08/09/2020 15:45 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Số thuốc này sẽ được chuyển đến Việt Nam trong chuyến bay ngày hôm nay (8/9/2020) từ kho dự trữ thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva, Thụy Sỹ về Hà Nội.
Để kịp thời hỗ trợ Việt Nam trong việc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm độc tố Botulinum do ngộ độc thực phẩm, PGS.TS.BS Trần Thị Giáng Hương, Giám đốc Các chương trình Kiểm soát bệnh tật kiêm Giám đốc Các chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, khu vực Tây Thái Bình Dương đã chỉ đạo Chương trình Y tế Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương tài trợ khẩn cấp 10 liều thuốc kháng độc tố Botulinum để điều trị cho các bệnh nhân đang trong tình trạng hiểm nghèo do nhiễm độc tố Botulinum.
Số thuốc này sẽ được chuyển đến Việt Nam trong chuyến bay ngày hôm nay (8/9/2020) từ kho dự trữ thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva, Thụy Sỹ về Hà Nội và được bảo quản trong điều kiện đặc biệt của loại huyết thanh này.
Trước đó, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Hà Nội cũng đã tài trợ và hỗ trợ cho Bệnh viện Bạch Mai trong việc vận chuyển và tiếp nhận 2 liều kháng độc tố Botulinum từ Thái Lan về để điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh Viện Bạch Mai.
"10 liều thuốc nêu trên dự kiến sẽ được dùng để điều trị cho các bệnh nhân trong tình trạng hiểm nghèo tại các bệnh viện ở Việt Nam. Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế chỉ định là đơn vị tiếp nhận số thuốc này và sẽ vận chuyển cho các đơn vị y tế khác theo nhu cầu thực tế của việc điều trị bệnh nhân" - PGS.TS Giáng Hương thông tin.
Dưới sự chỉ đạo của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, các Vụ, Cục của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Vụ Kế hoạch Tài chính) đã phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới để giải quyết các thủ tục cần thiết trong việc tiếp nhận số thuốc nêu trên.
Vẫn có nhiều người ngộ độc sau khi ăn Pate Minh Chay
Theo thông tin cập nhật, sau thời điểm Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo khẩn cấp thu hồi sản phẩm Pate Minh Chay trên cả nước do sản phẩm này nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum, vẫn có thêm các trường hợp sử dụng sản phẩm này do không nhận được thông tin và sản phẩm cũng chưa được các địa phương thu hồi hết.
Tại Hà Nội:
Tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai những ngày gần đây có 35 bệnh nhân đến khám sau khi ăn Pate Minh Chay nhiều ngày. Trong đó, có 13 trường hợp có biểu hiện nghi ngộ độc nhẹ: mỏi, yếu cơ. Các trường hợp này được cho về theo dõi tại y tế cơ sở, triệu chứng do ngộ độc có thể giảm dần. Tuy nhiên, nếu diễn biến bất thường cần phải quay lại bệnh viện ngay.
Về sức khỏe hai bệnh nhân đầu tiên (là hai vợ chồng) điều trị tại Trung tâm Chống độc do ngộ độc Botulinum sau khi sử dụng Pate Minh Chay, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên -Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết: Cả hai đang có diễn biến sức khỏe khả quan hơn sau khi được sử dụng thuốc giải độc.
Trong đó, bệnh nhân nữ có diễn biến tốt hơn hẳn, hiện còn liệt nhẹ ở họng nhưng đã tự ngồi, tự chăm sóc cá nhân, nói rõ và sẽ sớm ăn được trở lại bằng đường miệng.
Tại TP.HCM:
Ngày 7/9/2020, TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: tình trạng bệnh nhân N.N.D. (bệnh nhân thứ 6 được điều trị tại Đơn vị Chống độc Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy do bị ngộ độc Clostridium botulinum sau khi ăn pate Minh Chay) chưa có nhiều cải thiện đáng kể, dự kiến vẫn phải thở máy kéo dài.
TS.BS Lê Quốc Hùng cũng chia sẻ một thông tin đáng mừng là Tổ chức Y tế thế giới đã chấp nhận cung cấp thuốc điều trị ngộ độc Clostridium botulinum cho Việt Nam. Hy vọng trong một thời gian ngắn nữa, các bệnh nhân đã bị ngộ độc nặng, bị liệt và phải thở máy sẽ có thuốc để điều trị.
Vào chiều tối 7/9, BSCKI Nguyễn Ngọc Sang (Khoa Bệnh Nhiệt đới) và BSCKI Nguyễn Lý Minh Duy (Khoa Hồi sức cấp cứu) của Bệnh viện Chợ Rẫy đã đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hội chẩn và hỗ trợ điều trị cho 2 ca ngộ độc do ăn pate Minh Chay.
Theo BS. Nguyễn Ngọc Sang, bệnh nhân N.T. T. (20 tuổi) bị rối loạn tri giác, hội chẩn xác định do hạ natri máu. Ngoài ra, sức cơ của bệnh nhân còn yếu dẫn đến tình trạng hô hấp chưa được đảm bảo.
Bệnh nhân được chuyển vào Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để bồi hoàn natri máu và cho thở máy trở lại. Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, làm theo y lệnh của bác sĩ. Bệnh nhân sẽ được tăng cường tập vật lý trị liệu, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, phòng ngừa nhiễm trùng, tiến đến cai máy thở.
Trong khi đó, bệnh nhân T. T.G. (26 tuổi), đang được điều trị tại Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Hiện tại, sức khỏe ổn định, không sốt, không ghi nhận nhiễm trùng phổi thêm. Bệnh nhân đang trong quá trình tập hồi phục sức cơ, đang tự thở qua mở khí quản.
"Hiện tại, tình trạng của cả hai bệnh nhân tương đối ổn định, sức cơ đang trong quá trình hồi phục. Cả hai bệnh nhân cần phải tập vật lý trị liệu tích cực, cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ để quá trình hồi phục rút ngắn lại. Tiên lượng khoảng 1-2 tháng nữa thì bệnh nhân có thể hồi phục một phần sức cơ" - BS. Nguyễn Ngọc Sang cho biết.
Trước đây, hai bệnh nhân N.T. T. và T. T.G. (cùng ngụ Nhơn Trạch, Đồng Nai) từng được điều trị ở Khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy trước khi chuyển về lại địa phương là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Theo Suckhoedoisong.vn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất