cha cõng con sẽ lưu mãi trong lòng mọi người một người ông nhân hậu, giản dị, có lẽ giống như ông ở đời thường”.
Ông đi về nơi xa, nhưng hình ảnh của ông trong nhiều bộ phim, nhất là “Cha cõng con” - bộ phim cuối cùng ông đóng tiếp tục đến với thế giới. Trước mắt tôi là slogan của phim “Cha cõng con”: "Những ước mơ từ mặt đất hướng đến bầu trời" (The dream from the face redirect to the sky)…
NSND Trần Hạnh là diễn viên gạo cội của nền sân khấu và điện ảnh Việt Nam. Tại LHP Việt Nam lần thứ XI, Trần Hạnh đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc trong phim “Nước mắt đàn bà”. Năm 2010, ông được nhận giải Cống hiến cho phim “Ngõ lỗ thủng” (đạo diễn: Quốc Trọng). Ngày 29/8/2019 ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Tại Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ cảm xúc “Ở độ tuổi 90, nghệ sĩ Trần Hạnh vẫn giữ được cho mình tâm sáng, lòng trong và trái tim vị nghệ thuật, vị nhân sinh, một điều trân quý, đáng học tập”.
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất