06/06/2014 14:22 GMT+7 | Hậu trường World Cup
(lienminhbng.org) - Video quảng bá dịp World Cup của hãng Nike, với sự hiện diện của Cristiano Ronaldo, đã thu hút 78 triệu người xem chỉ 4 ngày sau khi được tung lên.
Tất cả những lượt xem đó đều qua internet bởi phải tới ngày 29/4 tới, video mới xuất hiện trên truyền hình thế giới.
Quảng cáo Internet sẽ đánh bật truyền hình
Cuộc chiến thương hiệu giờ đây hiện diện rõ hơn ở “chiến trường” internet. “Tôi chắc chắn rằng video mà tôi tung ra hôm nay sẽ xuất hiện trên toàn thế giới chỉ trong một giây”- Trevor Edwards, Chủ tịch thương hiệu Nike tự tin phát biểu. Nike cho biết số tiền họ bỏ ra để mua quảng cáo trên truyền hình trong dịp World Cup đang giảm dần còn ở Facebook, Twitter và YouTube tăng lên.
Giống như Nike, Adidas cũng sẽ chi tiêu mạnh tay cho quảng cáo trên internet ở World Cup này. Dự kiến, khoảng 50% chi phí cho truyền thông của Adidas dịp World Cup sẽ được dùng để phát triển hình ảnh qua internet, cao hơn nhiều so với 20% mà họ chi tại World Cup 2010.
Hướng đi của Nike và Adidas đang là xu thế của quảng cáo trên toàn cầu. Theo nghiên cứu của eMarketer, năm nay các công ty chi tới 68,5 tỷ USD cho quảng cáo trên truyền hình trong khi 56 tỷ USD dành cho online. Mặc dù chưa bắt kịp quảng cáo trên truyền hình nhưng con số đó cho thấy sự thay đổi xu thế nhanh chóng của lĩnh vực quảng cáo trên internet. Năm 2010, khi World Cup diễn ra ở châu Phi, quảng cáo truyền hình vẫn chiếm thị phần gấp đôi. Theo dự đoán của các chuyên gia nghiên cứu thị trường, World Cup 2018 diễn ra tại Nga sẽ lần đầu tiên chứng kiến quảng cáo internet vượt truyền hình với chênh lệch lên tới 17%.
“Quảng cáo tại World Cup thay đổi xu thế rõ ràng nhất kể từ năm 2010”- bà Carolyn Everson, Giám đốc marketing của Facebook cho biết. “Bốn năm trước, trung tâm của sự chú ý là truyền hình. Nay là internet”.
Mạng xã hội - thị trường mới béo bở
Trận chung kết World Cup 2010 giữa Tây Ban Nha và Hà Lan, lượng tìm kiếm liên quan trên Google tăng đột biến và hầu hết là từ PC máy tính. Nhưng ở trận bán kết Champions League giữa Real Madrid và Bayern Munich năm nay, đa số những tìm kiếm đều đến từ điện thoại thông minh và máy tính bảng.
Nắm bắt được xu thế này, Adidas đang thiết lập phòng truyền thông tại 5 thành phố bao gồm Thượng Hải, Moskva, với các chuyên gia về làm phim, ảnh, sẵn sàng đăng tải chúng ngay khi cần. Nike cũng triển khai đội ngũ 250 nhân viên tại Mỹ, Trung Quốc, Brazil và nhiều nơi khác.
Một cách thức chủ đạo mà Adidas và Nike sử dụng để khai thác thị trường béo bở này là thông qua các gương mặt đại diện nổi tiếng trong bóng đá. Với Nike là Cristiano Ronaldo, còn Adidas hợp tác với Lionel Messi. Nhưng trong khi Nike đang đạt thành công vang dội thì Adidas lại tỏ ra yếu thế với Messi.
Twitter của Ronaldo hiện có 26 triệu fan, đứng thứ 14 trên thế giới và cao nhất so với bất kỳ ngôi sao thể thao nào. Ronaldo thường xuyên chăm chút cho trang cá nhân bằng việc chia sẻ những khoảnh khắc tuyệt vời trong các trận đấu hay đơn giản là chia sẻ hình ảnh bữa ăn tối. Ngôi sao người Bồ cũng biết “làm kinh tế” ngay trên đó bằng việc giới thiệu các video quảng cáo, thương hiệu đồ lót mà anh làm chủ hay điện thoại thông minh mà anh làm gương mặt đại diện.
Trong khi đó, đại sứ thương hiệu của Adidas, Messi lại không có lấy một tài khoản Twitter. Trên Facebook, lượng fan của Messi là hơn 57 triệu, thấp hơn 26 triệu so với Ronaldo. Với xu thế quảng bá nói trên, có lẽ đã đến lúc Messi phải thay đổi, Adidas để thay đổi nếu không muốn thị phần kinh doanh trong bóng đá phải san sẻ ngày một nhiều hơn cho Nike.
Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất