'Virus cuồng loạn': Bỏ tiền xem phim này là coi rẻ sức lao động của bản thân

09/11/2022 15:19 GMT+7

'Virus cuồng loạn': Bỏ tiền xem phim này là coi rẻ sức lao động của bản thân

Sau khi xem Virus cuồng loạn, nhiều khán giả hẳn phải chột dạ khi lỡ gọi Cù lao xác sống là phim zombie tệ nhất.

Nếu không tính tác phẩm bị cấm chiếu của đạo diễn Lê Văn Kiệt thì mãi đến năm 2022, Việt Nam mới có những bộ phim điện ảnh đầu tiên xoay quanh đề tài xác sống. Cù lao xác sống có chất lượng không quá tệ nhưng cho thấy chúng ta đã đi sau quá nhiều so với điện ảnh thế giới. Virus cuồng loạn là kẻ ra sau, vốn dĩ phải tốt hơn, nhưng lại gây bất ngờ khi còn tệ hại và thảm họa hơn bội phần.

Nội dung Virus cuồng loạn xoay quanh một đoàn làm phim về xác sống ở Đà Lạt. Nhà đầu tư của dự án này cũng là ông chủ một công ty chuyên chế biến thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc rồi tung ra thị trường tiêu thụ. Đây cũng là lý do đại dịch bùng phát. Trong lúc đang ghi hình thây ma giả thì đàn zombie thật kéo tới tàn sát đoàn phim. Số ít ỏi còn sống sót phải tìm cách sinh tồn.

Virus cuồng loạn: Bỏ tiền xem phim này là coi rẻ sức lao động của bản thân - Ảnh 1.

Bộ phim năm 2022 với kỹ thuật của thập niên 1980

Xem Virus cuồng loạn, khán giả như được một tấm vé trở về tuổi thơ khi phim ảnh chỉ là những khung hình mờ ảo, lâu lâu mất sóng và còn âm thanh thì loạn cào cào trên màn hình nhỏ. Dù các cảnh quay vào buổi sáng nhưng phim vẫn tối đến mức khó mà phân biệt được diễn viên hay nhân vật nào. Còn trong đêm tối, mọi thứ như những đêm cúp điện toàn khu phố năm xưa thì chẳng ai nhìn thấy bất kỳ cái gì.

Màu phim bị nhiều người chê là xấu đến "nhức cả mắt". Trong khi đó, những âm thanh không liên quan cứ lâu lâu xuất hiện mà chẳng có mục đích gì cụ thể. Đôi lúc, tác phẩm mang đến cảm giác như ê-kíp cứ nhét đại bất kỳ tiếng động nào họ tìm được trên mạng để tạo ra cảm giác hỗn loạn. Khâu lồng tiếng cũng bị cho là cẩu thả không kém khi câu thoại và cử động miệng của diễn viên cứ như lý do crush từ chối tình cảm của bạn: chúng không hợp nhau.

Virus cuồng loạn: Bỏ tiền xem phim này là coi rẻ sức lao động của bản thân - Ảnh 2.

Màu phim rất tối, nhiều khả năng để che giấu những lỗi kỹ xảo hình ảnh

Không chỉ âm thanh mà các góc quay trong Virus cuồng loạn cũng chẳng hề có sự liên quan đến nhau. Lẽ ra, phim phải cho thấy sự đông đảo của bầy xác sống hay cận cảnh quá trình chạy trốn, chiến đấu của nhóm người sống sót. Ấy vậy mà thứ duy nhất đạo diễn Nguyễn Ngọc Nhất Duy mang đến chỉ là sự hỗn loạn trong chính bộ phim của mình. Phim chẳng có phân đoạn nào kịch tính hay hấp dẫn khi cứ đến lúc cao trào là máy lại lia đi chỗ khác.

Thậm chí, những phân đoạn không liên quan cứ lâu lâu xuất hiện rồi biến mất. Lối cắt dựng của phim cũng gây khó chịu không ít khi các phân đoạn nối tiếp nhau khônghề có sự liên quan hay thủ pháp chuyển cảnh nào. Cuối cùng, thứ khán giả nhận được chỉ là một tổ hợp rời rạc vá chứ không phải tác phẩm hoàn chỉnh.

Hình tượng zombie tệ hại

Dù đã chê hình tượng zombie trong Cù lao xác sống là quá "hiền" nhưng ai mà ngờ Virus cuồng loạn còn tệ hại hơn. Công thức tạo zombie của đạo diễn Nhất Duy chỉ là cho diễn viên đánh phấn trắng mặt, thoa son đậm một chút và đeo lens cho mắt trắng dã là xong. Sau đó, họ chỉ việc đi qua đi lại kêu gừ gừ, hoặc không vì đã có khâu lồng tiếng cũ kỹ lo liệu.

Virus cuồng loạn: Bỏ tiền xem phim này là coi rẻ sức lao động của bản thân - Ảnh 3.

Bộ phim khiến khán giả chỉ biết "chết lặng"

Có lẽ thứ cuồng loạn duy nhất trong phim là tâm trí của người xem sau khi chứng kiến đám xác sống… cố tình chạy chậm lại để giữ khoảng cách với nhóm nhân vật chính. Giống với Cù lao xác sống, zombie của Virus cuồng loạn cũng xuất hiện như sở hữu dịch chuyển tức thời dù trước đó chẳng thấy bóng dáng đâu. Cách chúng bị đánh nhẹ bằng balo cũng gục và bầy đàn bu vào một người rồi chuyển cảnh cũng chẳng khác gì nhau.

Nội dung thảm họa

Cuối cùng, yếu tố quan trọng nhất để làm nên một bộ phim là kịch bản thì Virus cuồng loạn cũng tệ nốt. Phim mở đầu một cách hời hợt khi người xem chưa kịp biết nhân vật nào ra nhân vật nào, tính cách họ ra sao thì thảm họa đã ập tới.

Và, mọi thứ tua nhanh đến 5 ngày sau đó với nhóm người sống sót ít ỏi. Lúc này, họ mới tính đường trốn thoát ra ngoài bằng cách dùng âm thanh đánh lạc hướng xác sống. Vậy thời gian qua họ dùng thực phẩm ở đâu? Vì sao phải đợi tận 5 ngày mới tìm cách trốn chạy? Từ đây, Virus cuồng loạn tiếp tục "chiêu đãi" người xem một loạt tình huống không đầu không cuối. Nhân vật hành động phi lý đến khó tin.

Virus cuồng loạn: Bỏ tiền xem phim này là coi rẻ sức lao động của bản thân - Ảnh 4.

Một thây ma với đôi mắt phát sáng trong đêm "giả trân"

Những cảnh hồi tưởng, quay chậm xuất hiện vô tội vạ và không đóng góp gì cho nội dung. Rồi bỗng nhiên, cả nhóm được một buôn làng người dân tộc thiểu số dùng cung tên từ trên trời rơi xuống giải cứu. Mọi thứ diễn ra nhanh đến mức khán giả còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra và tiếc rằng giá như bỏ số tiền tương đương giá vé thì còn ngủ được lâu hơi trong nhà nghỉ.

Trừ Gia Bảo, dàn diễn viên Virus cuồng loạn đều là những gương mặt ít tên tuổi. Họ cố gắng rất nhiều nhưng khó mà thể hiện được gì trong cái kịch bản thảm họa này. Lời thoại nhân vật không khác gì trẻ con lớp 1 đang tập đọc. Khi nhân vật tổ chức tiệc thì họ sẽ nói: "Chơi đi các bạn ơi, chơi hết đêm nay nha." Khi hai người tỏ tình, họ sẽ nói: "Ừm, em hỏi thật là, ừm, anh có thích em nhiều không?" Giá như đây là hoạt cảnh do học sinh đóng thì hay biết mấy…

Chấm điểm: 0.5/5.

Virus cuồng loạn là một ví dụ điển hình cho lối làm phim cẩu thả, thiếu chất xám của điện ảnh Việt. Nhiều nhà làm phim cho rằng chỉ cần một đề tài ăn khách là có thể cho ra lò ngay một bộ phim rồi thoải mái đem chiếu rạp mà"ăn tiền". Tuy nhiên, khán giả Việt Nam giờ đã có thể tiếp cận với nhiều tác phẩmhay đến từ thế giới và chẳng có lý do gì ủng hộ một bộ phim coi thường họ cả.

Virus cuồng loạn: Bỏ tiền xem phim này là coi rẻ sức lao động của bản thân - Ảnh 5.

Dạ Nguyệt - Ảnh: IMDb

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm