Vũ Đức Hiếu: Không thể hạ giá tranh để được việc của mình...

25/11/2015 19:12 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Chiều nay (25/11) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra cuộc bán đấu giá 61 tác phẩm tranh, tượng sau 2 ngày diễn ra triển lãm Nhà Lang – Giấc mơ hồi sinh.

Đây là một cuộc hội ngộ nghệ thuật vượt ra khỏi ý nghĩa ủng hộ để trở thành một sự kiện nghệ thuật đúng nghĩa, được đánh giá tốt về chất lượng. 61 tác phẩm tranh, tượng của 57 nghệ sĩ thuộc nhiều lứa tuổi, từ Bắc tới Nam được trưng bày tại triển lãm, đã giới thiệu với người xem cái nhìn khá phong phú về một phần diện mạo mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt bởi sự đa dạng về lứa tuổi, phong cách và chất liệu sử dụng, từ tả thực đến biểu hiện, trừu tượng, cùng một số tìm tòi mới…, từ tranh màu nước đến sơn dầu, sơn mài, tranh khắc, kim loại, chất liệu tổng hợp…

Theo đánh giá của họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, triển lãm đồng thời cũng cho thấy sự phát triển trong tư duy sáng tạo của nghệ sĩ và thẩm mĩ của công chúng, cũng như thể hiện một tinh thần độc lập của người sáng tác, không phụ thuộc vào mục tiêu thương mại trong hoạt động mua – bán của thị trường nghệ thuật. Điều đó, một mặt, lại có tác động tốt đến hiệu quả sáng tạo và chất lượng tác phẩm.


Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng chia sẻ với báo giới tại triển lãm

Cùng với triển lãm, trong 2 ngày qua BTC cũng đã thông tin về giá khởi điểm của các tác phẩm trên website: http://nhalang.muong.vn/daugia/. Đây là kết quả thống nhất của BTC và các tác giả, có hạ xuống thấp hơn so với mức giá nếu được bán trên thị trường. Việc này nhằm khuyến khích các nhà sưu tập, doanh nghiệp, công chúng có thu nhập mua tác phẩm. Trong thời gian diễn ra triển lãm, ban tổ chức sẽ có hình thức phiếu ghi mức giá cho người mua, tính từ giá khởi điểm.

Theo ghi nhận của TT&VH, 61 tác phẩm chủ yếu được chia làm thành 3 mức giá. Mức 1: thường chỉ 200, 300, 500 USD, đa phần của các họa sĩ trẻ thành danh và có tên tuối với những cái tên như: Thái Nhật Minh, Trần Trọng Tri, Khổng Đổ Tuyền, Phạm Thái Bình, Nguyễn Ngọc Lâm, Phạm Tuấn Tú, Dương Thùy Dương, Lê Anh Quân, Nguyễn Trần Cường, Phạm Huy Thông.

Tác phẩm Người đẹp biển của họa sĩ Phạm Tuấn Tú có giá khởi điểm 300 USD

Mức 2: dao động khoảng trên dưới  1.000 USD với thế hệ đã khẳng định tên tuổi như: Lê Quảng Hà, Trịnh Quốc Chiến, Trần Việt Phú, Vương Văn Thạo, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Minh Phước, Hoàng Tường Minh...

Tác phẩm Khỏa thân trắng của Lê Kinh Tài có giá khởi điểm 1.500 USD

Mức 3: khoảng trên dưới 5.000 USD thuộc các tác giả tên tuổi như: Đào Hải Châu với tác phẩm điêu khắc Không vô can (giá khởi điểm 4.000USD), Phan Cẩm Thượng với bức sơn khắc Đường đi (5.000USD), Phạm Hải An với bức sơn dầu Trìu tượng (5.000USD) hay Thành Chương với bức sơn mài Cửa thiền (5.000 USD). Cao nhất là tác phẩm phấn màu Chiều xuống của tác giả trẻ Trần Việt Phú có giá khởi điểm 1.6000 USD.

Tác phẩm Chiều xuống của Trần Việt Phú có giá khởi điểm 1.6000 USD.

Theo họa sĩ Vũ Đức Hiếu đến nay đã có 16 tác phẩm được trả giá trên mạng. Bắt đầu từ 16h -19h chiều nay (25/11), BTC sẽ thông tin về kết quả bỏ phiếu trả giá của người mua qua, đồng thời tổ chức bán đấu giá trực tiếp và công bố kết quả. Với những tác phẩm không được trả giá, BTC sẽ tiếp tục trưng bày online và bàn bạc với tác giả và BTC. Hiếu mường nhấn mạnh: “Tôi không thể hạ giá tranh để được việc của mình...”

Sau khi kết thúc bán đấu giá, với số tiền thu được, Hiếu mường sẽ bắt tay vào phục dựng nhà Lang, dựa trên hồ sơ tư liệu, bản vẽ còn lưu giữ, với sự tham gia của những người thợ là đồng bào dân tộc Mường từng lắp dựng nhà Lang tại bảo tàng 7 năm trước, bằng kỹ thuật truyền thống. Đồng thời, quá trình thi công có sự cố vấn, mời giám sát của các chuyên gia bảo tồn, bảo tàng, nghiên cứu văn hóa Mường, kiến trúc sư…

An Như


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm