07/09/2018 06:21 GMT+7 | V-League
(lienminhbng.org) - Những ngày “trống giong cờ mở”, những đêm không ngủ xuống đường với dấu son Olympic Việt Nam rồi cũng phải để lại sau lưng. Bây giờ địa hạt bóng đá nước nhà quay về với món ăn quen thuộc, mang tên V-League. Phía trước là vòng 21, mở đầu cho chặng về đích. Suôn sẻ hay không, những nhà tổ chức cũng đang nơm nớp trong người.
Vòng 21, nghĩa là V-League còn tròm trèm 1/3 chặng đường nữa, nhưng bức tranh tổng thể đã quá rõ, từ cách đây chừng hơn 1 tháng, khi sân cỏ quốc nội tạm nhường đường cho Olympic làm nhiệm vụ quốc gia. ĐKVĐ Quảng Nam đã chính thức thành cựu vương. Chỉ cần 3 điểm nữa thôi, như dấu chấm trên đầu chữ i, Hà Nội FC sẽ lên ngôi. Không chừng cuối tuần, họ sẽ vô địch trước 5 vòng đấu- một kỷ lục. Nóng bỏng chỉ còn ở cuộc chiến trụ hạng, nhưng có vẻ như mọi thứ chỉ là trên lý thuyết. Bởi ai đi, ai ở, đã dường như được chỉ mặt gọi tên. Nhiều năm rồi, V-League luôn ở bối cảnh như thế, không nhiều đội bóng mặn mà để xưng vương. Đua nhau tránh vé xuôi về hạng Nhất, mới là chuyện để bàn. Năm nay, không hề ngoại lệ.
Trong quãng thời gian sân cỏ nước nhà không có bóng lăn, dù vậy nội tình của vài CLB lại có sóng ngầm dữ dội. Vẫn câu chuyện muôn thuở, hay cũng là câu chuyện đầu tiên: Đó là “tiền đâu”. Ở 2 đội bóng đang đứng đội sổ bảng xếp hạng Nam Định và Cần Thơ mọi thứ rối tung, đã nghèo lại còn gặp eo. Chuyện nợ nần tiền nong, lương thưởng, lót tay là những cái cớ để rồi có cả những cuộc “đình công” từ phía cầu thủ.
V-League hầu như năm nào cũng có những chuyện cũ diễn ra, như căn bệnh trầm kha, mà vắt qua bao mùa mang danh chuyên nghiệp vẫn cứ mới như hôm qua. Có đội lại manh nha đòi bỏ giải, cầu thủ làm mình, làm mẩy với CLB. Suy cho cùng, câu chuyện bóc ngắn cắn dài vẫn diễn ra hàng ngày. Vậy nên nội lực cũng đủ để xoay tua vài bận, không thể đủ dư dả mà sống chung ổn định cùng V-League dài lâu. Sân chơi hẳn nhiên tốn tiền, vài chục tỉ mỗi mùa quả là gánh nặng với những đội bóng không có bầu sữa từ địa phương, doanh nghiệp hay Mạnh Thường Quân chung tay vào. Bài học của Nam Định hay Cần Thơ hôm nay không cũ.
Nếu như câu chuyện “tiền đâu” để có vốn sống chơi tiếp, đang làm đau đầu bản thân các đội bóng, thì những nhà tổ chức đang canh cánh những nỗi lo khác. Liệu chất lượng chuyên môn có đáp ứng, để tiếp tục kéo người xem đến sân? Quân số trở về từ Olympic như vắt kiệt sức có đủ để cày ải và giữ chân cho sân chơi AFF Cup cận kề trước mặt? Mới hôm qua thôi, cả Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh đã phải ra sân không có ngày nghỉ, để rồi tập tễnh rời sân. Hay chiếc vé xuống hạng có đặt đúng chỗ, đúng người trên chuyên môn thuần túy, hay lại cảnh ai được ở lại tức có nhiều bạn hơn? Tiêu cực lúc này không còn là chuyện xin-cho-nhường-bán, cũng không hẳn là chuyện vay trả-trả vay, cũng không đơn thuần là ân tình giữa các đội bóng. Nó tinh vi và vô cùng khôn lường.
Bên cạnh đó, 6 vòng về đích vắt qua 2 tháng 9-10, chính vụ của mùa mưa gió, bão lũ trong năm. Ai dám chắc các sân bóng miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, hay Tam Kỳ không phải oằn mình trong mưa gió. Hoãn hay dừng để phải đá đi, đá lại là viễn cảnh thấy rõ. Đôi khi những bung xung cũng từ đó mà ra. Khi giải đấu trôi về cuối, khi nhiều đội đã coi như hoàn thành mục tiêu đề ra. Đồng thời hơn phân nửa các CLB tham dự chỉ đá vài trận cuối cho xong nhiệm vụ, vô thưởng vô phạt. Vậy nên đừng bất ngờ khi có những lùm xùm nổ ra, càng không lạ khi hiện tượng “nổ tài- lưới rung là tin nhắn về” khiến người xem ngơ ngác như mấy vòng đấu bóng vẫn lăn trong mùa World Cup hôm rồi.
Sau niềm vui và hiệu ứng từ những chấm son bóng đá trẻ nước nhà mang lại, vẫn chưa thể khỏa lấp hết thực tại còn nhiều buâng khuâng của “ao nhà” V-League. Đó là cơ thể còn nhiều hom hem và lâu lâu lại trở chứng. Giải đấu vắt qua gần cả năm trời, như một vận động viên Marathon về đích đầy loạng choạng. Thôi đành “nín thở qua đò”.
Hồng Đào
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất