Ảnh hưởng của biến thể Omicron đến sự phục hồi của kinh tế thế giới

03/12/2021 09:05 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Sau gần 2 năm chao đảo với đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia đã phải thay đổi chiến lược chống dịch, từ phong tỏa sang thích ứng linh hoạt, từ Zero COVID sang sống chung an toàn với COVID-19, từ đó tạo tiền đề cho quá trình phục hồi kinh tế.

Các nhà khoa học gấp rút 'giải mã' biến thể mới Omicron

Các nhà khoa học gấp rút 'giải mã' biến thể mới Omicron

Các nhà khoa học hiện đang gấp rút tập trung dữ liệu về biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2, phân tích khả năng lây nhiễm của biến thể và quan trọng nhất là việc liệu các vaccine ngừa COVID-19 đang được các nước sử dụng hiện nay có hiệu quả trong phòng chống biến thể này hay không.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể mới Omicron đang tạo ra thách thức vô cùng lớn cho quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu, thậm chí có thể phá bỏ mọi nỗ lực phục hồi kinh tế mà các quốc gia đã đạt được.

Tác động ngay tức thì tới thị trường toàn cầu       

Biến thể Omicron được phát hiện lần đầu vào ngày 11/11/2021 tại Botswana, sau đó được Nam Phi lần đầu tiên báo cáo lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 24/11/2021. Ngay lập tức WHO ngày 26/11 đã xác định đây là biến thể “đáng quan ngại”. Omicron có 32 đột biến trong protein gai, được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn những biến thể trước đó và hiện chưa rõ biến thể này chính xác bắt nguồn từ đâu.   

“Tin dữ” về biến thể Omicron cùng các lệnh đóng cửa biên giới, hạn chế việc đi lại từ khu vực miền Nam châu Phi của nhiều nước trên thế giới đã ngay lập tức “giáng một đòn” nặng nề vào nỗ lực của thế giới nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19. Thông tin về biến thể Omicron đã tác động mạnh đến tâm lý và niềm tin của các nhà đầu tư vào khả năng phục hồi kinh tế cũng như việc khôi phục lại thị trường du lịch sau nhiều tháng “đóng băng” vì đại dịch COVID-19.  

Chú thích ảnh
Hạn chế việc đi lại từ khu vực miền Nam châu Phi của nhiều nước trên thế giới. Nguồn: TTXVN

Ngay trong ngày 26/11 khi WHO xác định Omicron là biến thể “đáng quan ngại”, thị trường chứng khoán Phố Wall quay trở lại làm việc sau một ngày đóng cửa nghỉ giao dịch trong kỳ nghỉ lễ Tạ ơn đã chứng kiến một đợt bán tháo kỷ lục. Thông tin về sự xuất hiện của “siêu biến chủng” Omicron đã khiến các nhà đầu tư đã bán bớt các tài sản rủi ro, từ cổ phiếu, dầu mỏ đến các loại tiền điện tử và chuyển sang mua trái phiếu chính phủ-được đánh giá là tương đối an toàn. Các cổ phiếu ngành năng lượng, tài chính và du lịch đồng loạt lao dốc khiến thị trường giảm điểm mạnh, bất chấp lực đỡ của các mã cố phiếu thuộc nhóm ngành y dược. Các chỉ số chính của thị trường châu Âu cũng đồng loạt “nhuốm” sắc đỏ khi chỉ số FTSE của Anh giảm 3,6%, trong khi chỉ số DAX của Đức và CAC40 của Pháp đều giảm trên 4%. Thị trường châu Á cũng chứng kiến các đợt giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày 26/11.   

Trong phiên giao dịch ngày 30/11, các cổ phiếu ở châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục giảm, dẫn đầu là mức giảm 2,4% đối với Kospi của Hàn Quốc và 1,6% đối với chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc). Nikkei 225 của Nhật Bản cũng giảm 1,6%. Chứng khoán châu Âu cũng đã giảm vào sáng ngày 30/11, trừ mức tăng của một ngày trước đó, sau khi thị trường cố gắng bắt đầu phục hồi sau đợt bán tháo mạnh mẽ trên toàn cầu vào ngày 26/11. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu đã giảm 1% vào đầu giờ chiều…   

Không chỉ giá chứng khoán, giá dầu cũng quay đầu giảm mạnh trong các phiên giao dịch ngày 26/11, chỉ sau 2 ngày vừa mới tăng điểm trở lại. Trên sàn New York, giá dầu WTI giao tháng 1/2022 giảm 10,24 USD/thùng, tương đương hơn 13%, xuống còn 68,15 USD/thùng. Tại sàn giao dịch London, giá dầu Brent giao cùng kỳ cũng giảm tới 9,53 USD/thùng, tương đương 11,59%, xuống 72,72 USD/thùng. Đây là lần mất giá mạnh nhất trong ngày của cả WTI và Brent kể từ tháng 4 năm ngoái.   

Có thể thấy, sự xuất hiện của biến thể Omicron đang là ẩn số khó lường khiến giới đầu tư gặp khó khăn hơn trong việc dự báo chính sách tiền tệ và thị trường chứng khoán. Chỉ số biến động VIX đo lường mức độ sợ hãi của giới đầu tư đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3, đồng thời mức tăng mạnh cũng phản ánh sự không chắc chắn của nhà đầu tư đối với triển vọng tương lai của thị trường.   

Nhiều nhà phân tích đã cảnh báo rằng sự biến động có thể còn nhiều hơn trong những tuần tới, nhưng khuyến khích các nhà đầu tư giữ nguyên quan điểm và tập trung vào các nguyên tắc cơ bản không thay đổi trong dài hạn. Thị trường hiện đang rất khác so với khi biến thể Delta xuất hiện vào đầu năm nay, với lạm phát tăng nóng và các nhà đầu tư chuẩn bị cho việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này có thể có tác động trực tiếp đến mức độ tích cực của tâm lý “mua giảm” hiện tại trong các nhà đầu tư.

Ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế thế giới   

Có thể thấy rõ, biến thể Omicron đang giáng một đòn vào những hy vọng lạc quan trước đó cho nền kinh tế thế giới vào năm 2022. Nó có khả năng làm suy yếu kế hoạch của các nhà hoạch định chính sách. Nỗi lo về “siêu biến thể mới” Omicron của COVID-19 đã khiến các nhà đầu tư trên toàn cầu tìm cách giảm thiểu rủi ro trên thị trường tài chính. Các nhà đầu tư đang đưa ra những đánh giá tác động của biến thể này đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu và chính sách tiền tệ của các nước.   

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings và Moody’s Investors Service của Mỹ cũng đều nhận định, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có thể làm tổn hại tới triển vọng tăng trưởng toàn cầu, đồng thời đẩy giá cả thị trường lên cao hơn.   

Chú thích ảnh
Biến thể Omicron đang giáng một đòn vào những hy vọng lạc quan trước đó cho nền kinh tế thế giới vào năm 2022

Nhận định về những kịch bản tiếp theo, các nhà phân tích cho rằng điều đó sẽ được quyết định bởi những nghiên cứu của các nhà khoa học về biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, bao gồm khả năng kháng vaccine và khả năng lây truyền của nó nhiều hơn so với biến thể delta đã hoành hành trong những tháng gần đây mà không khiến các nền kinh tế quay trở lại suy thoái. Kịch bản xấu nhất sẽ là nếu sự đột biến đòi hỏi trở lại tình trạng đóng cửa làm thắt chặt tăng trưởng, điều này sẽ đe dọa chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng và làm tổn hại đến nhu cầu đang phục hồi.   

Điều đó sẽ làm dấy lên lo ngại về sự kết hợp lạm phát đình trệ giữa lạm phát nhanh hơn và tăng trưởng chậm hơn. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs đã chỉ ra 4 khả năng, và một trong số đó bao gồm một kịch bản đi xuống khi một làn sóng lây nhiễm lớn trong quý đầu tiên của năm 2022 chứng kiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại với tốc độ 2% theo quý hàng năm-thấp hơn 2,5 điểm phần trăm dự báo hiện tại. Tăng trưởng vào năm 2022 nói chung sẽ là 4,2%, hoặc thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo.   

Theo Mickey Levy, nhà kinh tế trưởng về Mỹ và Châu Á tại Berenberg Capital Markets, nếu biến thể này lan rộng “có thể làm chậm đà phát triển lành mạnh của nền kinh tế”. Bà Elena Duggar, Giám đốc điều hành tại Moody’s (Mỹ) cũng nhận định nếu biến thể mới dẫn tới một làn sóng lây nhiễm mới, các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là các nước có tỷ lệ tiêm phòng thấp, phụ thuộc nhiều vào du lịch và không có năng lực cao trong việc đưa ra hỗ trợ chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm khắc phục các ảnh hưởng đối với tăng trưởng do làn sóng lây nhiễm mới gây ra. Theo bà Duggar, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có thể gây ảnh hưởng xấu đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khiến lạm phát gia tăng.   

Tuy nhiên cũng có những ý kiến tỏ ra lạc quan hơn. Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings (Mỹ) khẳng định hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của Omicron đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bởi mức độ nguy hiểm và khả năng lây nhiễm của biến thể này vẫn là một ẩn số. Thậm chí một số chuyên gia nhận định với báo The Financial Times (Anh) rằng tác động của Omicron đối với kinh tế toàn cầu là không lớn.

Ông Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng của Công ty UBS Global Wealth Management (Thụy Sĩ), khẳng định ngành du lịch ở một số nơi có thể bị ảnh hưởng nặng nề song du lịch thường chỉ chiếm một phần nhỏ trong hoạt động kinh tế chung. Omicron nhiều khả năng không làm thay đổi bức tranh kinh tế tổng thể ở giai đoạn này.   

Cùng quan điểm, chuyên gia Holger Schmieding của Ngân hàng Berenberg (Đức) cho rằng tác động kinh tế của COVID-19 đã suy giảm sau mỗi đợt dịch. Ông Schmieding chỉ ra rằng làn sóng lây nhiễm thứ nhất khiến hoạt động kinh tế trong khu vực đồng euro giảm đến 15% trong quý II/2020. Tuy nhiên, ở làn sóng lây nhiễm thứ 2 nghiêm trọng hơn vào đầu năm 2021, GDP của khu vực này chỉ sụt giảm 0,7%. Còn theo một số chuyên gia khác, những bất ổn do Omicron gây ra nhiều khả năng thúc đẩy các ngân hàng trung ương, đặc biệt là FED và Ngân hàng Trung ương Anh, chờ đợi thêm một thời gian nữa trước khi quyết định liệu có cần thắt chặt chính sách tiền tệ hay không.   

Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng, trong trường hợp xảy ra kịch bản đột biến Omicron không gây nguy hiểm như lo ngại ban đầu, thì sự xuất hiện của nó vẫn như một lời nhắc nhở rằng đại dịch sẽ vẫn là mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu, có khả năng xảy ra trong nhiều năm tới. Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của Natixis SA cho biết dù kinh tế toàn cầu chưa rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ, nhưng thêm một năm nữa nếu không có sự di chuyển xuyên biên giới và sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan vẫn xảy ra thì trạng thái lạm phát sẽ xảy ra với kinh tế toàn cầu.   

Trước khi Omicron xuất hiện, một số nhà kinh tế đã cho rằng nhu cầu chuyển đổi từ hàng hóa lâu bền sang các dịch vụ như giải trí, đi lại và du lịch. Nhưng việc chuyển đổi đó hiện có thể bị trì hoãn-làm ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi toàn cầu vốn đã không đồng đều.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 10 vừa qua đã cảnh báo rằng sự phục hồi đã bị mất đà và ngày càng trở nên chênh lệch. Quỹ này tính toán tổng sản phẩm quốc nội cho các nền kinh tế tiên tiến sẽ lấy lại mức trước đại dịch vào năm 2022 và thậm chí vượt mức 0,9% vào năm 2024; các thị trường mới nổi và đang phát triển sẽ vẫn kém dự báo trước đại dịch là 5,5% vào năm 2024.  

TTXVN 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm