27/09/2018 05:15 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Ở thời điểm các tác phẩm của Vivian Maier chuẩn bị được trưng bày tại Berlin (Đức) trong Tháng nhiếp ảnh Châu Âu, người ta lại bắt đầu nói về bà – một nhiếp ảnh gia giỏi nhất nước Mỹ nhưng chỉ nổi tiếng sau khi qua đời.
Những bức ảnh này thuộc bộ sưu tập mới công bố của John Maloof, một nhà kinh doanh bất động sản ở Chicago. Và, cũng chính nhờ Maloof mà các bức ảnh của Maier mới trở nên nổi tiếng.
Nhiếp ảnh gia đường phố trong "lốt" vú em
Câu chuyện về người phụ nữ lập dị, người luôn sống với sự thôi thúc để chụp ảnh cuộc sống thường nhật trên các đường phố ở New York và Chicago, cũng lôi cuốn chẳng kém gì những bức ảnh do bà chụp.
Sinh thời, có những người từng hỏi Maier làm gì để kiếm sống, nữ nhiếp ảnh gia đáp: "Tôi là một loại điệp viên".
Sinh năm 1926 ở New York trong một gia đình có mẹ là người Pháp và cha là người Hungary gốc Áo, Maier có phần lớn thời thơ ấu sống giữa châu Âu và Mỹ. Năm 1951, bà định cư ở Mỹ và trở thành một vú em, làm việc trong nhiều gia đình khác nhau trong suốt hơn 40 năm sau đó.
Các gia đình thuê Maier làm vú em dường như biết rất ít về gia cảnh của người vú em này, ngoài việc chỉ thấy rằng giọng nói của bà có âm hưởng của Pháp và thường hay mặc những chiếc áo khoác quá cỡ, áo sơ-mi nam và thường đeo máy ảnh bất cứ khi nào ra khỏi nhà.
Maier bắt đầu chụp ảnh hồi năm 1949 và tiếp tục đam mê của mình cho đến khi bà qua đời hồi năm 2009. Chiếc máy ảnh đầu tiên của bà là máy ảnh Brownie cơ bản hiệu Kodak.
Người ta không biết tại sao bà bắt đầu chụp ảnh, nhưng có thông tin rằng mẹ bà có một chiếc camera và hai mẹ con bà từng tới New York với một tay máy là người cùng làng với mẹ Maier ở Pháp. Kể từ đó, Maier bắt đầu chụp ảnh không ngừng.
Bận rộn chăm sóc lũ trẻ nhưng công việc tưởng chừng như bị ràng buộc ấy không giữ được chân bà. Maier đưa lũ trẻ theo cùng mình trong những chuyến đi tới những khu phố nhộn nhịp ở New York và sau này là những khu vực xơ xác ở Chicago để ghi lại thế giới xung quanh mình.
Maier còn một mình tới những đất nước xa xôi, từ Nam Mỹ tới Trung Đông và châu Á và hình ảnh với chiếc máy ảnh Rolleiflex đeo trên cổ đã trở thành thương hiệu riêng. Có điều thời đó chẳng ai biết đến những bức ảnh của bà.
Maier sống cực kỳ khép kín. Sau mỗi ngày xong xuôi công việc của một vú em, bà trở về phòng riêng và luôn khóa cửa phòng. Maier giữ các bức ảnh mình chụp và sau nhiều năm ảnh do bà chụp đã lên tới cả 100.000 bản. Chưa kể, Maier còn làm một số phim tài liệu.
"Không xu dính túi" trong những năm cuối đời
Trước khi qua đời, Maier sống chật vật và nghèo đến mức bà không có tiền thuê phòng để lưu giữ bộ sưu tập ảnh của mình và cuối cùng phải đấu giá. Năm 2007, John Maloof đã mua 30.000 bản phim trong bộ sưu tập của Maier với giá 400 USD. Lúc đó, sử gia không chuyên này đang cố gắng tìm những bức ảnh để đưa vào cuốn sách về Chicago chứ không hề có ý định bảo tồn các bức ảnh của Maier.
Được coi là một trong những nhiếp ảnh gia đường phố Mỹ nổi tiếng nhất nhưng danh tiếng chỉ đến khi bà đã khuất. Những năm cuối đời, Maier gần như "không xu dính túi" và gần như bị đuổi ra khỏi căn hộ thuê với giá "bèo". Gia đình Gensburg, gia đình bà từng làm thuê cho họ trong những năm 1970, đã giúp bà thoát được cảnh đó. Maier qua đời năm 2009, ở tuổi 83.
Một thời gian ngắn sau khi Maier từ giã cõi đời, Maloof đã cố gắng "lần theo dấu vết" của nữ nhiếp ảnh gia và qua Internet biết được bà đã khuất.
Không dừng lại, Maloof tiếp tục tìm hiểu câu chuyện của Maier và liên hệ với một số người biết bà. Maloof đã có một cuộc bàn thảo về Maier trên Flickr và nhờ đó những bức ảnh của bà đã được lan truyền rất nhanh. Sau đó, Maloof bắt đầu quảng bá các bức ảnh của Maier và "scan" di sản ảnh của bà.
Maloof còn quyết định làm phim tài liệu về công việc "thám tử" đầy ám ảnh của mình khi ông cố gắng tìm hiểu tại sao một người vú em lại chụp những bức ảnh đó. Bộ phim tài liệu Finding Vivian Maier đã đoạt nhiều giải thưởng và được đề cử giải Oscar Phim Tài liệu hay nhất năm 2013. Câu chuyện của Maier khác hẳn với những câu chuyện đam mê nghệ thuật thường thấy và nhờ đó khiến nó càng trở nên lôi cuốn.
Dù vậy, Maloof cũng gặp những vấn đề về bản quyền, khi phải giải quyết cuộc tranh chấp với một người anh họ của Maier. Chưa kể, từ từ năm 2014, người điều hành tổ chức di sản của bà Maier đã tìm ra những người thừa kế khác và đến hồi tháng 6 đã có 10 người anh em họ xa đã được xác định.
Vấn đề bản quyền phải mất nhiều năm để giải quyết .Và việc quảng bá tác phẩm của người phụ nữ đã khuất này cũng gây nhiều tranh cãi trong thế giới nghệ thuật. Nhưng chắc chắn, chúng không thể che mờ di sản ảnh mà bà để lại.
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất