12/07/2017 07:25 GMT+7
(lienminhbng.org) - Sáng 11/7/2017 tại Tòa án nhân dân quận 1 (TP.HCM), nghệ sĩ Ngọc Trinh đã thắng kiện đối với Nhà hát Kịch TP.HCM, buộc nhà hát này đền bù hơn 233 triệu đồng. Nếu so với số tiền lúc đệ đơn là hơn 566 triệu đồng, mức đền bù này xem như “mới đi được gần nửa đường”, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng Ngọc Trinh tính toán quá chi li.
Thật ra có một khía cạnh mà chính Ngọc Trinh và luật sư của mình “quên” tính toán, đó là giá trị vô hình từ 55 suất diễn mà 6 vở kịch đã tạo ra cho Nhà hát Kịch TP.HCM trong gần 6 tháng.
Tại sao có giá trị này? Bởi thực tế cho thấy thời gian trước khi hợp tác với nhóm kịch Ngọc Trinh, Nhà hát Kịch TP.HCM hoạt động rất èo uột, gần như chỉ cố gắng đáp ứng đủ suất diễn quy định để tiếp tục nhận kinh phí hoạt động từ ngân sách của TP.HCM. Chính việc làm của những nhóm kịch giống như Ngọc Trinh đã góp phần đáng kể vào việc giữ gìn giá trị đã có và sẽ có của Nhà hát Kịch TP.HCM, điều mà tự thân nhà hát rất khó khăn để duy trì.
Tại phiên tòa sáng ngày 11/7, Tòa án nhân dân quận 1 cũng làm rõ điều này trước khi tuyên án. Tòa khẳng định các nghị quyết, các văn bản chỉ đạo cho thấy nhiệm vụ của Nhà hát Kịch TP.HCM còn phải mở rộng các mô hình hợp tác xã hội hóa, liên kết với tư nhân để làm sân khấu. Nhưng do cung cách làm ăn chưa hợp tình hợp lý nên dẫn đến các hợp tác chưa hiệu quả.
Trong các phiên xét xử trước, chính Nhà hát Kịch TP.HCM cũng xác nhận việc hợp tác với các đơn vị tư nhân như Ngọc Trinh là để đảm bảo số suất diễn quy định hàng năm, giúp gìn giữ thương hiệu cho nhà hát và tăng thêm doanh thu (nếu có). Mượn các vở kịch của nhóm Ngọc Trinh để gìn giữ thương hiệu là một khẳng định về giá trị vô hình, vì thương hiệu chính là giá trị vô hình.
Giá trị vô hình có dẫn đến giá trị hữu hình, hoặc tiền bạc không? Chắc chắn có. Bằng chứng, tháng 6/2015, Ngọc Trinh đã làm đơn gửi lên Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM (đơn vị chủ quản của Nhà hát Kịch TP.HCM) để yêu cầu làm rõ việc ông giám đốc Khánh Hoàng kê khai khống việc xin tiền tài trợ may phục trang cho 6 vở kịch mà cô đã đầu tư đầy đủ trang phục.
Phiên tòa sáng ngày 11/7 cũng đã kết luận sai phạm này, cho thấy tiền đã xuất ra, nhưng không đến tay nhóm kịch Ngọc Trinh, và đến nay vẫn chưa hoàn trả lại cho kho bạc. Rõ ràng, nếu hợp tác êm thấm, nếu Ngọc Trinh chấp nhận những khuất tất trong chi tiêu và thuế má, thì Nhà hát Kịch TP.HCM đã có thể tiêu trót lọt số tiền đã chi khống.
Giá trị vô hình còn là một thước đo quan trọng trong việc định giá và đánh giá một tác phẩm nghệ thuật. Còn nhớ năm 2001, khi họa sĩ Bùi Quang Lâm làm sân khấu cho Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản, sau đó đại diện tài chính xuống định giá chỉ bằng cách cân đo số vật liệu đã làm, mà bỏ qua giá trị vô hình, nên dẫn đến mâu thuẫn không giải quyết được.
Sau này, qua các tham mưu từ Bộ VH,TT&DL, cũng như từ thực tiễn cuộc sống, việc định giá của bên tài chính đã được tính thêm giá trị vô hình và giá trị thương hiệu. Cùng một bài hát, một kịch bản nhưng ca sĩ, đạo diễn nổi tiếng hơn đảm trách thì phải có chi phí cao hơn.
Nếu Ngọc Trinh tính luôn giá trị vô hình từ 6 vở diễn thì số tiền lúc đệ đơn và lúc đền bù chắc chắn sẽ cao hơn.
Vô Ưu
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất