Từ vụ Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Quế: Phạt ai, ai phạt, bây giờ phạt ai?

06/12/2012 14:28 GMT+7


(lienminhbng.org) - Toàn bộ văn bản Nghị định 79 (tên đầy đủ là Nghị định Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu) tuyệt nhiên không có một chữ “phạt” nào nhưng “phạt” lại là chuyện được nói tới nhiều nhất xung quanh hội nghị phổ biến nghị định này diễn ra tuần trước tại Hà Nội và tuần này tại TP.HCM.

Phạt ai?

Dĩ nhiên hai “tấm bia đỡ phạt” được nhắc tới nhiều nhất là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưngngười mẫu Hồng Quế. Tối 4/11, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng “khóa môi” nhà sư Thích Pháp Định trên sân khấu phòng trà ca nhạc Không Tên, “bão” scandal truyền thông lên cấp 12, 13, giật trên cấp 13. Tối 25/11, người mẫu vừa qua tuổi vị thành niên Hồng Quế “lẻn” vào thảm đỏ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội trong bộ đầm ren xuyên thấu không khác gì một “Can Lộ Lộ mới của làng V-biz”. Mức phạt được chính thức đưa ra với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là 5 triệu đồng, chiểu theo Điều 16, Nghị định 75 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa với hành vi “lợi dụng giao lưu với khán giả để có những hành vi thiếu văn hóa, hoặc phát ngôn thô tục”. Đây là mức phạt cao nhất trong khung xử phạt ở lỗi này. Trường hợp Hồng Quế, hiện các cơ quan quản lý và thanh tra văn hóa chưa đưa ra quyết định cuối cùng về mức phạt. Đã có kênh truyền thông loan tin người mẫu vừa qua tuổi vị thành niên này có thể bị phạt 100 triệu đồng vì lỗi ăn mặc phản cảm, theo phát biểu của Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, Cục trưởng Cục NTBD, tuy nhiên, xét theo luật thì chuyện này khó có thể thực hiện. Bởi việc có thể nâng mức phạt theo quy định từ 2-5 triệu “lên 50-100 triệu, có bổ sung các hình phạt khác như không được xuất hiện trên báo, trên truyền hình trong một thời gian nhất định” như phát biểu của ông Vương Duy Biên mới chỉ là một đề xuất điều chỉnh nghị định, mà thực tế cho thấy việc điều chỉnh này cần khá nhiều thời gian. Bởi vậy, Hồng Quế có thể “yên tâm” rằng cô không “bị thiệt” so với Đàm Vĩnh Hưng.



Vụ "hôn môi" nhà sư của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và người mẫu Hồng Quế mặc trang phục không phù hợp, "đi chui" LHP Quốc tế Hà Nội đã trở thành "điểm nóng" vào cuối năm 2012.
Nhiều người cho rằng 2-5 triệu đồng phạt ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là quá nhẹ, kể cả 50 triệu đồng phạt Hồng Quế cũng chả là gì. Nhưng xét trên thực tế, Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Quế có thể “thưa kiện” vì mình bị phân biệt đối xử.

Chẳng nói gì xa xôi, năm trước, cũng mặc đồ ren xuyên thấu, mà còn trên sân khấu biểu diễn chứ không phải chỉ trên thảm đỏ, nhưng ca sĩ Minh Hằng đã thoát án phạt một cách rất ngạc nhiên. Chiếc quần ren “nhìn thấy cả rốn” của Minh Hằng trên sân khấu Đêm mỹ nhân cũng gây “bão dư luận” không kém đầm “khoe nội y nhưng không thấy rốn” của Hồng Quế. Thanh tra Sở VH,TT&DL Quảng Bình đã xử phạt 3,5 triệu đồng đối với đơn vị tổ chức Đêm mỹ nhân vì vi phạm nội dung cấp phép biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. Minh Hằng thoát án vì theo Thanh tra văn hóa thì việc thực hiện xử phạt đối với nghệ sĩ quá rắc rối (!). Cụ thể theo giải thích của Chánh thanh tra Bộ VH,TT&DL thì: “Về mặt quy định biểu diễn, nếu ca sĩ, diễn viên có mặt ở đó mới lập được biên bản và phải ký vào biên bản vi phạm hành chính thì chúng tôi mới có thể đưa ra quyết định xử phạt. Trong trường hợp này, ca sĩ Minh Hằng đã đi rồi, chúng tôi phải đưa biên bản về tận địa phương chị Minh Hằng sinh sống và yêu cầu chị Minh Hằng ký mới có thể xử phạt. Như thế rất khó khăn cho thanh tra, trong khi Thanh tra sở chỉ có 3 người, kinh phí hạn chế…”!

Nếu áp dụng vào trường hợp Hồng Quế, thì, ban tổ chức liên hoan phim có thể cũng bị xử phạt vì đã để một nhân vật không có trong danh sách khách mời, đàng hoàng “chui” vào thảm đỏ và điềm nhiên tạo dáng không khác gì một ngôi sao (nếu không phải chỉ là một người mẫu “chui” vào, mà một số thứ khác “mất an ninh” hơn thì sao? Công tác tổ chức, công tác an ninh đương nhiên nằm trong trách nhiệm của nhà tổ chức, tức Cục Điện ảnh)! Và ngay cả phòng trà ca nhạc Không Tên chẳng thể không liên can khi sự việc xảy ra trong chương trình do chính nơi này tổ chức và nhà tổ chức đã không kiểm soát được mọi chuyện diễn ra trên sân khấu.

Ai phạt?

Khá nhiều quyết định thiếu thống nhất và thiếu rõ ràng của các đơn vị quản lý văn hóa, các cơ quan văn hóa đối với những sai phạm của các nghệ sĩ, khiến không chỉ khán giả mà chính các nghệ sĩ nhận phạt cũng khó thấy tâm phục khẩu phục. Gần đây nhất, khi Cao Thái Sơn bị tố cáo hát nhép, live show Sao Mai - Điểm hẹn tại Huế đã hủy lời mời Cao Thái Sơn. Giải thích lý do, nhạc sĩ Huyền Thanh, Trưởng ban Tổ chức chương trình, đưa ra rất thuyết phục là “VTV muốn nghiêm túc phối hợp thực hiện Chỉ thị 65 của Bộ VH,TT&DL về chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật”. Nhưng ca sĩ Thu Minh bị Sở VH,TT&DL TP.HCM phạt 3,5 triệu đồng vì ăn mặc hở hang trong đêm nhạc Ngàn sao hội tụ diễn ra ngày 20/4 tại Sân khấu Cầu Vồng (TP.HCM), liền sau đó vẫn xuất hiện trên ghế giám khảo Giọng hát Việt cũng của chính VTV.

Ngay trong vụ việc xử phạt ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng dư luận cũng thấy có những điểm không rõ ràng. Sự việc xảy ra tại TP.HCM, theo phân cấp quản lý, đương nhiên Sở VH,TT&DL TP.HCM phải là đơn vị đưa ra quyết định xử phạt hành chính. Sở này đã có buổi làm việc với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng yêu cầu ca sĩ này tường trình về sự việc và hồ sơ vụ việc được chuyển qua Thanh tra sở để xử phạt theo luật định, tức từ 2-5 triệu đồng. Nhưng có lẽ, vì nhận thấy sự việc “rất nghiêm trọng” nên Cục NTBD “triệu hồi” ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng ra Hà Nội. Và sau cùng, ca sĩ này nhận được án phạt từ Thanh tra Bộ VH,TT&DL với đúng bằng mức phạt mà Sở VH,TT&DL TP.HCM đã dự kiến ban đầu! Một số người gọi đây là hành động “giơ cao, đánh đúng luật” của Cục NTBD.

Bây giờ phạt ai?

Nghị định 79 không có một từ “phạt”, điều ấy cũng đúng với tinh thần quản lý văn hóa và các quy chế văn hóa: không thể và không nên lấy phạt làm gốc. Quản lý văn hóa chắc chắn không phải là ngồi đợi các nghệ sĩ phạm lỗi rồi thổi còi mà là hạn chế tối đa những cơ hội phạm lỗi. 50 triệu, 100 triệu đồng…chắc chắn không phải là cây đũa thần để “hô biến” những nhiễu nhương trong V-biz lúc này.

Thu Thủy - Hữu Trịnh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Sao Mỹ bị phạt thế nào?

Năm 2004 kênh truyền hình CBS bị Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) phạt 550 triệu USD vì đã phát sóng hình ảnh lộ ngực của ca sĩ Janet Jackson trong giờ nghỉ giữa 2 hiệp tại giải Super Bowl! Trong màn trình diễn này, ca sĩ Justin Timberlake sơ suất giật mạnh chiếc áo dây của Janet Jackson, làm lộ một nửa phần ngực của cô trong vài giây. Hơn 500.000 người đã phàn nàn về sự cố trong chương trình được truyền hình trực tiếp đến 90 triệu người xem. 20 đài truyền hình của CBS phát chương trình dính sự cố này sau đó đã lên tiếng xin lỗi, nhưng FCC kết luận sự cố lộ ngực này là hành động có chủ định và quyết định đều bị phạt, mỗi đài 27.500 USD.

Sau sự cố này, CBS yêu cầu Justin Timberlake và Janet Jackson phải công khai xin lỗi công chúng, nhưng chỉ Justin tuân thủ còn Janet từ chối. Giải Grammy năm đó Janet đã không được mời dự giải và biểu diễn.

Ca sĩ Boy George đã bị tòa án Mỹ ra lệnh lao động công ích trong 5 ngày tại New York. Cho dù tìm mọi cách xin thụ án kiểu khác nhưng cuối cùng anh vẫn phải cầm chổi ra quét đường.

Năm 2006 ca sĩ huyền thoại người Anh, Boy George, đã phải đi quét đường theo lệnh của tòa. Lý do là trước đó, Boy George gọi điện cho cảnh sát báo tin là có kẻ nào đó đang tìm cách đột nhập vào căn hộ của anh. Khi cảnh sát đến nơi thì họ không thấy bóng dáng một tên trộm hay tên cướp nào hết nhưng lại phát hiện thấy trên bàn máy của chủ nhân có một lượng nhỏ ma túy. Như vậy, anh phạm một lúc liền hai tội: làm lãng phí thời giờ quý báu của cảnh sát và tàng trữ ma túy. Quan tòa Entony Ferrara buộc Boy George phải lựa chọn một trong hai hình thức trừng phạt: ngồi tù, hoặc 5 ngày lao động công ích. Boy George đã xin tòa cho anh được đi hát để lấy tiền thu được cho vào công quỹ còn có ích hơn nhưng tòa nói rằng nghệ sĩ cũng là con người và trong chuyện vi phạm thì ai cũng như nhau, nếu George không tuân thủ thì anh sẽ bị xộ khám. Cuối cùng anh phải đi quét rác và sau đó là xin lỗi công chúng.

Năm 2009 ca sĩ Chris Brown đã bị tuyên án phạt 1.400 giờ lao động công ích vì tội hành hung bạn gái Rihanna. Các bức ảnh sau đó cho thấy Brown trong chiếc áo phản quang màu đỏ đang thu dọn chuồng ngựa của cảnh sát. Ngoài ra anh còn phải tẩy sạch các hình vẽ trên tường, rửa xe và làm sạch lề đường.

V.C

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm