Vô địch V-League rồi sao nữa Nam Định?

28/06/2024 05:30 GMT+7 | Bóng đá Việt

Với một đội bóng mà hơn 3 năm trước suýt xuống hạng đến 3 lần, thì vô địch đã là đỉnh cao chói lọi, mong đợi gì hơn được nữa. Nhưng ở một khía cạnh khác, cũng mong Nam Định không đi vào vết xe đổ của Quảng Nam. Vì như thế chức vô địch lịch sử sẽ trở nên kém giá trị.

Nam Định vô địch không phải là câu chuyện cổ tích, bởi với việc tăng cường lực lượng mạnh mẽ như vậy, thì không vô địch… quá phí.  Nhưng Nam Định vô địch là chuyện "cả nhà cùng vui". Một chức vô địch rất nhiều ý nghĩa, có giá trị hình ảnh rất lớn.

Vì mới mấy năm trước thôi, từ người yêu bóng đá trung lập cho đến các nhà tổ chức, ai cũng mong Nam Định đừng "buông tay" xuống hạng. Họ là đội bóng yếu, thế mà trong 7 mùa đá V-League kể từ khi thăng hạng thì hết 5 mùa là đứng đầu về lượng khán giả đến sân.

Một đội bóng như thế, ai mà không mong họ có một lần vô địch V-League. Những gì tuyệt nhất của bóng đá, đều có ở thành Nam. Họ vô địch, chính là cái kết đẹp đẽ nhất định nên đến với làng cầu này. Cũng vì vậy, mới phải hỏi: Rồi sao nữa?

Vì dù không đúng lúc, thì cũng phải nhìn nhận rằng chức vô địch của Nam Định có tính bền vững rất kém. Sự lệ thuộc vào tiền đạo Rafaelson, kinh nghiệm cầm quân vẫn chưa thực sự ổn của "tướng trẻ" Vũ Hồng Việt, đã khiến cho Nam Định chơi thất thường ở phần cuối mùa giải dù họ là đội ít bị ảnh hưởng về mặt nhân sự nhất so với các CLB khác.

Đó là chưa kể, mùa giải này các ứng viên khác cứ "tự bắn chân mình" khiến cho con đường đến danh hiệu của đội chủ sân Thiên Trường cứ "bất chiến tự nhiên thành". Việc để cho tất cả các đội tại V-League, từ mạnh đến yếu ghi bàn, cũng là một vết gợn trên danh hiệu của Nam Định. Họ mạnh nên vô địch, nhưng liệu họ có mạnh nhất giải hay không, thì đó vẫn là câu hỏi.

Vô địch, rồi sao nữa thành Nam? - Ảnh 1.

Nam Định khó có thể duy trì sức cạnh tranh lâu dài nếu như cứ phụ thuộc quá mức vào khả năng ghi bàn của Rafaelson. Ảnh: Song Ngọc

Nên nhiều hay ít thì người ta cũng phải nhớ đến trường hợp của Quảng Nam. Năm 2017, chức vô địch của đội bóng xứ Quảng gây bất ngờ, thậm chí còn bị ngờ vực là có sự giúp đỡ của "người anh em" Hà Nội T&T. Thực tế thì chỉ 4 năm sau, Quảng Nam xuống hạng.

Trong lịch sử V-League, cũng có các nhà vô địch sa sút sau khi đăng quang, nhưng từ đội mạnh nhất nhanh chóng trở thành một đội xuống hạng thì chỉ duy nhất trường hợp Quảng Nam. Sau này nhìn lại, người ta vẫn không hiểu làm sao họ lại có thể đăng quang được.

Ở chiều ngược lại, những đội bóng từng chia sẻ sự thống trị của Hà Nội FC như Thể Công Viettel hay CAHN đều có những động thái mạnh mẽ sau khi lên ngôi. Nghĩa là họ vẫn giàu sức cạnh tranh kể cả khi không còn mạnh nhất.

Quan trọng là họ có nguồn lực để duy trì, thể hiện tham vọng rất rõ ràng để giữ mình trên đỉnh cao. Cứ lấy con số tuyển thủ quốc gia để dẫn chứng. Nói cách khác, họ không vô địch nhưng vẫn là đội rất mạnh và bóng đá Việt Nam nói chung hay V-League cần điều đó hơn là "chuyện cổ tích" của Quảng Nam.

Với những chất liệu đã đưa họ đến danh hiệu lịch sử, không khó để thấy muốn duy trì sức mạnh thì Nam Định phải đầu tư thêm nhiều nữa. Đội hình của họ có sự thiếu cân đối, HLV của họ không phải là một nhà chiến thuật lão luyện, lối chơi của họ dễ bị bắt bài nếu thiếu yếu tố cá nhân của các ngoại binh tốt.

Về cơ bản, đội bóng này mà thiếu 1-2 vị trí trụ cột thì sẽ ngay lập tức rất khó thắng được ai, vì phẩm chất rất cần thiết cho một đội bóng mạnh là "cá tính" lại rất nhạt nhòa ở Nam Định.

Câu hỏi là: các nhà  đầu tư của Nam Định chỉ muốn thắng một trận đánh hay là cả cuộc chiến? Nam Định là nền bóng đá có truyền thống, đem lại vô số giá trị mà không ai có được. Khi họ yếu, người ta đã yêu. Sẽ tuyệt vời nếu họ luôn có được sức mạnh để khiến cho V-League đáng xem hơn những năm sau này. 

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm