07/12/2012 06:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Khác hẳn với không khí hội nghị phổ biến Nghị định 79/2012/NĐ-CP tại Hà Nội ngày 27/11, vấn đề bàn luận về xử phạt đối với nghệ sĩ đã không trở thành chủ đề nóng, hầu như không có ý kiến đề cập đến 2 vụ việc: Đàm Vĩnh Hưng “khóa môi nhà sư” và Hồng Quế “mặc váy xuyên thấu” làm xôn xao dư luận trong thời gian gần đây…
Sáng mùng 6/12 tại Trường Múa TP.HCM (155B Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3) đã diễn ra Hội nghị phổ biến Nghị định 79/2012/NĐ-CP và lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư của nghị định này.
Ban điều hành hội nghị gồm: ông Phạm Đình Thắng (Phó Cục trưởng Cục NTBD), ông Hoàng Đình Thái (Vụ trưởng Vụ Pháp chế) và ông Võ Trọng Nam (Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL TP.HCM). Ông Phạm Đình Thắng phát biểu khai mạc và ông Hoàng Đình Thái phát biểu về nội dung nghị định. Sau giờ giải lao, hội nghị bước vào phần giải đáp các câu hỏi của đại biểu, đây thường là phần sôi nổi, gay cấn… đối với các hội nghị tương tự trước đây.
Cấm “hát nhép”, “đàn nhái”
Sau 1-2 ý kiến của đại biểu, ban điều hành hội nghị đã “quán triệt”: Với những nội dung của nghị định, vì Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành nên hội nghị không đi vào bàn thảo, góp ý, mà có chăng chỉ là “hỏi lại cho rõ”. Với việc xử phạt, Cục NTBD sẽ có một nghị định xử phạt riêng không nằm trong khuôn khổ hội nghị này. Vì vậy mà việc xử phạt nghệ sĩ với những vụ việc nóng bỏng trong dư luận thời gian gần đây không được các đại biểu đề cập.
Ngoài một vài ý kiến đại diện cho các công ty tổ chức biểu diễn, sản xuất âm nhạc hỏi và góp ý về việc cấp phép, duyệt chương trình… Có 2 ý kiến khá thú vị: Một phóng viên đặt câu hỏi: Vương Thu Phương (trong cuộc thi Hoa hậu VN 2012) đã làm đám cưới nhưng chưa làm giấy đăng ký kết hôn, trường hợp này được xem xét như thế nào? Ông Hoàng Đình Thái cho rằng: Nếu một cuộc thi hoa hậu có quy định thí sinh “chưa kết hôn” thì Vương Thu Phương vẫn đủ điều kiện, vì tuy cô ấy đã làm đám cưới nhưng chưa làm giấy đăng ký kết hôn.
Về điều cấm trong Nghị định 79: “Sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn” (mục d, khoản 2, Điều 6 của nghị định). Có đại biểu chia sẻ rằng, chống “hát nhép” thì đã rõ và rất ủng hộ, tuy nhiên còn băn khoăn về việc sử dụng bản ghi âm để thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn. Ông Hoàng Đình Thái đã khẳng định: chỉ cấm “đàn nhái” tức biểu diễn nhạc cụ trên sân khấu mà “nhái” theo bản ghi âm phát ra, còn nếu dùng bản ghi âm, nhưng không ngồi “nhái” thì vẫn được cho phép (như hình thức hát playback - hát trên nền nhạc thu sẵn thay cho ban nhạc sống - là không vi phạm điều cấm của nghị định).
Những thay đổi đáng lưu ý
Trong phần phổ biến nội dung nghị định của ông Hoàng Đình Thái và trong lúc thảo luận, ông Phạm Đình Thắng cũng nhắc lại những điều này, đó cũng là những điều mà nhiều đại biểu tham dự rất tâm đắc và đã phát biểu ý kiến ủng hộ. Cụ thể là:
“Giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc, trừ trường hợp hạn chế về địa điểm biểu diễn quy định trong giấy phép” (khoản 2, Điều 10 của nghị định). Nghĩa là từ lúc nghị định có hiệu lực, cũng đồng nghĩa với việc bãi bỏ giấy tiếp nhận biểu diễn của Sở VH,TT&DL địa phương, không còn trường hợp như giấy cấp phép biểu diễn cho ca sĩ Chế Linh, biểu diễn ở Hà Nội thì được, nhưng vào TP.HCM thì không.
Về giấy chứng nhận đã đóng tiền tác quyền cũng không bắt buộc có trong hồ sơ xin cấp phép tổ chức biểu diễn, sản xuất băng đĩa (điều mà Sở VH,TT&DL TP.HCM yêu cầu đối với hồ sơ xin cấp phép thời gian qua). Ông Phạm Đình Thắng cho rằng, việc thực thi tác quyền là quan hệ dân sự giữa người sử dụng tác phẩm và tác giả đã được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, nghị định xử phạt trong tương lai cũng sẽ quy định rõ, nếu người sử dụng không thực thi tác quyền bao nhiêu lần thì sẽ bị từ chối cấp giấy phép.
Thay đổi khác đáng lưu ý là “nhãn kiểm soát”, mà giới sản xuất băng đĩa thường gọi là “tem”. Trước đây, toàn bộ do Cục NTBD quản lý, nay thì đối với những sản phẩm ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu… do Sở VH,TT&DL địa phương cấp phép thì đồng thời sẽ cấp luôn “tem” này. Hoặc việc “xin cấp giấy phép sử dụng bài hát sáng tác trước năm 1975 và ở nước ngoài”, trước đây, chỉ có đơn vị, tổ chức có chức năng mới đủ điều kiện xin cấp phép, còn với Nghị định 79 thì cá nhân cũng có thể làm đơn đề nghị xin cấp phép.
Nghị định 79/2012/NĐ-CP bao gồm 3 lĩnh vực: Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; Thi người đẹp và người mẫu; Lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Nghị định được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 5/10/2012 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 đồng thời: “Bãi bỏ các quy định do các Bộ, ngành và địa phương ban hành có nội dung trái với các quy định tại nghị định này”. |
Bình Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất