10/10/2018 13:14 GMT+7 | Thế giới Sao
(lienminhbng.org) - Năm ngoái, phong trào #MeToo lan rộng từ Hollywood tới làng thể thao và thậm chí cả chính trị. Nhưng bóng đá, môn thể thao phổ biến nhất thế giới, cho đến thời điểm này vẫn chưa hề bị ảnh hưởng bởi phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục. Ngay cả khi người bị tố cáo là Cristiano Ronaldo, ngôi sao bóng đá với độ nổi tiếng đã phủ sóng khắp hành tinh.
Từ trường hợp của Ronaldo
Vào ngày 29/9, tạp chí Der Spiegel (Đức) gây xôn xao khi đăng tải cuộc phỏng vấn với Kathryn Mayorga. Người phụ nữ Mỹ 34 tuổi từng làm nghề PG (người mẫu quảng cáo cho các sản phẩm) đã tố cáo siêu sao bóng đá Ronaldo đã hãm hiếp cô tại một khách sạn ở Las Vegas năm 2009. Theo Kathryn, cô gặp Ronaldo tại một hộp đêm và cùng nhóm bạn tới căn hộ ở tầng áp mái một khách sạn tiếp tục vui chơi. Khi Kathryn tới phòng tắm thay đồ, Ronaldo đã tiếp cận, yêu cầu cô quan hệ tình dục bằng miệng. Ronaldo sau đó đã tấn công tình dục Kathryn bất chấp sự kháng cự từ cô gái.
Căn cứ vào đơn kiện được gửi ở Tòa án Hạt Clark (Nevada, Mỹ), Kathryn đã báo cáo sự việc ngày hôm đó với cảnh sát và tới bệnh viện kiểm tra “thương tích” trên cơ thể. Nhưng sau đó, cô chấp nhận thỏa thuận im lặng với Ronaldo để đổi lấy 375.000 USD.
Đại diện của Ronaldo đã kịch liệt phủ nhận cáo buộc và đe dọa kiện tạp chí Der Spiegel. Bản thân ngôi sao Juventus khẳng định bài báo là “tin giả” và ra tuyên bố khẳng định sự trong sạch của bản thân trên trang cá nhân.
Ronaldo không phải ngôi sao bóng đá đầu tiên bị tố cáo tấn công tình dục. Năm 2016, cầu thủ người Anh Adam Johnson bị kết tội hiếp dâm một cô gái tuổi teen và lĩnh án 6 năm tù. Năm 2017, cầu thủ Brazil Robinho bị một tòa án ở Italy kết án 9 năm tù vì tội hãm hiếp một phụ nữ vào năm 2013. Robinho hiện đang trong quá trình kháng án.
Nhưng trường hợp bị công khai danh tính như Johnson và Robinho rất hiếm trong bóng đá. Tháng 10 năm ngoái, nữ cầu thủ Alexandra Nord tiết lộ từng bị một ngôi sao Premier League cưỡng hiếp. Trong quá trình điều tra, danh tính của người này hoàn toàn được truyền thông giữ kín. Và chỉ tháng trước thôi, một cầu thủ khác ở Premier League bị buộc tội cưỡng hiếp một nữ sinh ở Pháp. Tất nhiên, tên tuổi không được nêu lên trên mặt báo.
#MeToo khó xuất hiện trong bóng đá
Rất, rất nhiều trường hợp như vậy được cho đã xảy ra trong bóng đá. Các thể chế bóng đá châu Âu được thiết kế để bảo vệ cầu thủ khỏi bất cứ thứ gì có thể gây hại cho họ. CLB, Liên đoàn bóng đá quốc gia và ban tổ chức giải đấu đều được khuyến khích bảo vệ cầu thủ, đẩy những cáo buộc vào bóng tối vì lợi ích của tất cả.
Chẳng hạn như ở cáo buộc nhằm vào Ronaldo. Juventus, CLB đã chi 117 triệu USD để mua Ronaldo về từ Real Madrid trong Hè 2018, đã lên tiếng bảo vệ cầu thủ của mình bất chấp làn sóng chỉ trích. Họ cho phép Ronaldo nghỉ tập để có nhiều thời gian bàn bạc với đội ngũ pháp lý. Đội tuyển quốc gia Bồ Đào Nha cũng không triệu tập Ronaldo vào đội hình cho các trận giao hữu quốc tế sắp tới. Động thái này chính là cách thức họ thể hiện sự ủng hộ cho chân sút 33 tuổi trong cuộc chiến pháp lý.
Sự khác biệt còn nằm ở nạn nhân. Không giống ở Hoolywood, nạn nhân là những ngôi sao có danh tiếng, có tầm ảnh hưởng tới xã hội. Nạn nhân bị các cầu thủ bóng đá tấn công thường là những cô gái vô danh, người mẫu đang kiếm tìm danh tiếng. Trong cách nhìn nhận của dư luận, họ giống với những kẻ bập vào ngôi sao bóng đá để kiếm tiền và sự nổi tiếng hơn là những nạn nhân tội nghiệp cần được bảo vệ.
Đó chính là lý do khiến “Đòi công lý cho Ronaldo” (Justice for Ronaldo) đang trở thành một trào lưu mạnh mẽ trên mạng xã hội. Được khởi xướng bởi mẹ và chị gái của Ronaldo thông qua những hashtag bằng cả tiếng Anh và Bồ Đào Nha như #“Công lý cho CR7” hay #“Ronaldo, chúng tôi ở bên cạnh cậu đến suốt đời”, trào lưu này đang thu hút sự quan tâm của những người hâm mộ CR7.
Khánh Đan
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất