07/03/2018 16:17 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Vì sao lại lại ngoại tình và nguyên nhân nào những người vợ, người chồng đi đến ngoại tình?
Đó là câu hỏi không mới nhưng đã được bạn đọc đặt ra nhiều nhất cho các diễn giả tại buổi tọa đàm “Ngoại tình trong văn chương : những bản tình ca dang dở” vừa diễn ra tại Hà Nội nhân dịp xuất bản hai cuốn sách Một buổi sáng khó quên và những bản tình ca dang dở của Francoise Sagan và Chuyến tàu định mệnh của Georges Simenon.
Tất cả chúng ta đều ngoại tình
Trả lời câu hỏi trên, nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương, một trong ba diễn giả cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến ngoại tình là do tính sở hữu, sự cẩu thả trong tình cảm.
"Con người có một tính cách rất kỳ lạ, là khi đã sở hữu được cái gì thì thường yên tâm nó sẽ là của mình và thường không chăm lo hay sợ mất nó nữa. Thậm chí khi đã sở hữu được rồi thì người ta lại cẩu thả tình cảm của mình trong mối quan hệ ấy" – nhà báo Quỳnh Hương nói.
"Xưa kia, các cụ có câu: “Phu phụ tương kính như tân”, nghĩa là vợ chồng đối xử với nhau phải kính trọng như khách. Vợ chồng luôn cho nhau một khoảng không để thở, để mọc mầm và tưởng tượng, không sở hữu nhau đến mức gây tổn thương. Nó giống như người chơi diều, càng lỏng tay với sợi dây thì con diều càng bay cao. Ngược lại trong tình cảm, càng muốn sở hữu, càng muốn buộc nó lại và hẹp hòi với nó thì nó sẽ không còn... phập phồng nữa".
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, về mặt sinh học, ở những con vật có thể có việc nhiều con đực tranh giành một con cái nhưng đó hoàn toàn là về mặt bản năng và sinh lý. Vì thế tính sở hữu ở con người hoàn toàn là do tình cảm, không muốn chia sẻ và pháp luật cho chúng ta tờ hôn thú chính là bảo vệ cái đó.
"Simone de Beauvoir (1908-1986) - nhà văn và nhà triết học người Pháp từng có câu nói rất nổi tiếng: 'Không phải người ta sinh ra đã là đàn bà, mà là con người biến thành đàn bà'. Ý bà muốn nói xưa nay phụ nữ bị coi là người “thuộc một giống khác” với đàn ông, chỉ là loại người “thứ yếu” bên cạnh loại người “chủ yếu”. Vì thế, đấu tranh cho vấn đề nữ quyền là đấu tranh quan điểm áp đặt cho phụ nữ với đủ thứ, nào là 'tam tòng tứ đức', 'đàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp'... Chỉ bằng cách làm việc, có nghề nghiệp, người phụ nữ mới có thể giành được sự tôn trọng của xã hội".
Ông Nguyên cũng cho rằng, sở hữu là sự phát triển của xã hội. Xưa kia người phụ nữ chỉ cần có một người đàn ông để sinh con đẻ cái cho họ, còn họ (người đàn ông) có trách nhiệm đảm bảo cuộc sống cho phụ nữ. "Bây giờ vấn đề tình cảm được đề cao hơn nên khi đó mới nói đến tính chất sở hữu. Vì vậy đừng tưởng lúc nào ta cũng sở hữu. Chế độ một vợ một chồng chỉ mới gần đây thôi và nó là một bước phát triển văn minh. Và tôi cho rằng vấn đề sở hữu là vấn đề của tinh thần, tình cảm", ông Nguyên lý giải.
Thường khi nói đến ngoại tình là người ta đã thành vợ thành chồng. Vợ chồng giống như hai cái vòng tròn, ở một tiếp điểm nào đó gắn với nhau rất chặt, nhưng 4/5 còn lại là nó hướng ra ngoài. Nếu không khéo thì cái tiếp điểm của hai vòng tròn kia nó sẽ bung ra. Và tôi phải thẳng thắn nói rằng, tất cả chúng ta đều ngoại tình trong tâm tưởng, chỉ có điều, có những người, có những hoàn cảnh hoặc có những thúc bách nào đó khiến nó biến thành thực tế. Không ai dám khẳng định cả đời tôi chỉ 'sống chết' với một người được".
Hơn cả chuyện tình yêu hay ngoại tình
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các diễn giả đã giới thiệu đến bạn đọc hai cuốn sách “Một buổi sáng khó quên và những bản tình ca dang dở” của Francoise Sagan và “Chuyến tàu định mệnh” của Georges Simenon.
Chuyến tàu định mệnh kể câu chuyện về Marcel và Anna, cùng chuyến tàu hỏa huyền ảo, vào thời điểm chiến sự bắt đầu bùng nổ tại châu Âu, mùa hè năm 1940. Không ít chi tiết thuộc tiểu sử của Simenon đã đi vào Chuyến tàu định mệnh, cũng theo cách thức tự nhiên giống như bản thân cuốn tiểu thuyết lớn mặc cho vẻ bên ngoài rất giản dị này.
Một buổi sáng khó quên và những bản tình ca dang dở gồm 17 truyện ngắn, được giới thiệu là mười bảy bối cảnh không gian, thời gian, là những biến cố bẻ ngoặt cuộc đời các nhân vật theo những con đường không ai biết trước. Với giọng điệu phiền muộn pha lẫn hài hước, Françoise Sagan không chỉ gợi lên nỗi ám ảnh về cuộc đời, nơi quá khứ được phản chiếu và tương lai dễ thay đổi, mà còn chạm tới những xúc cảm chân thật trong mỗi người đọc.
Nhận xét ngắn gọn về hai cuốn sách này, nhà báo Quỳnh Hương nói: "Chúng ta hãy bỏ qua những định kiến về ngoại tình hay nội tình để bước vào hai tác phẩm này. Có thể nói đây là hai tác phẩm đẹp, mang lại những khoái cảm khác đó là giúp người đọc được thưởng thức một cái gì đó rất là tuyệt mỹ.
Đồng thời nhận thấy điều mà nhà văn viết còn lớn hơn cả chuyện về tình yêu hay ngoại tình, đó chính là sự sống. Sống như thế nào cho đáng sống.?! Sống như thế nào để đừng trôi đi một cuộc đời một cách phí phạm, quá nhợt nhạt hoặc cuộc đời quá tội nghiệp".
Biến thái quá tất sẽ hóa "tai họa" "Nếu nhìn dưới góc độ đạo đức xã hội, vấn đề ly hôn là cái gì đó rất xấu, rất không tốt. Nhưng đối với các nhà kinh tế thì họ lại cho đó là chỉ số của sự phát triển vì người phụ nữ đã có thể độc lập về kinh tế, không còn phụ thuộc vào người đàn ông như trước kia nữa. Cũng giống như bây giờ, xu hướng các bà mẹ đơn thân chính là đã giải phóng được tư tưởng xã hội. Cho nên, suy cho cùng vấn đề sở hữu là một vấn đề thuộc phạm trù xã hội. Tất nhiên nếu biến thái quá thì sẽ thành ghen tuông và dễ dẫn đến những hệ quả xấu", phát biểu của ông Phạm Xuân Nguyên. |
Bài và ảnh: Phạm Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất