'Bản quyền giải Ngoại hạng Anh luôn làm 'bỏng tay' không chỉ riêng ở thị trường Việt Nam'

01/12/2015 17:13 GMT+7 | Thể thao

(lienminhbng.org) - Hơn 21 năm gắn bó với nghiệp truyền hình, từ vị trí là phát thanh viên tiếng Anh đầu tiên của truyền hình Việt Nam, đến giám đốc bản quyền, và nhiều cương vị quản lý khác, nhà báo Nguyên Hạnh luôn có được sự trọng nể từ giới trong nghề, về cách nghĩ, cách làm tiên phong trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực bản quyền truyền hình

 Và đây cũng là nhân vật trong chuyên mục "Phỏng vấn" của Thể thao & Văn hóa cuối tuần với chủ đề chính liên quan tới "cuộc chiến" bản quyền truyền hình giải bóng đá Ngoại hạng Anh 2016-2019 đang diễn ra nóng bỏng.

* Thể thao & Văn hóa cuối tuần: Thưa bà Nguyên Hạnh, báo chí hiện dùng cụm từ "cuộc chiến" để nói về bản quyền truyền hình giải bóng đá Ngoại hạng Anh. Cá nhân bà có nghĩ, đó là "cuộc chiến" thực sự?

Bà Nguyên Hạnh: Có câu nói kinh điển “Thương trường là Chiến trường”, đâu chỉ bản quyền Ngoại hạng Anh mới tạo nên “cuộc chiến”! Đặt tên hiện tượng này là “sự cạnh tranh” hay “cuộc chiến” chỉ là cách nói, còn bản chất như nhau. Có khác chăng là ở độ nóng và quy mô của từng sự kiện, tuỳ tương quan cung-cầu. Riêng bản quyền giải Ngoại hạng Anh luôn ở nhiệt độ “sôi”, và làm “bỏng tay” không chỉ riêng ở thị trường Việt Nam.



Bà Nguyên Hạnh, Chủ tịch Công ty Giải trí - Truyền thông Q.net

* Nhưng dù có gọi dưới cái tên nào đi nữa, thì rõ ràng , bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh chưa bao giờ thuộc về các nhà đài Việt Nam mà luôn là các công ty nước ngoài, 3 mùa tới cũng không là ngoại lệ khi nó đã thuộc về MP & Silva. Họ mua và bán lại với giá cao hơn cho chính những đơn vị có quyền phát sóng trong nước. Nói một cách hình ảnh, chúng ta "nắm đằng lưỡi", trong khi trên thực tế hoàn toàn có thể "cầm đằng chuôi"? Bà nhận xét gì về thực tế này.

- Sao có thể mặc định ai đó thắng thầu khi mua sẽ đồng nghĩa với chắc lãi khi bán? Thương trường… hồi sau mới biết.  Nhà đầu tư luôn đối mặt với cả cơ hội và thách thức. Ai đang “cầm đằng chuôi”, ai đang “nắm đằng lưỡi”còn tuỳ góc nhìn. Riêng tôi luôn tin vào sự tự điều tiết của thị trường trong dài hạn, và sự thoả hiệp tích cực, hợp lý trong ngắn hạn, tránh mọi khuynh hướng cực đoan.

Nhìn về phía trước, tôi nghĩ rằng, thay vì lên án ai đó thắng thầu là mưu toan trục lợi, ta nên dành nhiều thời gian suy nghĩ xem tại sao ta thua thầu, và làm thế nào để lần sau ta thắng thầu? Chúng ta cần cùng nhau học hỏi, tìm hiểu thấu đáo mọi chi tiết trong quy trình tham gia đấu thầu, tìm hiểu cách phân bổ giá của đơn vị mời thầu, tiềm năng của các đơn vị quốc tế có khả năng cùng dự thầu, và tính khả thi của ý tưởng hợp tác đồng dự thầu giữa các đơn vị trong nước.

Mặt khác, cần soi kỹ lại mục đích và kỳ vọng của từng đơn vị trong nước, giả như khi ta thắng thầu giải Ngoại hạng Anh. Để sinh lời? Hay phục vụ công tác tiếp thị, nâng cao giá trị thương hiệu của nhà đài nhờ sự vượt trội về nội dung? Vế thứ hai là chắc chắn, nhưng cũng chỉ có giá trị 3 năm một kỳ thắng thầu. Vế một thì không. Nếu biết rằng chỉ chắc đạt được vế thứ hai, trong ngắn hạn 3 năm mỗi kỳ, thì việc mua độc quyền cả giải với giá cao ngất đâu phải là sự lựa chọn hợp lý. Nó còn có thể trói nhà đài ở thế “cưỡi lên lưng hổ” cho những kỳ tiếp theo. Nhà đài phải thật thành công về quy mô, để đảm bảo những kỳ sau tiếp tục đủ lực mua độc quyền.


Nếu V-League hấp dẫn hơn, chắc chắn Ngoại hạng Anh sẽ “giảm nhiệt” tại Việt Nam. Vấn đề là đến bao giờ?

* Và cũng có 1 thực tế khác, đã đành là bản quyền giải Ngoại hạng Anh tăng và tăng rất mạnh trên khắp thế giới trong vài thập kỷ qua. Nhưng có vẻ như chính cuộc chạy đua của các nhà đài trong nước cũng là nguyên nhân khác khiến giá bản quyền phát sóng tại Việt Nam còn... tăng cao hơn! Ý kiến của bà ra sao?

- Đừng vội trách các nhà đài.  Chỉ trích ai đó thì dễ. Hiểu và chia sẻ chân thành mới là điều nên.

 BTC Giải Ngoại hạng Anh (FAPL) nghiên cứu từng thị trường rất kỹ. Họ đánh giá sức mua của thị trường Việt Nam bằng các phương pháp tính toán đã từng giúp họ dự đoán "sát ván" sức mua ở các thị trường tương tự như Việt Nam, nhưng đi trước Việt Nam khoảng một vài thập niên. Họ hiểu rõ Việt Nam có dân số 93 triệu, 7 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, khoảng 100 kênh truyền hình quảng bá, cộng thêm khoảng 100 kênh truyền hình trả tiền trong nước, và bóng đá là môn thể thao “vua” với số người hâm mộ áp đảo các môn thể thao khác… Tất nhiên họ cũng hiểu thu nhập quốc dân trên đầu người ở Việt Nam chỉ khoảng 2.300 USD/năm. Những con số này là công khai trên báo chí, không có gì bí mật. Tổng hợp lại, họ sẽ có công thức tính, để đạt được "một lát của chiếc bánh doanh thu" trên thị trường truyền hình, bao gồm cả quảng bá, trả tiền và trên mạng Internet.

Các đơn vị trong nước chưa bao giờ thắng thầu phần nào bởi bên đặt giá (FAPL) và bên dự thầu nước ngoài (IMG, MP&Silva…) có cùng tư duy thị trường, nên các con số họ đưa ra dễ khớp với nhau hơn. Việt Nam thường kỳ vọng mức phí trên cơ sở cộng cơ học thêm khoảng 10% đến 20% giá trị của 3 mùa trước. Cũng có những đơn vị rất quyết tâm, và đặt giá không nhỏ, nhưng vẫn chưa tới vạch bứt phá ở mức vượt 10% so với đơn vị kế tiếp ngay ở lần bỏ giá đầu tiên…

Về mức giá, bạn thử nghĩ xem, liệu tư duy của các nhà đài ở Singapore có thua kém gì phương Tây đâu? Singapore đứng thứ hai trên thế giới về thu nhập bình quân trên đầu người, có nghĩa là tư duy kinh tế của họ phải rất hiệu quả. Vậy mà Singtel vẫn phải chi ra khoảng 300 triệu USD cho 03 mùa giải tới, với dân số chỉ khoảng 5 triệu. Tính vui, trung bình mỗi người dân gánh mức phí 60 USD/3 mùa bóng.



Giải ngoại hạng Anh là món ăn tinh thần không thể thiếu của người hâm mộ Việt Nam

Tôi đã từng tới thăm trụ sở của BTC Giải ngoại hạng Anh tại số 30 Gloucester Place London, đàm đạo với nhóm phụ trách trực tiếp việc ra điều kiện thầu. Qua câu chuyện, tôi hiểu rằng họ luôn chủ động trong việc định giá cho từng thị trường từ trước khi gửi đi hồ sơ mời thầu. Và trong hầu hết các trường hợp, chỉ khi đạt được con số dự thầu tối thiểu bằng con số họ ngầm định giá trước khi chào thầu, thì họ mới chốt thầu. Phải ghi nhận là họ quá thành công trong việc ép giá, không chỉ ở thị trường quốc tế, mà trên chính thị trường nước Anh. 3 mùa bóng 2016-2019 giá bản quyền trong nước Anh là 5,136 tỷ bảng, tăng 71% giá trị bản quyền Ngoại hạng Anh của 3 mùa giải trước. Tính vui,  trung bình mỗi người dân gánh mức phí 130 USD/3 mùa bóng.

Tất nhiên, Việt Nam không phải là Singapore và cũng không phải là nước Anh. Ta có quyền ra quyết định theo ý mình. Điều kiện hợp lý thì mua. Không phù hợp, thì bỏ, không mua. Nhưng, cần nhìn nhận trực diện, vì sao ta vẫn đang theo đuổi? Bởi ta chưa có  nội dung thể thao giải trí tương tự, để lấp khoảng trống khi không mua được Ngoại hạng Anh. Và chúng ta lại muốn khán giả được hưởng hàng xa xỉ với giá hợp lý và hợp pháp.

Đường dài, nếu V-league hấp dẫn hơn, chắc chắn Ngoại hạng Anh sẽ “giảm nhiệt” tại Việt Nam. Vấn đề là đến bao giờ? Thay bằng bóng đá, từng đài cũng có thể tập trung xây dựng cho mình một vài nội dung giải trí chủ chốt, đủ sức hấp dẫn và khác biệt, khán giả khi đó sẽ không quay lưng lại với đài trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cân bằng nội lực với ngoại lực là kim chỉ nam cho hành động. Đặt quá nhiều xúc cảm, và đây đó là cả sự giận dữ, vào một sản phẩm không thuộc sở hữu, không thuộc tác quyền của mình, mỗi khi đến dịp đấu thầu, nên hay không?

* Được biết, cùng với sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam và các thành viên là những đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đã cam kết sẽ liên kết để mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh 3 mùa tới theo hướng không độc quyền và không mua quá  20% giá gốc. Tuy nhiên, khả năng "xé rào" là vẫn có thể xảy ra, thậm chí, tình huống 1 đơn vị nước ngoài khác mua lại và liên kết với 1 đài trong nước như trước đây vẫn có thể xảy ra. Bà nghĩ sao về tình huống đó.

- Tôi thật sự không nghĩ mình có quyền luận bàn về điều này. Kinh tế thị trường, các doanh nghiệp được quyền làm những điều nhà nước không cấm. Nếu Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam đưa ra được phương thức hợp tác hài hoà, còn gì lý tưởng hơn. Nhưng, điều cần lưu ý là sự hợp tác giữa các đơn vị đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên thị trường, dù ở bất cứ quốc gia nào, cũng chưa bao giờ là dễ. Và còn có những đơn vị tiềm năng, nhưng không là thành viên của Hiệp hội, những phương thức phân phối dựa trên công nghệ mới phát triển, không như ngày hôm qua.

Kinh tế thị trường hấp dẫn bởi luôn có yếu tố bất ngờ, không “nhất thành, bất biến”, không áp đặt theo kế hoạch. Tôi nhìn nhận quá trình này như một cuộc chơi hấp dẫn, một quá trình bổ sung kiến thức và rèn luyện kỹ năng trong kinh tế thị trường cho tất cả các bên liên quan, và sẽ hữu ích cho nhiều nội dung khác nhau trong quá trình hội nhập, không chỉ với riêng với cuộc chiến bản quyền Ngoại hạng Anh.

*  Là một người nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực khai thác bản quyền, bà thấy sao khi dù bản quyền giải Ngoại hạng Anh được xem là khá nóng, nhưng theo chính dân trong nghề thì việc khai thác lợi nhuận từ nó là rất thấp. Mặt khác, trong thị trường truyền hình trả tiền hiện tại, với giá thuê bao là khá thấp (nhằm giúp các đài mở rộng quy mô), thì kể cả việc có được bản quyền giải Ngoại hạng Anh thì thu cũng không đủ để bù chi? Chưa kể tình trạng lãng phí khi các đài phải chia nhỏ, hoặc mua những gói nhỏ giống nhau, khiến khán giả không được xem nhiều trận đấu.

- Truyền hình quảng bá dựa chủ yếu vào nguồn thu từ quảng cáo. Các đài quảng bá giờ không còn cạnh tranh mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh, bởi so với sức hút quảng cáo của cùng một khung giờ, nhiều nội dung giải trí khác hấp dẫn nhà quảng cáo hơn là bóng đá. Lý do là bóng đá Ngoại hạng Anh dù rất hấp dẫn, nhưng cũng chỉ thu hút nam giới xem, trong khi đó chương trình giải trí chung thu hút cả gia đình cùng xem, nâng tỷ lệ người xem lên tới gấp 3 đến 5 lần. Nhà quảng cáo chú tâm và chi tiền cho các chương trình có số lượng người xem lớn hơn.

Sự cạnh tranh giờ chỉ còn nóng bỏng giữa các đơn vị truyền hình trả tiền, vì nguồn thu của họ không chỉ phụ thuộc nhà quảng cáo. Họ kỳ vọng thu nhiều và ổn định hơn từ cước thuê bao của người hâm mộ. Và cũng bởi họ luôn mong muốn mang đến tất cả những nội dung hấp dẫn nhất cho khán giả của mình, vừa để phục vụ tốt hơn, vừa để giữ thuê bao không rời mạng.

Nhưng, trong nhiều trường hợp, lực bất tòng tâm. Không phải bất cứ đơn vị truyền hình nào, dù muốn, đều có thể mua gói cả 10 trận trong 1 tuần thi đấu để phục vụ hết mình cho khán giả. Nói điều này hơi nhạy cảm, nhưng thực lòng nhiều khi tôi bật cười với cách thức luận bàn về “quyền phát sóng của nhà đài, quyền hưởng thụ của khán giả” không trên cơ sở “trách nhiệm chi phí tương ứng”. Chúng ta đều biết, nguyên tắc chung trong mọi lĩnh vực là quyền đi liền với trách nhiệm, nghĩa vụ một cách hài hoà.Trong trường hợp riêng của giải Ngoại hạng Anh, chúng ta hãy luận bàn tới cái mức chi phí bản quyền nào là “hợp lý nhất trong điều kiện của Việt Nam trong 3 năm tới”, và cố gắng đàm phán để đạt được điều đó, chứ đừng níu kéo các quyền vô điều kiện, hoặc quyền được hưởng thụ với mức giá của nhiều năm đã qua.Thêm một chú giải nhỏ, Ngoại hạng Anh thuộc dạng hàng hiệu, xa xỉ, và có những lúc có tới 5 trận cùng trên một khung giờ, một người đâu xem trực tiếp cả 5 trận?

Chiến lược kinh doanh của từng đơn vị là khác nhau, mua gói lớn hay gói nhỏ số trận đấu, phụ thuộc vào chiến lược và khả năng, lợi nhuận cũng không đơn giản là bài toán lấy giá bán trừ giá mua của từng sản phẩm. Nó thường là bài toán tổng hoà, sản phẩm này có lãi, sản phẩm kia có giá trị nâng cao vị thế, củng cố thương hiệu, và có sản phẩm chỉ dành phục vụ công tác khuyến mãi, tuỳ thuộc chiến lược tiếp thị ở từng thời điểm khác nhau.

Tôi có chia sẻ, tư vấn cho một vài đơn vị, và là trong các cuộc họp riêng. Nhưng tôi không thấy mình có quyền bình luận gì nơi công cộng về các quyết định kinh doanh của người khác. Điều duy nhất chúng ta có thể chia sẻ chung là, trong mọi trường hợp, lợi thế luôn thuộc về những đơn vị đạt được vị thế kinh tế tầm quy mô (economy of scale), có nhiều nội dung hay, nhiều dịch vụ và có lượng thuê bao lớn, có thể điều hoà các mục thu – chi dễ hơn.

* Cuối cùng, với kinh nghiệm của mình, bà đưa ra ý kiến gì để có thể khép lại "cuộc chiến" vốn đã kéo quá dài này.

- “Cuộc chiến” này khó có thể khép lại được, chừng nào Giải Ngoại hạng Anh còn tiếp tục khẳng định tính thượng đẳng về chất lượng giải trí của mình như hiện nay. “Content is King – Nội dung (hấp dẫn) là Vua”, đó là niềm tin tuyệt đối của giới kinh doanh dịch vụ truyền hình toàn cầu. Đó là lối tư duy mà chúng ta nên trân trọng, để học hỏi, hội nhập.

Và vì sức hấp dẫn của Ngoại hạng Anh, nhiều quốc gia cùng vất vả với sứ mạng điều tiết hành lang pháp lý, nhằm giảm thiểu cung cách “áp đặt” về mức phí bản quyền của BTC, giảm thiểu độ phụ thuộc của các nhà đài với giải bóng đá này, đồng thời vẫn tạo điều kiện để giới hâm mộ được thưởng thức các trận đấu bóng đá đỉnh cao.

Sắp thành lập Ban đàm phán mua bản quyền giải Anh

Sắp thành lập Ban đàm phán mua bản quyền giải Anh

Hôm qua (26/11), Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPay TV) đã gửi công văn cho các đơn vị thành viên để mời tham gia Ban đàm phán mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh 3 mùa giải 2016-2019.


 Theo quan sát của tôi, xử lý thấu đáo nhất, nhìn từ góc độ can thiệp của chính phủ, có lẽ là Singapore. Quy chế truyền hình trả tiền mới, có hiệu lực từ 12/3/2010, có thể tóm lược đơn giản: "Nếu có một đơn vị mua được độc quyền gói nội dung nào, thì đơn vị đó buộc phải có phương thức kỹ thuật cho phép thuê bao của các đơn vị cạnh tranh trực tiếp khác được kết nối mua gói nội dung này một cách dễ dàng, nếu họ có nhu cầu, và có thể thanh toán thẳng cước thuê bao hàng tháng cho bên có bản quyền mà không nhất thiết phải trở thành thuê bao của đơn vị giữ bản quyền, không phải mua bổ sung đầu thu (Set-top-box).

Về phần mình, đơn vị giữ bản quyền phải trả cho đơn vị không có bản quyền phí dịch vụ giúp truyền dẫn tín hiệu gói nội dung này từ đơn vị có bản quyền tới khách thuê bao của đơn vị không có bản quyền…”. Nhưng, lại phải bổ sung một chú giải nhỏ, truyền hình ở Singapore đã số hoá 100%, nên công nghệ hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của chính phủ. Ở Việt Nam hôm nay tồn tại song song cả công nghệ số (digital) và công nghệ tương tự (analog), nên cũng chưa thể áp ngay công thức quản lý của Singapore đối với toàn thị trường, cho dù các đơn vị có đạt được thoả thuận về nguyên tắc.

Việc Bộ Thông tin Truyền thông và Hiệp hội truyền hình trả tiền đều đang cùng vào cuộc một cách sát sao, mang lại hy vọng cho người hâm mộ về một bước ngoặt mang tính pháp lý, và một tiền lệ hợp tác hiệu quả giữa các đối thủ cạnh tranh trên thị trường truyền hình trả tiền, liên quan đến việc mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh. Chỉ là khả năng, hay sẽ khả thi, chúng ta cùng kỳ vọng.

* Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (Vnpay TV) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề xuất trực tiếp những vấn đề liên quan đến việc mua bản quyền giải bóng đá ngoại hạng Anh mùa giải 2016-2019.

Cụ thể, Vnpay TV đề xuất với Chính phủ những vấn đề xung quanh việc mua bản quyền giải ngoại hạng Anh – Premier League ở 3 mùa giải 2016-2019:

1/ Không mua bản quyền truyền hình giải bóng đá ngoại hạng Anh mùa giải 2016-2019 bằng mọi giá. Không mua với giá cao hơn 20% so với mức giá mùa giải 2013-2016.

2/ Mua toàn bộ những trận đấu của giải nhưng không có độc quyền.

3/ Thành lập nhóm đàm phán mua bản quyền truyền hình giải bóng đá ngoại hạng Anh mùa giải 2016-2019 tại Việt Nam do Hiệp hội chủ trì. Các đơn vị cam kết không đàm phán riêng rẽ.

4/ Các đơn vị khi cung cấp thông tin với các cơ quan truyền thông báo chí về vấn đề đàm phán mua bản quyền giải bóng đá ngoại hạng Anh mùa giải 2016-2019 không được cung cấp những thông tin trái với quan điểm của Hiệp hội.


Thể thao & Văn hóa (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm