26/07/2018 21:57 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Ngày thứ 3 sau sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi, huyện Sa Nạm Xay, tỉnh Attapeu, khi mực nước trên thung lũng huyện Sa Nạm Xay đang bắt đầu rút xuống, nhóm phóng viên TTXVN mới tiếp cận được tâm lũ với sự đồng ý của chính quyền huyện Sa Nạm Xay.
Tan hoang sau lũ lớn
Sau nhiều nỗ lực, sáng 26/7, nhóm phóng viên TTXVN bắt đầu được phép tiến vào tâm lũ. Con đường độc đạo dẫn vào 13 bản của huyện Sa Nạm Xay ngập ngụa trong bùn non, nhiều đoạn bùn non cùng với nước lũ ngập nửa bánh xe khiến chiếc xe Fotuner gầm cao phải gầm rú hết ga mới vượt qua được.
Bản Khốk Koong (Khuốc Koong) nằm trên trục đường dẫn vào khu trung tâm của sự cố, nước đã bắt đầu rút. Một số hộ dân ở đây đã bắt đầu trở về nhà để dọn dẹp, tìm kiếm những của cải còn mắc lại giữa lớp phù sa đặc quánh. Khuôn mặt mệt mỏi sau những ngày tránh lũ, gia đình anh Tụi Khăm Đi ở bản Khốk Koong vẫn chưa hết bàng hoàng. Giây phút cả nhà nháo nhào tháo chạy khi dòng nước hung tợn hùa về kéo theo cây cối làm anh rụt người lại mỗi khi nhắc đến. Chỉ trong một thời gian ngắn, căn nhà sàn gỗ cao ráo bị nhấn chìm trong biển nước. Anh kể: "Lúc đó nước về nhanh lắm, tôi chỉ kịp kéo vợ cùng đứa con nhỏ bỏ chạy, không kịp mang theo thứ gì. Bây giờ mọi thứ đều bị lũ cuốn trôi, không biết đến bao giờ mới làm lại được".
Đi sâu vào phía tâm lũ, những ngôi nhà tại bản Thahin (Thà Hỉn), bản May (Mày) đều đang ngập chìm trong mênh mông nước. Trên chiếc xuồng dẫn vào khu vực bản Thahin, những gì nhóm phóng viên TTXVN chứng kiến được là khung cảnh điêu tàn với hàng trăm ngôi nhà đổ nát. Nhiều căn nhà gỗ đồ sộ bị dòng nước hung dữ cuốn phăng chỉ trơ lại những cọc bê tông trơ trọi. Nhiều khu vực, dấu tích về một bản làng nay đã không còn.
Người dẫn đường cho chúng tôi cho biết, trước đây chỗ này là một ngôi làng nhưng bây giờ chúng đã bị nước lũ cuốn trôi. Nước về nhanh quá, dân làng không kịp trở tay nên chỉ tháo chạy giữ tính mạng. Vẫn còn tâm trạng hoảng sợ, bà Nang Vong (Nang Vong), bản May kể: "Gia đình tôi có 10 người, mặc dù đã được cứu ra hết nhưng vẫn còn sợ lắm, lúc đó mọi người kéo nhau chạy rồi cứ thế nhìn nhà cửa bị cuốn trôi hết cả, lần đầu tôi thấy sự việc như vậy, giờ tôi vẫn còn sợ lắm".
Càng đi sâu vào phía trong, thảm họa vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi càng nặng nề. Nhiều ngôi nhà 2 tầng tại bản May, nước vẫn ngập hết tầng 1, mọi vật dụng trong nhà đều đã bị nước lũ cuốn trôi. Nhiều khu vực xác gia súc, vật dụng trong nhà, xe ô tô, xe máy mắc kẹt la liệt ở các thân cây, trên mái nhà…
Theo ông Oun Lạ Xay Nha Sith- Phó Tỉnh trưởng Tỉnh Attapeu, Chủ tịch Ủy ban phòng chống thiên tai tỉnh Attapeu cho biết: Khoảng 70% nhà cửa của hàng ngàn hộ dân đã bị hư hỏng hết. Đặc biệt, có 6 bản bị thiệt hại nặng nề nhất, như nhà cửa hỏng hóc, nước lũ cuốn trôi nhà cửa… với số lượng lớn. Nói chung là thiệt hại rất lớn, người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Khó khăn trong khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập
Thời tiết ở khu vực huyện Sa Nạm Xay đang diễn biến xấu, trời bắt đầu mưa trở lại khiến công tác cứu hộ, cứu trợ và khắc phục hậu quả sau sự cố vỡ đập thủy điện Sapien càng khó khăn. Đặc biệt, sau khi nước rút, vấn đề ổn định đời sống của người dân nơi vùng ảnh hưởng đang đặt ra nhiều thử thách.
Được trở về nhà sớm hơn so với các bản khác, ông Lay Thôn (Lạy Thôn), bản Khốk Koong, huyện Sa Nạm Xây, tỉnh Attapeu bàng hoang khi mọi vật dụng trong nhà đều đã bị cuốn trôi, số nằm lại trong nhà như tivi, tủ lạnh đều bị hư hỏng hoàn toàn. Chỉ trong phút chốc, toàn bộ tài sản của vợ chồng ông bốc chốc mất sạch. Ông kể: “Hai vợ chồng đóng cửa hàng đi về cấy lúa, khi đang cấy thì nước đổ xuống nên không biết gì cả, chỉ lo chạy lấy người, còn cái quán này thì vẫn đóng cửa, hôm nay về thì thấy tan hoang như thế này. Nhìn mà cảm thấy rất lo lắng, của cải mất sạch hết rồi, bao nhiêu vốn liếng đổ vào đầu tư giờ cũng mất luôn rồi”.
Cũng cùng chung nỗi lo như ông Lay Thôn, của cải của vợ chồng trẻ Tụi Khăm Đi- Bít nay chỉ còn chiếc xe máy. Lũ về quá nhanh khiến đôi vợ chồng trẻ chỉ biết ôm đứa con nhỏ chạy lên đồi cao. Vật dụng, lương thực trong nhà phó mặc cho dòng nước lũ. Sau 3 ngày lánh nạn tại bản khác, trở về trong khung cảnh tan hoang, anh lo sợ: "Bây giờ không còn gì nữa, trôi hết rồi. Không biết thời gian tới làm gì để kiếm lại những của cải trước đây".
Trả lời nhóm phóng viên TTXVN có mặt tại Lào, ông Oun Lạ Xay Nha Sith cũng lo ngại về công tác ổn định cuộc sống cho người dân. Ông cho biết: "Nếu ổn định cuộc sống cho người dân ở nơi cũ là rất khó, do nhà cửa đã hỏng hết, giờ nước chưa rút hết nhưng chúng tôi đánh giá 70% nhà cửa đã hư hỏng hết. Vì vây, nếu trở về nơi ở cũ trong thời gian sớm là rất khó, hướng trước mắt nhằm ổn định cuộc sống cho người dân là chúng tôi dựng tạm nha cửa tại khu vực trung tâm huyện trước, giúp đỡ tạo điều kiện để người dân dần ổn định cuộc sống, sau đó chúng tôi mới xây dựng kế hoạch, xem xem ở nơi ở cũ có thể khôi phục lại được không, cái này cũng chưa rõ, nhưng giờ trước mắt chúng tôi phải ổn định cuộc sống cho người dân trước"./.
Quang Thái (Phóng viên TTXVN từ Sa Nạm Xay, tỉnh Attapeu, Lào)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất