15/05/2020 19:27 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Ngày 15/5, Phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong vụ gian lận điểm tại Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ 5, tiếp tục phần tranh tụng.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bị cáo Khương Ngọc Chất (nguyên Trưởng phòng, Bí thư Chi bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình) có hành vi móc nối, bàn bạc với Đỗ Mạnh Tuấn (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) từ trước khi diễn ra Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 để nâng điểm cho 10 thí sinh. Bị cáo Chất đã tự bào chữa, không đồng ý với luận tội của đại diện Viện kiểm sát về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ" theo Khoản 2, Điều 356, Bộ luật Hình sự 2015. Bị cáo cho rằng "có dấu hiệu vi phạm tố tụng hình sự, do vậy ảnh hưởng uy tín, danh dự của bị cáo và các bị cáo khác; lời khai của các bị cáo khác buộc tội bị cáo không được tiến hành xác minh, thu thập khách quan".
Tiếp đó, bị cáo Chất cũng khẳng định không có việc cấu kết, bàn bạc gì với Nguyễn Quang Vinh (nguyên Trưởng phòng Khảo thí, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình) và Đỗ Mạnh Tuấn về gian lận điểm thi. Về 10 bài thi nhờ nâng điểm, bị cáo Chất khẳng định không có bất kỳ thí sinh, phụ huynh nào nhờ can thiệp nâng điểm và không có người thân nào thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018.
Trước tòa, bị cáo Nguyễn Thị Thu Loan (nguyên giáo viên Trường Trung học Phổ thông Lạc Long Quân, thành phố Hòa Bình) có hành vi thực hiện chỉ đạo của bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình) trực tiếp và yêu cầu các cán bộ chấm thi nâng điểm 10 bài thi tự luận môn Ngữ văn cho 10 thí sinh. Bị cáo Loan bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ" theo Khoản 2, Điều 356, Bộ luật Hình sự 2015.
Bị cáo tự bào chữa, trong quá trình chấm thi, bị cáo khai có nhận mảnh giấy ghi thông tin thí sinh cần nâng điểm từ bị cáo Diệp Thị Hồng Liên đưa cho và đã chấm lệch điểm lên so với thang đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bị cáo nêu nguyên nhân dẫn đến sai phạm này là do "nể nang đồng nghiệp, để tình cảm lấn át lý trí"; mong Hội đồng xét xử cho hưởng sự khoan hồng để “sớm trở về làm người tốt” tiếp tục cống hiến cho xã hội.
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Chung (nguyên giáo viên Trường Trung học Phổ thông Ngô Quyền, thành phố Hòa Bình) thực hiện chỉ đạo của bị cáo Liên, trực tiếp và yêu cầu các cán bộ chấm thi nâng điểm cho 7 bài thi tự luận môn Ngữ văn của 7 thí sinh. Bị cáo Chung bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ" theo khoản 2, Điều 356, Bộ luật Hình sự 2015. Bị cáo tự bào chữa, động cơ phạm tội của bị cáo là do nể bạn bè, đồng nghiệp, phụ huynh và thương học sinh; xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ mức hình phạt cho bị cáo".
Bị cáo Nguyễn Quang Vinh (nguyên Trưởng phòng Khảo thí, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình) với vai trò chủ mưu đã bàn bạc, chỉ đạo Đỗ Mạnh Tuấn và đưa chìa khóa phòng chấm thi, tạo các điều kiện thuận lợi để các bị cáo Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn (nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình) can thiệp nâng điểm 14 bài thi trắc nghiệm cho 58 thí sinh; chỉ đạo bị can Mạnh Tuấn "sinh mã phách" bài thi tự luận môn Ngữ văn trái quy chế thi để lấy thông tin; cung cấp "mã phách" thông tin thí sinh cần nâng điểm bài thi tự luận cho các bị cáo khác chấm nâng điểm 20 bài thi tự luận môn Ngữ văn cho 20 thí sinh.
Đối với hành vi can thiệp nâng điểm bài thi trắc nghiệm và nâng điểm bài thi tự luận môn Ngữ văn cho các thí sinh, bị cáo Vinh có vai trò là người chỉ đạo. Tự bào chữa, bị cáo vẫn một mực không nhận tội và yêu cầu cơ quan tố tụng đưa ra chứng cứ chứng minh.
Ngày mai (16/5) phiên tòa tiếp tục làm việc với phần tranh luận.
Thanh Hải/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất