“Phái sinh” từ nàng Mona Lisa

08/01/2009 09:57 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, triển lãm Cập nhật (Update) của Nguyễn Quang Vinh sẽ khai mạc vào lúc 17h30 ngày mai (9/1) tại 97A Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM. Theo đánh giá của chúng tôi, 17 tác phẩm trong triển lãm này như là “cuộc giải mã và phát triển tiếp vẻ đẹp bí ẩn của một kiệt tác nghệ thuật thời Phục hưng, nhằm tạo nên những ngữ nghĩa mới”. Chính vì thế, chúng tôi tiếp tục trao đổi với họa sĩ Nguyễn Quang Vinh, để làm sáng tỏ hơn về vấn đề này.
 
>> 17 bức tranh “giải mã” nàng Mona Lisa

Họa sĩ Nguyễn Quang Vinh
* Tác phẩm Mona Lisa của Leonardo da Vinci đã quá nổi tiếng, có thể nói ai cũng biết; trên thế giới cũng đã có rất nhiều tác giả lấy tác phẩm này làm chất liệu nghệ thuật để tạo ra những tác phẩm phái sinh, như vẽ thêm râu, thêm vú, bịt mũi, thậm chí vẽ béo phì, vẽ áo lót… Còn anh, anh chọn tác phẩm này vì lý do gì?

- Cũng có cả 2 lý do mà bạn đã đưa ra trong câu hỏi: sự nổi tiếng của Mona Lisa; và cả việc xem Mona Lisa như là một chất liệu, một đối tượng để sáng tác, để làm lại các tác phẩm của riêng mình. Tuy nhiên, theo quan niệm của tôi thì việc chọn Mona Lisa trong lúc này là vì tôi thích thế, vì tâm trạng tôi muốn thế. Chứ không hẳn Mona Lisa là cái gì đó bất di bất dịch, bắt buộc phải chọn, bởi người họa sĩ có thể chọn bất kỳ đề tài hay chất liệu nào có sẵn cũng được, không phải cứ ràng buộc vào những chất liệu “nổi tiếng”.

* Chứ không phải đây là một gợi ý của gallery Zen - nơi đứng ra tổ chức triển lãm này, bởi họ biết nếu vẽ Mona Lisathì sẽ dễ bán hơn, vì đề tài nổi tiếng và vì đây cũng là tác phẩm Mona Lisa phái sinh lần đầu tiên ở Việt Nam?

- Tôi không vẽ thứ người ta thích, mà chỉ vẽ thứ mình thích. Khi bắt đầu chọn Mona Lisa làm đối tượng “khai thác”, tôi cũng không quan tâm là ở Việt Nam hay trên thế giới có ai đã làm hay chưa. Vì nếu ở Việt Nam đã có hàng trăm người làm thì tôi vẫn làm, vấn đề là lúc này tôi thích thế, tôi thấy ở Mona Lisa có cái gì đó có thể gắn kết vào hoàn cảnh của đời sống đương đại, nói được một phần câu chuyện của cuộc sống hiện nay. Khi làm nghệ thuật, tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện bán được hay không, dù tôi luôn cho rằng bán được tranh chẳng có gì là xấu. Đã là họa sĩ thì không được phép vẽ theo kiểu “chiều lòng” người mua; thậm chí, cũng không được phép “chiều” theo thói quen của chính mình.

* Tôi xem tranh của anh ở trên web, rồi tại các triển lãm nhóm và cá nhân trước đây, tôi thấy có một Nguyễn Quang Vinh hoàn toàn khác - có vẻ trường quy và cổ điển hơn, thế tại sao mới mấy tháng, anh đã hoàn toàn thay đổi?

-

Mona Lisa (77×53cm) được trưng bày ở Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp. Hiện nay trên thế giới có cả triệu bản tranh chép và hàng ngàn tác phẩm phái sinh. 17 tác phẩm phái sinh của Nguyễn Quang Vinh với chất liệu tổng hợp, được vẽ chủ yếu trong năm 2008, có kích thước từ 100x100cm trở lên.

Tôi luôn vậy mà, cứ mỗi triển lãm là một cách làm khác, tôi không muốn “gắn cứng” mình vào một phong cách, hay một cái “gu” nào đó. Tôi cho rằng một trong những đặc điểm của con người hiện đại là có thể thích nghi được với nhiều hoàn cảnh, làm được nhiều việc, chứ không chỉ bó buộc vào một cái gì đó cụ thể. Thường thì tác phẩm của tôi chỉ đánh số từ 1 tới số “n” nào đó, chứ không muốn bó buộc người xem vào những cái tên mang chủ đề hay thông điệp. Tôi không muốn người xem bị lệ thuộc vào tư duy và suy nghĩ - vốn áp đặt - của họa sĩ. Tôi cũng cho rằng, nghệ thuật đương đại là gắn với mỗi hoàn cảnh và ngữ cảnh sống cụ thể, chứ không thể là thứ gì đó ở trên cao, không với tới được. Sơn mài, sơn dầu, lụa, sắp đặt, trình diễn… chỉ là những công cụ, những chất liệu để mình sử dụng, chứ không phải là cái khuôn đúng nên con người họa sĩ. Phong cách hay bút pháp không phải là thứ cố định, mà chính là nhu cầu của quá trình làm việc, cần gì chọn nấy, nó không thể là thứ bắt buộc. Tôi lấy tên triển lãm là “update” (cập nhật), nghĩa là mỗi lúc cuộc sống mỗi khác, người họa sĩ phải liên tục “update” vào tác phẩm của mình. Giống như quan niệm của nhà Phật: sống với từng phút giây.

* Trước khi triển lãm khai mạc, anh có thể nói cho độc giả biết là mình đã “giải mã” được gì ở Mona Lisaqua 17 tác phẩm bằng chất liệu tổng hợp này?

Tác phẩm Cập nhật 4, tổng hợp, khổ 115x200cm, 2008.
- Tác phẩm Mona Lisa nguyên bản có khổ 77×53cm, tôi chỉ lấy riêng khuôn mặt của bà để đưa vào các tác phẩm có khổ trên 100cm2 của mình. Sau 5-6 thế kỷ nhìn lại, tôi cho rằng mình có thể “hiệu chỉnh” để ánh mắt ấy nhìn vào đời sống hiện nay. Mona Lisa là một hình tượng có tính phổ cập toàn cầu, chính vì thế, tự mỗi người họa sĩ, mỗi người xem phải làm sao biến ánh mắt ấy nhìn vào địa phương, nhìn vào hoàn cảnh sống của riêng mình.

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm