Vụ đạo thơ 'Khi chúng ta già': Không đòi hỏi tài chính, nhưng cần được xin lỗi

19/02/2014 14:05 GMT+7 | Đọc - Xem


(lienminhbng.org) - Tác giả Việt Hà đề nghị Đại học Sư phạm TP.HCM, nơi Hồng Phước theo học, vào cuộc. Còn theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nếu đúng là sử dụng thơ thì nam ca sĩ phải chia sẻ tiền bản quyền.

Tác giả Nguyễn Thị Việt Hà

Tác giả Nguyễn Thị Việt Hà

Bài hát Khi chúng ta già do Phạm Hồng Phước song ca với Hương Giang Idol được phát hành tuần qua. Ngay sau đó, chị Nguyễn Thị Việt Hà, công tác tại tạp chí Văn Nghệ Cà Mau, lên tiếng trên Facebook, cho rằng Phạm Hồng Phước đã sử dụng bài thơ Khi chúng ta già do chị sáng tác vào ngày 11/4/2013 để làm ca từ bài hát. Khi đối chiếu, lời ca và lời thơ giống nhau đến 80%.

Trước thông tin tác giả Việt Hà khởi kiện ca sĩ Phạm Hồng Phước, Thể thao & Văn hóa có cuộc trao đổi với chị. Thể thao & Văn hóa cũng đã liên lạc và Phạm Hồng Phước qua điện thoại để hỏi phản hồi nhưng nam ca sĩ không nghe máy.

* Có tin chị đã đệ đơn kiện, cụ thể ra sao?

- Chính xác là tôi đã ủy thác cho luật sư tiến hành một số thủ tục đòi quyền tác giả. Theo đó, chúng tôi sẽ gửi công văn đến Đại học Sư phạm TP.HCM, nơi Hồng Phước đang theo học để đề nghị Phước gọi điện trực tiếp xin lỗi tôi và bổ sung là bài hát “phổ thơ Nguyễn Thị Việt Hà”, như yêu cầu trước đây của tôi.

Sau 1 tuần từ ngày gửi công văn, nếu vẫn không có phản hồi từ trường và Hồng Phước, tôi sẽ tính đến các thủ tục pháp lý tiếp theo.


Cặp song ca Hương Giang Idol và Hồng Phước trong hình ảnh quảng bá cho ca khúc “Khi chúng ta già”

* Tại sao chị quyết định bảo vệ quyền tác giả đến cùng?

- Tôi biết từ trước đến nay ít ai làm như vậy. Nhưng tôi muốn chứng minh rằng bảo vệ đứa con tinh thần của mình là việc làm chính đáng của bất cứ tác giả nào.

Ngay từ đầu, tôi luôn thoải mái và không muốn chuyện trở nên căng thẳng. Tôi cũng không đòi hỏi bất cứ một quyền lợi tài chính nào cả. Nhưng đáp lại, Phước im lặng, chỉ có một lời giải thích rất trẻ con “Lỗi ở Phước là sự vô ý”.

* Vài năm trước, truyền thông quốc tế đã cảnh báo mạng xã hội Facebook sẽ khiến tình trạng đạo văn trở nên không thể kiểm soát. Chị nghĩ sao, khi bản thân là người làm thơ và công bố tác phẩm trên Facebook?

- Tôi nghĩ hầu hết mọi người viết văn, làm thơ để cho vui và được chia sẻ. Khi đăng lên Facebook, không ai nghĩ ngay đến việc đăng ký bản quyền. Theo tôi, Facebook hay các mạng xã hội khác cũng là “con dao hai lưỡi”, có thể dễ dàng xảy ra đạo văn nhưng nếu có cũng rất dễ phát hiện ra. Tôi cho rằng ai cũng có thể bảo vệ đứa con tinh thần của mình nếu thực sự quyết tâm và hiểu rõ luật. Ở Việt Nam đã có luật bản quyền nên sẽ không khó khăn lắm.

Bà Trần Thị Trường, đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: Luật quy định chia tiền nhạc - thơ theo tỷ lệ 7/3

“Ở trường hợp Khi chúng ta già của Phạm Hồng Phước, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam nhận đăng ký ủy thác bài hát vào đầu năm 2014 nhưng chưa nhận được bản nhạc và lời đính kèm. Bài hát này cũng chưa phát sinh tiền bản quyền tại hệ thống kế toán trung tâm. Nếu đúng là tác giả sử dụng thơ người khác thì không những phải xin phép tác giả thơ, cải chính công khai, đề tên tác giả thơ mà còn phải phân chia tiền bản quyền theo tỷ lệ 7/3 (7 cho nhạc và 3 cho thơ).

Nếu tác giả âm nhạc không liên hệ được với tác giả thơ thì phải ghi tên tác giả thơ, đồng thời tiếp tục liên hệ để trả tiền bản quyền hoặc nhờ các đại diện ủy thác trả giúp. Nếu tác giả thơ không đồng ý thì tác giả nhạc phải gỡ bỏ (tham khảo Điều 19 - Chương Quyền tác giả, Luật Sở hữu trí tuệ), dù từ trước đến nay chưa có tác giả thơ nào không đống ý.

Từ trước tới nay, ngoài chấp hành luật, còn có nhiều tấm gương ứng xử đầy tôn trọng giữa các nhạc sĩ và nhà thơ. Nhiều nhạc sĩ chỉ sử dụng không tới 50% lời thơ nhưng vẫn đề tên nhà thơ và trả tiền bản quyền nghiêm chỉnh, vì cho rằng chỉ riêng việc ý thơ gợi cảm xúc sáng tác cho họ cộng với một nửa ca từ đã đủ xứng đáng để ghi nhận rồi.

Song, còn có một vấn đề: việc xác định chủ tác phẩm đôi khi gây tranh cãi, nhất là vào thời công nghệ số. Một bài thơ, bài hát, bài báo, bức ảnh… vừa ra mắt, thậm chí chưa “ráo mực” đã được phát tán tới hàng triệu người. Trong đó, có người lấy luôn làm của mình, đem đi bảo hộ quyền tác giả. Những người đó, chỉ có tòa án lương tâm xử được. Còn pháp luật phải dựa trên các bản đăng ký bản quyền tác giả tại cơ quan quản lý”.

My Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm