Hàn Quốc tự vấn tinh thần quốc gia sau vụ chìm phà

28/04/2014 07:37 GMT+7 | Trong nước


(lienminhbng.org) - Người đàn ông trung niên đứng trong hàng, kiên nhẫn chờ đợi. Ông mặc thứ gần như là đồng phục của doanh nhân Seoul, một bộ vét đen và cà vạt mỏng. Ông đã lái xe suốt một giờ đồng hồ tới sắp hàng tại địa điểm tưởng niệm ở Ansan cùng khoảng 100.000 người khác, để làm lễ viếng trước ảnh chân dung các học sinh sẽ mãi mãi không bao giờ lớn lên nữa.

"Tôi là cha của 2 đứa con" - ông gạt nước mắt, tay đưa lên ngực, như để níu giữ một con tim tan vỡ - "Tôi rất tiếc vì không thể làm gì cho các gia đình đó. Tôi chỉ muốn tới đây để nói rằng tôi rất xin lỗi các gia đình đó".

Người đàn ông này chẳng quen nạn nhân nào trên con phà Sewol định mệnh. Cuộc sống của ông ở Seoul hoàn toàn cách xa với thảm họa mới diễn ra trên biển. Nhưng ông vẫn đón nhận lấy nỗi đau, cảm giác có tội và sự phẫn nộ hình thành từ sự kiện, giống như rất nhiều người khác ở Hàn Quốc.

Những dải ruy băng vàng

Cả con đường chính dẫn tới Ansan giờ đầy một màu vàng. Cứ khoảng 2 mét lại có một chiếc ruy băng vàng bay phất phới trong gió vì xe chạy qua. Ở trường Trung học Danwon tại Ansan, nơi một lớp học đã mất đi 3/4 số học sinh của nó, các ruy băng vàng đã được buộc đầy ở cửa lớp. Nhưng các ruy băng này không bắt đầu hình thành tại nơi con phà bị chìm hoặc tại ngôi trường.


Những dải băng vàng từ chỗ là biểu tượng hy vọng, đã thành biểu tượng của nỗi đau

Trong một quốc gia tự xem là có tỷ lệ nối mạng cao nhất thế giới, ruy băng vàng đã hình thành từ Internet. Các sinh viên đại học đã thiết kế hình ảnh ruy băng vàng và phát tán nó qua dịch vụ nhắn tin Kakao Talk trong ngày 19/4. Ý nghĩa ban đầu của ruy băng vàng là hy vọng. Tất cả đều mong chờ sẽ có phép màu xảy ra trong thảm họa chết chóc. Nhưng khi con số người chết ngày càng tăng cao, ruy băng vàng trở thành biểu tượng quốc gia của sự đau khổ.

Người dân buộc ruy băng vàng tại các ngôi nhà, các trường học trên khắp đất nước. Ruy băng vàng xuất hiện trên các chương trình truyền hình sau mỗi nửa giờ đồng hồ, dưới tiếng nhạc buồn bã.

Trên các mạng xã hội Twitter và Facebook phiên bản Hàn, người dùng chia sẻ các thông điệp ngắn thể hiện sự đau buồn, kèm theo ruy băng vàng. Phần lớn các thông điệp này đều thể hiện sự tức giận và cảm giác vô dụng. Ví dụ người dùng Twitter có nick @sbja22 viết: "Tôi xin lỗi vì đã không thể cứu giúp các bạn".

Những báu vật của đất nước

Người ta mong cứu được các nạn nhân vì rất nhiều trong số đó là học sinh Danwon, những thiếu niên còn đang lớn. Tại Hàn Quốc, những đứa trẻ được xem là báu vật trong gia đình, được chăm bẵm, đầu tư lớn nhất. Trẻ ngoan ngoãn vâng lời là phần thưởng lớn nhất dành cho các phụ huynh. Phần thưởng mà các em nhận về là sự bảo vệ tối đa của cha mẹ và người lớn nói chung.

Thảm họa Sewol đã phá tan cấu trúc ứng xử người lớn, trẻ em đó, vốn đã tồn tại lâu nay trong xã hội Hàn Quốc. Cuộc gọi khẩn cấp đầu tiên từ con phà chìm do học sinh Choi Duk-ha, 17 tuổi, thực hiện. "Cứu chúng cháu với. Chúng cháu đang ở trên con phà và cháu nghĩ rằng nó đang chìm" - cậu bé van nài với lực lượng cứu hộ. Những người lớn trên tàu đã chỉ gọi điện cấp cứu sau đó 3 phút. Choi về sau được phát hiện đã chết.

Thủy thủ đoàn, những người được đào tạo để cứu các hành khách, lại phát lệnh yêu cầu tất cả ở yên trong khoang, thay vì chạy tới các xuồng cứu sinh. Các học sinh, được nuôi lớn trong văn hóa vâng lời, đã thực thi mệnh lệnh một cách nghiêm túc. Những người sống sót nói rằng các hành khách nghe theo văn hóa vâng lời là những người đã không thể sống sót. Thủy thủ đoàn sau đó rời tàu, với một số người được tuần duyên Hàn Quốc cứu đầu tiên.

Truyền hình đã phát đi những hình ảnh này khiến cả đất nước phẫn nộ. Trong đau đớn tột cùng vì thảm họa khiến quá nhiều đứa trẻ mất mạng, người Hàn Quốc vẫn thấy rằng có điều gì đó không đúng với chuẩn mực, với truyền thống của họ, đang diễn ra.

Lỗi cả hệ thống

Được biết con phà Sewol có tên gốc là phà Naminoue và hoạt động ở Nhật Bản. Sau khi được phía Hàn Quốc mua lại, nó đã được tăng thêm khoang chở người, hàng hóa. "Sự thay đổi là một trong những lý do gây tai nạn" - Yutaka Watanabe, giáo sư khoa học và công nghệ hàng hải ở Đại học Tokyo nhận xét - "Người ta mua một con phà từ Nhật Bản rồi thêm vào rất nhiều khoang chứa. Những khoang chứa đó lại được lắp vào phần trên của phà, khiến trọng tâm của tàu dịch chuyển hướng lên trên".

Con phà có vấn đề như vậy nhưng nó lại được các tổ chức kiểm duyệt Hàn Quốc, gồm cơ quan Đăng kiểm tàu biển Hàn Quốc chấp nhận đạt tiêu chuẩn an toàn, trước khi bắt đầu đi vào chở khách từ năm ngoái. Sau tai nạn, nhà chức trách Hàn Quốc đã lập tức khám xét công ty sở hữu phà là Chonghaejin Marine và cơ quan Đăng kiểm tàu biển Hàn Quốc để làm rõ xem việc cải tạo con phà Sewol có vai trò gì trong việc khiến tai nạn xảy ra hay không.

Khi người Hàn Quốc nhìn vào thảm họa và chứng kiến những vấn đề như thế bị phanh phui, họ thấy cả hệ thống đã thất bại một cách đáng phẫn nộ, từ công ty đã tìm cách tăng tải trọng phà, cho tới các cơ quan chính quyền phụ trách việc cứu người, đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ.

"Chuyện khiến chúng tôi băn khoăn không biết mình có nên tự lo lấy sự an toàn của bản thân hay không" - Cynthia Yoo, trợ lý giáo sư tại Đại học Kyung Hee nhận xét - "Tôi nghĩ Sewol là vụ kinh điển cho thấy hoạt động tham nhũng hoặc câu kết giữa các cơ quan tổ chức chính quyền với các doanh nghiệp. Đó là những thứ mà với tư cách một quốc gia, chúng tôi phải tìm cách sửa chữa".

Tường Linh (Theo CNN)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm