18/08/2014 07:15 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Khi ngày càng nhiều người chết vì Ebola ở Liberia, Clarine Vaughn đã phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: Bà có nên gửi về nước 4 bác sĩ người Mỹ đang làm việc ở đó, vì lý do an toàn, hay giữ họ lại tại một đất nước không được đào tạo bài bản về chống bệnh lây nhiễm, khi làn sóng sợ hãi Ebola đang lan rộng?
Sau thời gian cân nhắc kỹ càng, bà Vaughn, người vẫn đang ở Liberia, đã đưa các bác sĩ về Mỹ và hủy bỏ kế hoạch chuyển thêm bác sĩ tới đây.
Giống như một sự bỏ rơi
Các bác sĩ và y tá người Liberia nói rằng họ hiểu quyết định của bà, nhưng vẫn cảm thấy như bị bỏ rơi.
Thực tế, việc nhiều bác sĩ và nhân viên y tế phương Tây rời khỏi Guinea, Liberia và Sierra Leone, các nước Tây Phi ở tâm dịch Ebola, đã làm suy yếu hệ thống y tế vốn thiếu người trầm trọng của khu vực này. Liberia, quốc gia có 4 triệu dân, hiện chỉ còn chưa đầy 250 bác sĩ trên toàn quốc. 7 người trong đó đã nhiễm Ebola và 2 người đã chết.
“Người địa phương xem làn sóng tháo chạy của người nước ngoài này đã giúp làm tăng cảm giác về việc ngày tận thế đang xảy ra và giờ họ phải tự lo thân” - Raphael Frankfurter, giám đốc điều hành tổ chức từ thiện Wellbody Alliance chuyên cung cấp dịch vụ y tế cho Sierra Leone, đánh giá.
Nói vậy nhưng Frankfurter cũng đã gửi 4 tình nguyện viên y tế người Mỹ của ông về nước, vì sợ họ nhiễm bệnh. 4 người này để lại sau lưng 160 nhân viên hỗ trợ người Liberia. Ông nói việc này không đúng với các nguyên tắc giá trị của Wellbody Alliance, nhưng ai cũng đang sợ hãi.
Khi nhiều tổ chức quốc tế, các nước giàu và các nhóm từ thiện nỗ lực cung cấp nguồn lực cần thiết để chống Ebola, sự thiếu vắng các bác sĩ và tình nguyện viên y tế nước ngoài đã giống như lời nhắc nhở về việc còn rất nhiều trở ngại nằm ở phía trước.
Sự trợ giúp về mặt nhân lực vô cùng quan trọng, vì rất nhiều bác sĩ đang chống Ebola cũng đã nhiễm bệnh. Cụ thể, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất 170 bác sĩ đã nhiễm bệnh và hơn 80 người đã chết.
Trong số những người bị ốm có Kent Brantly, viên bác sĩ người Mỹ đã được chuyển về một bệnh viện ở Atlanta và đang được điều trị bằng thuốc thử nghiệm ZMapp. 3 bệnh nhân Liberia khác cũng đã nhận thuốc ZMapp vào cuối tuần trước. Họ đều phải ký vào giấy xác nhận việc tình nguyện sử dụng thuốc thử nghiệm và chấp nhận những rủi ro hình thành từ tác dụng phụ của thuốc.
Sợ hãi làm phức tạp hóa tình hình
Các liều thuốc đã được chở tới Liberia sau khi Tổng thống Johnson Sirleaf của nước này kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama hỗ trợ. Sirleaf nói rằng việc các liều thuốc được đưa tới Liberia đã giúp “nâng cao tình thần và hy vọng cho tất cả mọi người”.
Thực tế tình hình vẫn đang rất mất kiểm soát. Chiều ngày 16/8, hàng trăm người ở khu ổ chuột West Point đã tràn qua cánh cổng một ngôi trường cũ, được trưng dụng làm trung tâm cách ly những người nghi nhiễm Ebola. Những người phản đối muốn đóng cửa trung tâm vì họ “không muốn có một ổ dịch” ở gần nơi mình sống. Những kẻ này sau đó còn vào trung tâm lấy đi các tấm đệm, đồ bảo hộ cá nhân và thậm chí là các xô clo khử trùng vừa được mang tới.
Frankfurter, người còn ở Sierra Leone cho tới cách nay 1 tuần, kể rằng số bệnh nhân tìm tới trung tâm y tế của ông đã giảm đi từ 75 người mỗi ngày xuống còn 10 người mỗi ngày, chủ yếu là vì sợ nhiễm bệnh.
Nỗi sợ còn phức tạp hóa hoạt động chống dịch và tăng áp lực lên hoạt động cứu trợ. Lúc này người ta cần rất nhiều thực phẩm cho người dân sống trong các khu vực bị cách ly; các phòng nghiên cứu để xét nghiệm bệnh; mặt nạ đeo mặt và găng tay để bảo vệ nhân viên y tế; túi xác chứa người đã chết; ga giường ngủ thay thế những tấm ga đã bị đốt để diệt mầm bệnh. Tuy nhiên nhiều hãng hàng không đã hủy chuyến bay tới châu Phi, bất chấp việc đã nhận được sự đảm bảo từ WHO, và do đó gây ảnh hưởng tới hoạt động vận tải hàng cứu trợ.
Tất nhiên, hoạt động chống Ebola không chỉ có toàn tin xấu. Ví dụ ở Guinea, nơi ca nhiễm bệnh đầu tiên xuất hiện, trận dịch dường như đã nằm dưới sự kiểm soát.
Vaughn bày tỏ hy vọng rằng thời gian tới, khi các bác sĩ chuyên về bệnh lây nhiễm tới châu Phi, họ sẽ kiểm soát được tình trạng bùng dịch và tạo ra các cơ chế bảo vệ sức khỏe đồng nghiệp. Điều này sẽ giúp các tổ chức từ thiện như của bà thuyết phục được các tình nguyện viên y tế và bác sĩ thuộc nhiều trường đại học Mỹ trở lại châu Phi. “Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa tới thời điểm đó” – bà nói – “Hiện nay ta vẫn đang ở giữa giai đoạn khủng hoảng”.
Tường Linh (theo New York Times)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất