'Góc nhìn sử Việt' nối lại 'vệt đứt gãy' về lịch sử

25/04/2016 13:59 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - “Một trong những lý do dẫn tới sự yếu kém về kiến thức lịch sử hiện nay là việc “bỏ quên” những thư tịch cổ trong quá khứ ” – ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Công ty sách Alpha Books, chia sẻ. “Và vệt đứt gãy ấy chỉ có thể được nối lại từ nỗ lực của chính chúng ta”.

Ông Bình và nhà sử học Lê Văn Lan là những diễn giả chính trong buổi tọa đàm “Góc nhìn sử Việt”, diễn ra vừa qua trong khuôn khổ Ngày sách Việt Nam tại Công viên Thống Nhất. Và cái tên này cũng gắn liền với một dự án đặc biệt, được Alpha Books bắt đầu từ năm 2014: sưu tầm và xuất bản 100 cuốn sách quan trọng về lịch sử Việt Nam.

“Thời điểm ấy, nhiều người bảo tôi gàn” – ông Bình kể. “Nhưng hiện tại, hơn 30 đầu sách Góc nhìn sử Việt đã được phát hành và có một vị trí nhất định với độc giả . Đó là một sự động viên lớn, để chúng tôi tiếp tục theo đuổi dự án”.

Một số cuốn sách trong bộ Góc nhìn sử Việt

Góc nhìn sử Việt gồm một số công trình, tư liệu, sách nghiên cứu, sách văn học có giá trị… về lịch sử, đa phần được xuất bản tại Việt Nam những năm 1950 trở về trước. Đó là những Quang Trung (Hoa Bằng), Cần Vương Lê Duy Mật kháng Trịnh (Phan Trần Chúc), Lương Ngọc Quyến, Phan Đình Phùng,Việt Sử giai thoại (Đào Trinh Nhất), Đông Kinh Nghĩa Thục (Chương Thâu), Phong trào Dân biến ở Trung Kỳ (Phan Chu Trinh)… Để thực hiện bộ sách này, phía xuất bản đã tổ chức tìm kiếm những bản in cũ tại Viện Sử học Việt Nam, Viện Hán Nôm, Thư viện Quốc gia, cũng như liên hệ với những người sưu tầm sách cổ.

Đáng nói, theo thông tin từ phía Alpha Books, những đầu sách được “khai quật” sau hàng chục năm như vậy vẫn được tiêu thụ tương đối tốt trên thị trường. Bởi vậy, trong thời gian tới, sau khi ra mắt trọn bộ 100 cuốn của dự án, đơn vị này cũng sẽ lên kế hoạch xuất bản những công trình đồ sộ hơn để phục vụ những độc giả muốn tìm hiểu chuyên sâu về lịch sử.

“Việc nâng cao nhận thức và kiến thức về lịch sử không thể chỉ là câu chuyện riêng của những người trong ngành như chúng tôi” – PGS sử học Lê Văn Lan chia sẻ. “Bởi, lịch sử không thể chỉ là những số liệu cứng nhắc, những ghi chép khô khan về nhân vật và sự kiện. Ngành khoa học ấy rất cần được tiếp lửa từ những góc nhìn độc đáo, những cách viết mềm mại, đa dạng – điều mà bộ sách Góc nhìn sử Việt đang làm”.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm