02/08/2014 13:57 GMT+7 | Âm nhạc
(lienminhbng.org) - Chỉ còn vài tiếng nữa, liveshow Khánh Ly sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, hiện Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đang lên tiếng vì chương trình không thực hiện nghĩa vụ luật pháp về bản quyền tác giả đối với những tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Khi “người mua” ra giá thay “người bán”
Đại diện của VCPMC cho biết, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ủy thác quyền tác giả cho trung tâm từ năm 2009 và gần đây nhất, ngày 26/7/2014 đại diện của gia đình nhạc sĩ là bà Trịnh Vĩnh Trinh đã gửi thêm văn bản xác định lại các đơn vị sử dụng các tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Theo đó, Trung tâm VCPMC được toàn quyền thỏa thuận với đơn vị sử dụng.
Cũng theo luật, để sử dụng các tác phẩm, đơn vị sử dụng phải đến xin phép tác giả, được sự đồng ý của tác giả và có thể thỏa thuận trên cơ sở của tác giả. Tuy nhiên, trước một ngày diễn ra chương trình, đại diện của đơn vị tổ chức liveshow Khánh Ly lại đến đặt vấn đề “ngược” với VCPMC: Chủ động ra giá cho mỗi tác phẩm là 1,5triệu đồng với lý do mới chỉ bán được 30% số vé.
Sau khi giải thích với đơn vị sử dụng, người sử dụng tác phẩm không phải là người được quyền đưa ra mức giá. Mà mức giá phải dựa trên doanh thu, với cách tính mà VCPMC đã công khai trên website của VCPMC. Và theo lẽ thông thường, người sử dụng tài sản của người khác phải tìm hiểu về giá tài sản mà mình định mua (về sử dụng). Nếu không biết VCPMC công khai cách tính giá trên website thì phải gọi điện hỏi, trao đổi..., trung tâm đã từ chối đề nghị này còn đơn vị tổ chức cũng “im hơi lặng tiếng” về nghĩa vụ quyền tác giả cho đến sáng hôm nay (2/8).
Đấu tranh để tự bảo vệ mình
Ông Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC cho biết, cách đây 10 ngày, VCPMC mới biết về liveshow Khánh Ly và gửi giấy yêu cầu thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả tới đơn vị sử dụng. Tuy nhiên, sau nhiều ngày điện thoại không có người nhấc máy, đến khi có sự can thiệp của thanh tra Bộ và Sở văn hóa, Thể thao & Du lich thì VCPMC mới nhận được lời hẹn sẽ đến làm việc của BTC. Nhưng tính đến thời điểm này, đơn vị tổ chức liveshow Khánh Ly vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả với đơn vị được ủy quyền là VCPMC.
“Chúng tôi chờ đến sáng nay mà vẫn không có một động thái nào từ BTC. Vì vậy, tối nay, chúng tôi sẽ đến Trung tâm Hội nghị quốc gia để yêu cầu BTC lần cuối về việc thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả. Rất có thể họ sẽ vẫn từ chối vì nhiều lý do như đang bận tổ chức chương trình nhưng nếu họ cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ thay vì thái độ không nghiêm túc, cố ý, né tránh, từ chối như hiện nay, chúng tôi sẽ ghi nhận. Nếu không, theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, chương trình sẽ bị xử lý nặng”.
“10 năm qua VCPMC vẫn không ngừng đấu tranh quyền tác giả trên cơ sở quy định của luật pháp (Theo điều 18,19,20 Luật về Quyền tác giả). Tôi nghĩ rằng, với những hiện tượng này, chúng tôi cần có hành động để tự bảo vệ mình trên cơ sở của pháp luật. Phải chăng là quản lý cấp phép của nhà nước đang có kẽ hở khi giấy phép đã được cấp trong khi nghĩa vụ quyền tác giả thì chưa thực hiện? Vì thế mà các tác giả thì vẫn luôn khổ sở đi đòi quyền lợi của mình?” - ông Phó Đức Phương bức xúc.
Ông Phó Đức Phương cũng không ngần ngại nói rằng, tối nay, nếu không nhận được sự hợp tác với đơn vị tổ chức, ông sẵn sàng lên sân khấu “cướp diễn đàn” để yêu cầu đơn vị tổ chức thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả đối với những tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà VCPMC đã được uỷ quyền.
Trong biểu giá Mục 2, phần 2.2 trên website www.vcpmc.org ghi rõ: Mức thù lao sử dụng các tác phẩm đối với các loại hình biểu diễn có bán vé: Tính theo buổi diễn, diễn trong rạp, nhà hát: 5% x 75% số lượng ghế x bình quân giá vé. Trong đó: 5% là mức thù lao (nhuận bút được quy định trong Nghị định 61/2002/NĐ-CP ngày 11/6/2002 về chế độ nhuận bút), 75% số ghế ngồi (trừ đi 25% vé mời). Thực tế, đây là lần thứ hai chương trình Khánh Ly được tổ chức trong năm nay. Trong chương trình Khánh Ly diễn ra ngày 9/5/2014, đơn vị sử dụng (Tầm Nhìn Việt) thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ về quyền tác giả. Khi đó, 75% số ghế được VCPMC tính 65% vì lượng mời bên tổ chức chứng minh được tới 35%. (Tổng số ghế ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia là 3.800 ghế). Còn trong chương trình lần này, VCPMC tính số ghế là 50% với lý do không bán được vé của nhà tổ chức (Công ty Giải trí Đồng dao và Nhà hát ca múa nhạc Đương đại Việt Nam phối hợp thực hiện). |
Lam Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất