Vở kịch cảm tác từ 'Dòng nhớ' của Nguyễn Ngọc Tư: Dù còn những điều tiếc nuối...

02/09/2015 20:17 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Truyện ngắn Dòng nhớ của Nguyễn Ngọc Tư đã từng được dựng thành kịch và cải lương cùng tên. Mỗi một tác phẩm chuyển thể đều để lại một dư âm đặc biệt trong lòng người xem. Vì lẽ đó mà cũng chẳng ngạc nhiên khi Bao giờ sông cạn (tác giả Hạnh Thúy - biên tập Hoàng Thái Thanh - đạo diễn Ái Như) cảm tác từ Dòng nhớ tiếp tục khiến khán giả yêu kịch bồi hồi.

1. Bao giờ sông cạn trước tiên cho thấy cách làm kịch chỉnh chu và tỉ mỉ đến từng chi tiết của Hoàng Thái Thanh. Mọi thứ xuất hiện trên sân khấu đều được nghiền ngẫm và chắc lọc.

Chiếc xuồng ba lá neo trên sông với những dề lục bình trôi gây ấn tượng mạnh nhất về hình ảnh miền sông nước, bối cảnh chính của truyện ngắn Dòng nhớ, cho dù trong truyện ngắn chỉ nói đến con sông mà không miêu tả hình dáng nó thế nào? Đạo diễn đã sử dụng tính ước lệ vẽ nên hình ảnh gây nhiều ấn tượng.

Trên chiếc thuyền bé nhỏ đó là một thân phận bé nhỏ của cô Thà (Hoàng Vân Anh). Cái tướng cô Thà đứng khum lưng rặn đẻ xấu xí làm sao nhưng cũng rất chân thật và cảm động.

Đứa trẻ đẻ non trên một con xuồng nhỏ ở một bến sông vắng cho thấy thân phận buồn của một kiếp người. Nghiệt ngã hơn, đó là cái ngày mà cha nó bị bắt buộc cưới người đàn bà khác làm vợ.


Cảnh trong “Bao giờ sông cạn” - Niềm hạnh phúc nhất thời của người này là nỗi đau của người khác

Chiếc chiếu bông được viết dòng chữ "Trăm năm hạnh phúc" đặt trong nhà Bà Hai (Xuân Hương) cho thấy đạo diễn rất hiểu về văn hóa Nam bộ.

Nó không chỉ được dùng làm khung nền mà còn cho người xem - nhất là thế hệ trẻ biết rằng đã có một thời kỳ biểu tượng hạnh phúc lứa đôi chính là chiếc chiếu bông đơn giản và mộc mạc. Chi tiết này không xuất hiện trong truyện ngắn Dòng nhớ.

Nhân vật ông Út (NSƯT Thành Hội), Tư Mắm (Tuyết Mai), và Đợi (Hùng Thuận) cũng là nhân tố mới thuộc về Bao giờ sông cạn. Cái ý tưởng bà mẹ chồng tức bà Hai (Xuân Hương) khát khao đến một ngày dòng sông sẽ cạn để bà tìm hài cốt của chồng, hay mong muốn tột cùng của Mai (Tuyết Thu) đến một ngày dòng sông trước nhà bỗng nhiên cạn dòng là sáng tạo của tác phẩm sân khấu.

2. Có thể nói tiếng tát nước ghe dưới sông dội lên nhà của ông Chờ (Đoàn Thanh Tài) khiến cho mọi người bị “tra khảo thần kinh” là một chi tiết rất đắt trong Bao giờ sông cạn. Tiếng động vốn rất gần gũi với người dân miệt sông nước trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với những con người đã gây nên tội lỗi với người đàn bà đáng thương.

Chi tiết Đợi phát hiện ra mình là con trai của người đàn bà mà anh ta rẻ rúng để sau này phải hối hận có phần quá cũ kỹ nhưng nó cũng góp phần tạo nên sự mới mẽ nếu so với tác phẩm văn học gốc.

Đây chính là trường đoạn lấy nước mắt khán giả nhiều nhất vì sự cảm thương của tình mẫu tử. Một đoạn cuối đưa cao trào vở diễn lên cao - một phong cách thường thấy của kịch Hoàng Thái Thanh.

Tuy nhiên, không phải sáng tạo và chọn lựa nào trong Bao giờ sông cạn cũng hấp dẫn người xem. Nhân vật Tư Mắm nhận nhiệm vụ gây cười để cân bằng lại cảm xúc bi ai hình như là phần gia vị được người đầu bếp sử dụng quá liều.

Chi tiết “banh chân dạng háng, hay gãi nách sồn sột” của một người phụ nữ nhà quê đặt nhân vật này vào ranh giới mong manh giữa sự sáng tạo thú vị và phản cảm.

Đoàn Thanh Tài dù đã được Hoàng Thái Thanh tạo điều kiện tốt nhất nhưng diễn xuất thiếu tinh tế, đài từ yếu đã làm cho nhân vật Chờ mất đi sức hấp dẫn.

Xem toàn cục vở diễn, nhiều người cảm thấy tit nếc là lẽ ra nhân vậày phải sâu lắng hơn, tâm trạng hơn cộng với vẻ ngoài mạnh mẽ của một người đàn ông miền quê.

Dù có những điểm chưa hoàn chỉnh, nhưng Bao giờ sông cạn đủ sức tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem. Qua vở diễn này, một lần nữa Hoàng Thái Thanh khẳng định phong cách riêng của mình, khai thác triệt để dạng kịch tâm lý có chiều sâu chứ không thỏa hiệp với thị hiếu dễ dãi nhằm hướng tới lợi ích kinh doanh.

Tam Anh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm