Thế hệ vàng của M.U: Những bông hoa trên đá

20/05/2013 13:11 GMT+7

(lienminhbng.org) - Khi Sir Alex Ferguson tuyên bố nghỉ hưu vào tuần trước, như một lẽ hiển nhiên, người ta nhắc lại giai đoạn thành công của ông ở M.U và Aberdeen. Nhưng thực tế, Ferguson phát triển các nguyên tắc quản lý của mình trước khi giành cúp châu Âu để trở nên nổi tiếng.

Nguyên tắc của Ferguson là kỷ luật

Năm 1977, CLB St Mirren của Ferguson kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, nên ông mời Liverpool đến sân Love Street để đá giao hữu. Thỏa thuận đưa ra: HLV Bob Paisley của Liverpool phải đưa đội hình mạnh nhất đến Scotland đá với St Miren, trước sự chứng kiến của 20.000 khán giả, vào một đêm tháng 12 lạnh giá.

Các cầu thủ St Mirren hy vọng, HLV Paisley sẽ tung đội hình yếu ra sân, nhưng ông này không làm thế. HLV Liverpool chọn ra 11 cầu thủ giỏi nhất, bắt Ferguson phải làm việc thật sự.

HLV mới 35 tuổi, cùng với đội trưởng đội bóng mới 20 tuổi, nói với các cầu thủ rằng đây là cơ hội làm nên tên tuổi của họ. Họ sẽ được đá với một đội bóng lớn, những nhà vô địch châu Âu, nên sẽ có cơ hội chứng tỏ. Ấn tượng bởi suy nghĩ ấy, các cầu thủ của Ferguson đã ra sân và chiến đấu, xuất sắc cầm hòa Liverpool 1-1.

Ferguson đã kích thích cầu thủ của mình như thế, ném tất cả những tinh hoa của đội bóng vào một trận giao hữu, cứ như thể trận ấy sẽ quyết định đời họ. Khi hai đội gặp nhau tại bữa ăn ở một khách sạn địa phương, chỉ có một đội sử dụng rượu miễn phí của khách sạn, là Liverpool. Các cầu thủ của Ferguson đã hứa không uống rượu, và họ làm đúng như thế. Ferguson luôn để mắt đến cầu thủ của mình, xem họ có làm đúng luật lệ ông đề ra hay không. Nhiều HLV ở thập kỷ 70 khẳng định cầu thủ của họ không uống rượu, nhưng ít người làm sát sao như Fergie.

Khổ hạnh để thành công

“Bầy chim non của Fergie”, cách người ta gọi những cầu thủ trẻ Ferguson đào tạo, bị cho là đã thành công nhờ may mắn, hoặc lên hương nhờ ảnh hưởng của hiệu ứng Eric Cantona.  Tuy vậy, để thành công, những cầu thủ ấy đã bị ném vào môi trường giáo dục hà khắc, theo quy chuẩn Ferguson đặt ra.  Không phải tài năng thiên bẩm, sự chăm chỉ mới được cổ súy. Không phải những gã ưa vẽ vời, những công nhân được đề cao. Ngày giải nghệ, khi được hỏi rằng bản thân muốn được nhớ đến với hình ảnh nào sau khi treo giày, David Beckham nói: “Tôi chỉ muốn mọi người thấy tôi là một cầu thủ chăm chỉ, yêu các trận đấu, luôn cống hiến hết mình trên sân…”

Cách nói của Becks gợi nhớ đến đồng đội cũ Gary Neville, người mô tả đời cầu thủ như một bài ca về kỷ luật và đức tính chăm chỉ, trong cuốn tự truyện mang tên “Red”: “Tôi sẵn sàng từ bỏ mọi thứ trong đời, trừ bóng đá và gia đình”, Neville viết. “Khi còn thi đấu, nếu tôi có trận vào thứ Bảy, thì tôi sẽ đi ngủ vào 9 giờ 15 phút thứ Năm và thứ Sáu. Tôi là Robot. Tôi bỏ rơi bạn bè ở trường và không bao giờ gặp lại họ nữa. Tôi quyết định phải tàn nhẫn, tự hứa sẽ kết bạn với những đồng đội, những người cùng mục tiêu. Từ năm 16 đến 20 tuổi, tôi rời bỏ phụ nữ, những người luôn muốn đến rạp chiếu phim hoặc quán bar vào thứ Sáu”.

Liệu một chàng trai 19 tuổi nào dám “từ bỏ phụ nữ”, chỉ bởi cô ta muốn “đến rạp chiếu phim hoặc quán bar vào thứ Sáu”? Gary Neville, cũng giống như Paul Scholes, chỉ biết đến bóng đá và bóng đá. Trong cuốn tự truyện My Story, Scholes viết: “Tôi yêu bóng đá đến ngơ ngẩn. Khi học trung học, tôi sẽ đến trường trước nửa tiếng để đá bóng ở sân trường. Có khi tôi đá với bạn, nhưng thường thì tôi đá một mình. Tôi hạnh phúc, miễn là tôi có quả bóng”.

Trong cuốn sách phỏng vấn cầu thủ M.U những năm 1990 mang tên “Glory Glory”, Nicky Butt kể câu chuyện về trận ra mắt của anh ở đội trẻ M.U trước Blackburn: “Tôi muốn gây ấn tượng tốt. Nhưng với sự nhiệt tình, tôi thi đấu quá điệu đà. Eric Harrison (HLV đội trẻ M.U khi đó) mắng tôi một trận ra trò, dọa sẽ không cho tôi chơi bất cứ trận nào nữa. Ông ấy hỏi tôi đã nghĩ cái quái gì mà chơi như thế? Và tôi nghĩ ông ấy đúng”.

Neville, Scholes, Butt hay Beckham, không sở hữu đôi chân khéo léo thiên bẩm của một nghệ sĩ sân cỏ. Nhưng chính những lần đá bóng một mình trước giờ học của Scholes, những buổi tập đá phạt mệt nhoài của Beckham, bài học về sự nghiêm túc của Butt, hay tính khổ hạnh của Neville, giúp họ trưởng thành. Sự khổ luyện, đặt trong luật lệ hà khắc từ chính bản thân các cầu thủ, và từ Ferguson, làm nên những cậu bé Vàng của M.U.

Đỗ Hiếu (theo Guardian)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm