Brazil, bóng đá và ngôn ngữ: 'Đã đến ngày chú báo đi uống nước'

11/06/2014 22:10 GMT+7 | World Cup 2018

(lienminhbng.org) - World Cup đã đến rất gần, hay nói theo cách của người Brazil, đã sắp tới ngày “a hora da onca beber agua”, “chú báo đi uống nước”. Dưới đây là một bài viết đặc sắc của phóng viên kỳ cựu Tim Vickery trên BBC, về bóng đá và cả ngôn ngữ ở Brazil.

Đó là thành ngữ Brazil để chỉ giờ G, ngày D, hay thời khắc quyết định.  Tôi không quen lắm với việc uống nước cùng những con vật họ mèo nguy hiểm to lớn, và phải mất nhiều năm tôi mới hiểu được ý nghĩa thực sự đằng sau thành ngữ đó. Khi con báo đi uống nước, đố ai dám cản đường cơn khát của nó.

Brazil lại kỳ vọng vào một “craque”

“Craque” là một cầu thủ ngôi sao, người có thể xoay chuyển cục diện trận đấu trong tích tắc. Neymar chắc chắn là một “craque”. Gốc của từ này là từ tiếng Anh “crack”, từng được sử dụng để chỉ những người lính giỏi nhất. Nhưng khá chắc chắn là về mặt từ ngữ, nó đã du nhập vào bóng đá Brazil thông qua môn đua ngựa, vốn là môn thể thao phổ biến nhất ở nước này vào lúc bóng đá vẫn còn phôi thai.

Con ngựa “crack” là con ngựa mà bạn sẽ đặt cược. Thật ra, khu đất ngày nay là sân Maracana ngày xưa là một trường đua ngựa. Tôi đã sống ở thành phố này đủ lâu để nhớ lại lúc nhà ga xe lửa ở bên cạnh SVĐ vẫn còn được gọi là “Derby”.

Đó có thể là một từ gốc Anh, nhưng “craque” thực sự mang bản sắc Brazil. Anh ta sẽ nhảy múa qua hậu vệ đối phương, cho thấy đối thủ chỉ là một “perna de pau” (chân gỗ, để chỉ những cầu thủ kém cỏi) với một “cintura dura” (hông không lắc được). Tay “craque” sau đó sẽ trình diễn kỹ năng “chute” (sút bóng) của anh ta, và anh ta sẽ đưa bóng vào “canto onde dorme a coruja” (góc mà con cú đang ngủ, tức góc chữ A khung thành), như cách mà Ronadinho từng làm với David Seaman hồi năm 2012.

Tuy nhiên, một “craque” có thể trở nên bị nuông chiều quá mức và vượt quá phận sự của mình, trong một xã hội vẫn còn nhiều thứ bậc như Brazil. Tay “craque” có thể bị cáo buộc là cư xử “mascarado”, hay đeo mặt nạ, để che đậy những sai lầm của anh ta và việc cái tôi của anh ta bắt đầu quá lớn. Sự kiêu ngạo của anh ta sẽ được mô tả là như đang đi trên sân với một đôi “salto alto”, hay giày cao gót, như những ngôi sao kiêu kỳ bị ám ảnh bởi bản thân.

Vai trò to lớn của radio

Những thành ngữ rắc rối của bóng đá Brazil có lẽ được lan truyền qua sóng phát thanh. Bóng đá trở thành một tôn giáo ở quốc gia này với vai trò rất lớn của các đài radio, phương tiện truyền thông duy nhất đủ sức che phủ toàn bộ quốc gia rộng như một châu lục ở Nam Mỹ. Các đài phát thanh cũng khiến bóng đá trở nên rất hấp dẫn và hào nhoáng với khán giả Brazil, là nơi mà hầu hết mọi CĐV sẽ học được những thành ngữ bóng đá đầu tiên của cuộc đời, rất nhiều xuất phát từ những phóng viên phát thanh cực kỳ sáng tạo.

Ngày nay, mọi người đều biết những màn ăn mừng bàn thắng với các chữ “o” kéo dài bất tận của các BLV bóng đá ở Nam Mỹ: “goooooool”. Vấn đề không chỉ là cảm xúc, mà còn có tính thực dụng. Ở rất nhiều các SVĐ truyền thống tại Brazil, khán đài cách sân rất xa, gây ra khó khăn cho BLV. Trong khi anh này đang hét “vàoooooo” thì một đồng nghiệp của anh sẽ có thời gian để xác định cầu thủ nào đã ghi bàn.

Tất nhiên, một khi các “craque” của Brazil không thể tạo ra được những tràng hét vang “goooooool” ở World Cup lần này, thì mọi chuyện sẽ trở nên rất khó chịu. Nếu đội bóng của HLV Luiz Felipe Scolari bị loại sớm, thì “o bicho vai pegar” (tồi tệ, kém cỏi). Tất nhiên, không phải cụm từ nào cũng dịch được, giống như không phải lúc nào “craque” Neymar cũng có thể vượt qua được những đôi chân gỗ.

Trần Trọng (theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm