Vụ đa cấp Thăng Long Group lừa đảo: Đánh vào tâm lý ham làm giàu nhanh của các nạn nhân

16/08/2019 11:36 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Trong vụ án Tập đoàn đa cấp Thăng Long (Thăng Long Group) lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố gần đây, điều khiến dư luận xã hội quan tâm tìm hiểu là bằng cách nào mà các bị can trong vụ án lại có thể dễ dàng “gài bẫy” 36.000 bị hại để chiếm đoạt hơn 706 tỉ đồng.

Truy tố 'trùm' đa cấp Thăng Long Group lừa đảo 36.000 người bị hại

Truy tố 'trùm' đa cấp Thăng Long Group lừa đảo 36.000 người bị hại

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ra cáo trạng số 54/Ctr-VKSTC-V3 và phân công Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn đa cấp Thăng Long (Thăng Long Group).

Ngoài việc các bị can tự tô hồng, khuếch trương, quảng cáo Thăng Long Group như là một tập đoàn hùng hậu thì bản thân những người bị hại cũng quá nhẹ dạ khi đặt nhầm niềm tin vào các chương trình khuyến mại với lợi nhuận cao tới mức phi lý.

Tạo ra ảo ảnh về một tập đoàn lớn mạnh

Theo cáo trạng, ngày 24/8/2012, Lê Văn Quang (sinh năm 1973, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Thăng Long Group) thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tầm Nhìn Việt, xin giấy phép kinh doanh để bán hàng đa cấp. Sau đó, Quang cùng Vũ Đình Hùng, Phạm Ngọc Tuân, Nguyễn Hồng Thái, Nguyễn Thành Nam, Huỳnh Trọng Nghĩa và Đỗ Văn họp bàn thỏa thuận, phân chia tỉ lệ góp vốn của từng cá nhân vào Công ty, nhưng không nêu rõ số tiền góp cụ thể là bao nhiêu.

Sau khi có Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp với nội dung quy định lại chặt chẽ hơn các điều kiện kinh doanh, yêu cầu nâng vốn điều lệ, bổ sung vốn ký quỹ là 5 tỉ đồng thì Lê Văn Quang mua lại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Secret có giấy phép kinh doanh đa cấp và đổi tên thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn nhượng quyền thương mại Thăng Long (viết tắt là Công ty nhượng quyền Thăng Long), giao cho Phạm Ngọc Tuân đứng tên làm Giám đốc; chuyển toàn bộ hệ thống bán hàng đa cấp của Công ty Tầm Nhìn Việt sang Công ty nhượng quyền Thăng Long nhưng vẫn duy trì pháp nhân của Công ty Tầm Nhìn Việt. Cùng thời điểm này, Lê Văn Quang đã lập ra một hệ thống các công ty có trụ sở tại Hà Nội, lấy tên là Thăng Long Group để xây dựng hình ảnh một tập đoàn gồm nhiều công ty.

Chú thích ảnh
Lượng người tham gia mạng lưới BHĐC của Công ty Thăng Long rất lớn, có thời điểm lên tới gần 4 vạn người. Ảnh: dantri.com.vn

Trong tài liệu quảng cáo về Thăng Long Group, Lê Văn Quang xưng danh là Chủ tịch Hội đồng quản trị và  đưa ra các khẩu hiệu quảng cáo tự “đánh bóng” tên tuổi như: “Tôi, Lê Văn Quang là một doanh nhân yêu nước, sống trong thời bình. Với tư cách là một nhà sáng lập Thanglong Group… Và hôm nay tôi có một giấc mơ: Trong thập kỉ này trên dải đất hình chữ S sẽ có những tòa nhà cao ốc được mọc lên ở miền Bắc, miền Trung, miền Tây, miền Nam và những tòa nhà này mang tên Thăng Long… Logo của Thăng Long sẽ có mặt trên những con đường ở Myanmar, Malaysia, Thailand, Singapore…”.

Trong các tài liệu quảng cáo Quang giới thiệu Thăng Long Group có hệ thống một loạt các công ty, gồm: Công ty nhượng quyền Thăng Long, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tầm Nhìn Việt, Công ty Trách nhiệm hữu hạn bán hàng trực tiếp Thăng Long, Công ty Trách nhiệm hữu hạn truyền thông SMART PR và Công ty Trách nhiệm hữu hạn đào tạo thương mại điện tử Thăng Long. Mục đích Quang lập ra một hệ thống các công ty nhằm nhập hàng hóa đầu vào cho Công ty nhượng quyền Thăng Long và để người bị hại tin tưởng Thăng Long Group là một tập đoàn lớn mạnh gồm nhiều công ty để đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có duy nhất Công ty nhượng quyền Thăng Long hoạt động, bốn công ty còn lại chỉ có tên trên danh nghĩa, trên giấy tờ mà không có bất cứ hoạt động  nào. Trên đăng ký kinh doanh, các pháp nhân này đều là công ty độc lập với nhau, có người đại diện theo pháp luật, có hệ thống sổ sách kế toán theo dõi riêng để báo cáo thuế, báo cáo các cơ quan chức năng theo quy định và không liên quan với nhau về sở hữu. Về hoạt động của năm công ty, Lê Văn Quang chỉ đạo lập hai hệ thống sổ sách kế toán, gồm một hệ thống sổ sách theo dõi thu chi thực tế bằng tiền mặt; một hệ thống sổ sách riêng của từng công ty có báo cáo thuế theo quy định, được lập ra để che giấu doanh thu, khai báo thấp hơn thực tế, che giấu hành vi vi phạm pháp luật.

Sập bẫy chiêu lừa mua 1 lãi 4

Từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2015, do không thu hút được nhiều người nộp tiền kích hoạt mã số vào Công ty nhượng quyền Thăng Long, Lê Văn Quang chỉ đạo các đồng phạm tổ chức các chương trình khuyến mại, tri ân khách hàng, bốc thăm trúng thưởng… Trong đó có chương trình khuyến mại Câu lạc bộ triệu phú, khuyến mại khách hàng không cần mua hàng, chỉ cần nộp tiền kích hoạt mã số sẽ được hưởng lợi là lấy doanh số toàn quốc chia cho số người tham gia chương trình này. Chương trình khuyến mại “Thăng Long năm pháo hoa” theo hình thức “quay số xác định trúng thưởng”… Các chương trình nộp tiền mua đơn hàng vào công ty để được hưởng tiền thưởng gấp nhiều lần mà không có tính khả thi như: Mua đơn hàng trị giá 31 triệu đồng sẽ được nhận 146 triệu đồng (gấp 4,7 lần); mua đơn hàng 155 triệu đồng được nhận 730 triệu đồng (gấp 4,7 lần); mua đơn hàng trị giá 46 triệu đồng được nhận 153 triệu đồng (gấp 3,3 lần); mua đơn hàng 230 triệu đồng được nhận 765 triệu đồng (gấp 3,3 lần); tổ chức tuyên dương khách hàng được nhận hàng tỉ đồng/tháng và lên bục vinh danh trước sự chứng kiến của hàng nghìn người tại Hội nghị chi thưởng thù lao nhằm thúc đẩy tâm lý ham làm giàu của các nhà phân phối để nộp tiền kích hoạt mã số... Hàng hóa mà Quang cùng các đồng phạm dùng để bán hàng đa cấp bao gồm các loại: sản phẩm làm đẹp da, thực phẩm chức năng Nutrition, thực phẩm chức năng giải rượu, giải độc gan…

Lê Văn Quang và đồng phạm dùng nhiều thủ đoạn như thông báo bằng miệng với khách hàng là các chương trình khuyến mại đã được Nhà nước cấp phép, giơ tờ giấy xác nhận cấp phép của Bộ Công thương có chữ ký, đóng dấu đỏ ở xa mà không cho ai xem chi tiết; khuyến khích ai tham gia sớm, được kích hoạt mã số sớm sẽ là người xếp thứ tự bên trên, được hưởng các loại tiền khuyến mại từ số tiền người tham gia sau nộp vào, sớm lấy được số tiền khuyến mại như cam kết; nếu không tham gia sớm sẽ bị những người tham gia trước hưởng nhiều tiền khuyến mại hơn; cho một người mở nhiều mã số để được hưởng nhiều loại hoa hồng và các khoản thưởng; tuyên truyền kích thích việc làm giàu nhanh chóng. Tại Hội nghị chi trả thù lao tại Thiên đường Bảo Sơn có hàng nghìn người tham dự, Công ty nhượng quyền Thăng Long đã chi trả số tiền mặt cho rất nhiều nhà phân phối với số tiền từ 10 triệu đồng đến hơn 2 tỉ đồng/ nhà phân phối và giới thiệu đây là thu nhập một tháng khi tham gia bán hàng đa cấp với Công ty. Nhưng thực ra số tiền mà các nhà phân phối lên bục nhận tại Hội nghị này là tiền có được từ nhiều mã số, hoặc do nhà phân phối nhận hộ cho nhiều người.

Kết quả điều tra đã xác định, có 36.000 người tin tưởng nộp tiền và bị các bị can chiếm đoạt hơn 706 tỉ đồng. Hiện tại đã có 1.540 người bị hại trình báo và yêu cầu các bị can bồi thường số tiền bị chiếm đoạt là hơn 110 tỉ đồng.

Bài học từ tâm lý hám lợi

Tại cơ quan điều tra Lê Văn Quang khai: Để phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp, Quang đã chỉ đạo các bộ phận của Thăng Long Group đưa ra những quy định, tuyên truyền miệng cho nhà phân phối theo hình thức truyền tin đa cấp. Cách thức tuyên truyền về việc sẽ được hưởng gấp từ ba đến năm lần số tiền “đầu tư”, chưa kể còn được hưởng các loại hoa hồng hệ thống, được hàng hóa sử dụng... làm các nhà phân phối hám lợi và tham gia rất nhiều chương trình khuyến mại này.  

Có thể nói, việc bán hàng đa cấp xoáy sâu vào tâm lý hám lợi của không ít nhà phân phối là một chủ trương xuyên suốt được Thăng Long Group thống nhất thực hiện. Tài liệu điều tra cũng xác định, Vũ Đình Hùng (nguyên Phó Giám đốc Công ty nhượng quyền Thăng Long) nhận thấy rõ tâm lý hám lợi, mong làm giàu nhanh chóng của khách hàng, không cần kinh doanh hàng hóa mà chỉ cần nộp tiền, kích hoạt mã số để trở thành nhà phân phối, tích cực lôi kéo người khác tham gia để được hưởng lợi từ số tiền họ nộp vào. Hùng trực tiếp tham gia các hội nghị chi trả thù lao quảng bá hình ảnh công ty, quảng cáo việc nhận tiền, khuếch trương cách làm giàu nhanh chóng mà không cần quan tâm đến việc nhận hàng, nhà phân phối chỉ cần kích hoạt càng nhiều mã số thì càng được hưởng nhiều lợi ích. Việc lập “phiếu lấy hàng” đóng dấu của công ty rồi giao cho nhà phân phối khi họ nộp tiền kích hoạt mã số được coi như là hàng hóa. Thủ đoạn đó đã giúp cho Hùng và các đồng phạm thu được nhiều tiền mà không cần có hàng hóa giao cho các nhà phân phối.

Cơ quan công tố khẳng định, Công ty nhượng quyền Thăng Long có sai phạm là không thông báo với Sở Công Thương thành phố Hà Nội khi tổ chức các chương trình đại hội, hội thảo, đặc biệt là chương trình Đại hội hoa hồng được tổ chức tại Thiên đường Bảo Sơn trong năm 2015 - đây là chương trình được xây dựng với quy mô hoành tráng, có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ càng, chặt chẽ. Mục đích của việc tổ chức các chương trình này là làm tăng động lực cho người đã tham gia, đặc biệt khuyến khích người mới.

Các chương trình này đã lôi kéo được hàng nghìn người tham dự đại hội, thông qua đại hội chi trả thù lao, các nhà phân phối tận mắt chứng kiến các "đồng nghiệp" tuyến trên và các thủ lĩnh được nhận tiền mặt và cho đó là thu nhập trong tháng của một nhà phân phối ở mức 50 triệu đồng lên đến hàng tỉ đồng/người/tháng từ Công ty nhượng quyền Thăng Long. Mục đích khuếch trương quá đà như vậy là nhằm "mơi" những người mới tham gia nhanh chóng nộp tiền để được kích hoạt mã số, gia tăng động cơ “đầu tư” thêm đối với những người đã tham gia nhằm tăng doanh thu cho Công ty.

Các nhà phân phối thiếu hiểu biết được tiêm vào đầu ý nghĩ rằng việc kiếm tiền, làm giàu rất dễ dàng nên đã nhanh chóng nộp tiền kích hoạt mã số theo các chương trình khuyến mại “Thăng Long năm pháo hoa”. Bản chất của các chương trình khuyến mại này đều là lấy tiền của người tham gia sau để chi trả cho người tham gia trước.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kết luận, tám bị can trong vụ án đều nhận thức được mục đích, phương thức hoạt động thu và chiếm đoạt tiền của người bị hại. Cả tám bị can cùng phải chịu trách nhiệm dân sự về toàn bộ số tiền chiếm đoạt là hơn 706 tỉ đồng của 36.000 người bị hại. Trong đó, Cơ quan điều tra đã lấy được lời khai của 1.540 người bị hại với yêu cầu đòi bồi thường hơn 110 tỉ đồng. Vì vậy Cơ quan điều tra buộc Lê Văn Quang và đồng phạm phải liên đới bồi thường khoản tiền hơn 110 tỉ đồng này. Những người bị hại khác sẽ được xem xét giải quyết quyền lợi theo thủ tục tố tụng dân sự khi họ có yêu cầu.

Kim Anh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm