WHO nhấn mạnh vai trò G7 trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19

04/05/2021 11:30 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Ngày 3/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tăng cường hỗ trợ tài chính, thúc đẩy quá trình hồi phục toàn cầu sau cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra.   

Dịch Covid-19: WHO nhận định thế giới có thể kiểm soát đại dịch trong những tháng tới

Dịch Covid-19: WHO nhận định thế giới có thể kiểm soát đại dịch trong những tháng tới

Ngày 19/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố thế giới có những công cụ để đưa đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 toàn cầu vào tầm kiểm soát trong những tháng tới.

Với cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng sẽ không chấm dứt nếu G7 không hành động tích cực hơn, WHO cho rằng các nước thành viên có khả năng tài trợ cho việc sản xuất và mua vaccine phòng bệnh, xét nghiệm và điều trị, những công cụ thiết yếu trong cuộc chiến chống đại dịch. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hối thúc các nước G7 hành động quyết liệt hơn với các cam kết mới tại hội nghị thượng đỉnh tới đây của nhóm, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 11-13/6 tại Cornwall, miền Tây Nam nước Anh.

Theo người đứng đầu WHO, đây là những nước đang dẫn đầu thế giới cả về trên phương diện kinh tế lẫn chính trị và cũng là những nước sản xuất hầu hết các loại vaccine trên thế giới. Dó đó, vai trò dẫn dắt của G7 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến chống dịch bệnh toàn cầu.   

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: THX/ TTXVN

Cũng phát biểu tại cuộc họp báo này, đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về giáo dục toàn cầu, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cảnh báo đại dịch COVID-19 đang dần trở thành một tai họa do chính con người gây ra. Hiện Chương trình Hỗ trợ tiếp cận các công cụ phòng chống COVID-19 (ACCT) đang thiếu 19 tỷ USD vốn hoạt động trong tổng số 22 tỷ USD cần thiết cho năm 2021, trong khi ACCT sẽ cần thêm từ 35 đến 45 tỷ USD trong năm sau để đảm bảo mục tiêu hầu hết người trưởng thành trên thế giới đều được tiêm vaccine.

Trong thông điệp gửi tới nhóm G7, ông Brown khẳng định nhóm có quyền lực và khả năng chi trả gần 70% tổng số chi phí nêu trên và việc G7 có thể thống nhất một công thức chia sẻ trách nhiệm công bằng sẽ tạo ra một bước ngoặt lịch sử. Dựa trên thu nhập, tài sản quốc gia và lợi ích mà mỗi nước có được khi hoạt động thương mại được nối lại, ông Brown - từng là lãnh đạo Bộ Tài chính Anh- cũng đề xuất công thức trong đó Mỹ đảm nhận 27% chi phí, châu Âu - 23%, Nhật Bản - 6%, Anh - 5% và Canada cùng với Hàn Quốc và Australia, mỗi nước 2%.   

Ngoài ra, cả Tổng Giám đốc WHO và đặc phái viên LHQ đều cho rằng các nước G7 cũng có quyền hạn để loại bỏ mọi rào cản giúp đẩy nhanh tốc độ sản xuất vaccine phòng COVID-19 bằng cách tạm dừng áp dụng các quy định về sở hữu trí tuệ (IP) với vaccine. Ông Ghebreyesus cho rằng cần tăng đáng kể sản lượng vaccine so với hiện nay thì mới có đủ vaccine tiêm cho đa số người trưởng thành và đạt mục tiêu hình thành miễn dịch cộng đồng. Việc tạm dừng áp dụng các quy định IP đóng vai trò quan trọng, đây không đơn giản chỉ là vấn đề từ thiện.   

Về phần mình, cựu Thủ tướng Anh Brown cho rằng việc tạm dừng các quy định IP sẽ giúp mở rộng sản xuất vaccine ra những khu vực hiện chưa thể sản xuất vaccine trên thế giới. Ông nhận định những ngày gần đây chính giới Mỹ đã điều chỉnh quan điểm về vấn đề cấp phép sản xuất vaccine và tạm ngừng áp dụng các quy định về IP theo hướng tạo điều kiện mở rộng sản xuất, nâng cao sản lượng. Tuần trước, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã thảo luận về vấn đề này, nhưng chưa đưa ra quyết định cụ thể.   

Những lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 trên toàn cầu tiếp tục tăng trong khi tỷ lệ bao phủ tiêm chủng giữa các quốc gia có sự chênh lệch lớn. WHO cũng lưu ý số ca mắc mới toàn cầu trong 2 tuần qua cao hơn tổng số ca ghi nhận trong 6 tháng đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát, trong đó Ấn Độ và Brazil đang là hai quốc gia dẫn đầu làn sóng mới.   

Theo hãng tin AFP (Pháp), trong tổng số gần 1,2 tỷ liều vaccine COVID-19 đã được tiêm trên toàn cầu mới chỉ có 2,9% trong số này là ở các nước có thu nhập thấp nhất, những nơi tập trung 9% dân số thế giới. Trong khi đó, cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX lại không thể đặt mua đủ vaccine khi các nước giàu đã thỏa thuận trước với các nhà sản xuất.

Nhà cung cấp vaccine chính cho COVAX là Viện Serun Ấn Độ (SII) đang tạm dừng các hợp đồng với cơ chế này để ưu tiên đảm bảo nhu cầu trong nước khi quốc gia Nam Á đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng dịch bệnh nghiêm trọng chưa từng thấy.

Đại diện WHO trong chương trình COVAX Bruce Aylward cho biết chương trình chưa nhận được thông báo cụ thể từ SII về thời điểm nối lại việc bàn giao vaccine. Theo cơ chế COVAX, chi phí mua và phân phối vaccine cho 92 nền kinh tế nghèo nhất thế giới sẽ do các nhà tài trợ chi trả. Tới nay, COVAX đã bàn giao hơn 49 triệu liều cho các nước trong nhóm này.

Lê Ánh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm