04/07/2018 18:44 GMT+7 | Ký sự World Cup
(lienminhbng.org) - Thời gian như ngừng lại ở nơi này, một không gian không quá rộng lớn, nhưng trang nghiêm và trầm mặc, mà những ngày World Cup, tiếng hò reo của hàng vạn cổ động viên trên sân Luzhniki gần đấy cũng không lọt được vào nơi có rất nhiều bóng cây này. Nằm cạnh tu viện Novodevichy, đấy là một trong những nghĩa trang nổi tiếng nhất nước Nga và thế giới, nơi những nhân vật lỗi lạc nhất trong lịch sử Liên Xô và nước Nga đang yên nghỉ mãi mãi.
Ùa về những quá khứ xa xăm
Tôi đứng lặng hồi lâu bên hai nấm mồ ấy.
Mộ của Tatiana Samoilova nằm ngay trên con đường chính từ cổng của nghĩa trang, và nhìn cứ như bà mới được chôn hôm qua, vì đất còn mới, mộ chưa xây, chưa có tên, dù bà đã mất năm 2014 ở tuổi 80. Nhưng một tấm ảnh được đặt ngay ngắn trên mộ thì không ai là không nhận ra và dừng lại để ngắm. Đấy là tấm ảnh chụp bà trong vai Anna Karenina trong bộ phim cùng tên làm năm 1967 của đạo diễn Aleksandr Zarkhi. Người phụ nữ đẹp lạ lùng này có mái tóc đen, đôi mắt cũng đen láy nhưng buồn bã. Bà đã luôn là một trong số những diễn viên nổi tiếng nhất và được yêu thích nhất trong lịch sử điện ảnh Liên Xô, nhờ những vai diễn bất hủ của mình. Nhưng nhìn thấy nấm mồ có vẻ đơn sơ của bà, lại thấy chạnh lòng. Bà đấy ư, người phụ nữ đẹp của một thời, người đã không thể đến với Hollywood vì bị chính quyền cấm đoán và đe doạ, người có một cuộc sống cá nhân quá sóng gió?
Mộ của Vyacheslav Tikhonov khác hẳn, giống như một nơi để những người yêu điện ảnh theo kiểu hoài cổ hành hương đến mỗi tuần. Ông nằm đó, trong một ngôi mộ đẹp đẽ, được xây sau khi ông qua đời năm 2009. Có một bức tượng đồng được dựng lên trên mộ, nhìn như người thật còn đang sống, với một cái nhìn điềm đạm nhưng trìu mến. Ai đó đã đặt một bức ảnh của ông dưới chân bức tượng. Đấy là Tikhonov đầy chất đàn ông và lãng tử, Tikhonov của những vai diễn kinh điển, Tikhonov của "17 khoảng khắc mùa xuân" đã đi vào lịch sử như là một trong những loạt phim truyền hình hay nhất của Liên Xô trong thế kỷ 20. Ông và vai diễn của mình vẫn sống mãi, cũng như những vai diễn của Samoilova, trong đó có Anna Karenina, và vai Veronika, trong "Khi đàn sếu bay qua" (1957), một siêu phẩm của điện ảnh Liên Xô làm về đề tài chiến tranh vệ quốc.
Tôi có may mắn lớn lên trong những năm tháng mà chúng ta có những mối quan hệ sâu sắc với văn hoá Xô viết, với rất nhiều phim truyện và phim truyền hình được chiếu trên tivi, thuở ấy còn là tivi đen trắng, những giờ ngoại ngữ trong trường cũng là tiếng Nga, những cuốn sách in rất đẹp, giấy trắng thơm phức, cũng được in ở Liên Xô chuyển về. Và cứ tối thứ Năm hàng tuần, nghe tiếng nhạc hiệu quen thuộc của giải vô địch Liên Xô vang lên từ tivi nhà hàng xóm là bỏ tất cả để chạy sang xem nhờ. Những hình ảnh của Tikhonov và Samoilova vẫn in đậm trong trí nhớ của tôi từ những năm tháng ấy, không phai mờ là thế, và một ngày đến Moskva, dừng chân ở đây, lại thấy bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm xưa. Đi qua những ngôi mộ khác, với tên được viết bằng tiếng Nga, những phần lịch sử gắn liền với họ cũng ùa về. Tikhonov và Samoilova chỉ là hai trong số rất nhiều tên tuổi lớn gắn liền với lịch sử Liên Xô ngày trước và nước Nga sau này nằm lại ở đây. Họ là các chính trị gia, nhạc sĩ, nhà văn ca sĩ, tướng lĩnh Hồng quân và các tổng công trình sư hàng không vĩ đại (như Mikoyan, cha đẻ máy bay Mig, hay Ilyushin, nhà chế tạo máy bay IL).
Nơi những vĩ nhân nằm lại
Có hàng nghìn vĩ nhân Nga đã nằm lại ở nơi đây, trong những nấm mồ được xây rất đẹp, trông như những tượng đài. Những dòng chữ dành cho họ rất ngắn gọn và giản dị, bởi người sống tin rằng, chỉ cần nhìn tên họ là đủ biết đấy là ai, và ngay lập tức, những câu chuyện về họ sẽ hiện ra trước mắt chúng ta. Đi dọc những con đường trong nghĩa trang dưới bóng cây mát rượi, thăm mộ của những người mà ta biết tên và những câu chuyện của họ, cứ như thấy lịch sử của một quốc gia rộng lớn đã và đang có những tác động lớn lao đối với thế giới hiện ra trước mắt. Họ đã tạo ra cả một xu thế lịch sử trong thế kỷ 20, đã là những nhân vật của các cuộc chuyển giao giữa các thời đại và đã là những con người làm nên lịch sử theo cách của riêng mình.
Có những ngôi mộ thật đặc biệt, như của Boris Eltsin, Tổng thống đầu tiên của nước Nga. Ông qua đời năm 2007 và được đưa vào nghĩa trang Novodevichy, trong một ngôi mộ được thiết kế như một lá cờ Nga đang bay. Cách đó chỉ chừng 20 mét là mộ của nghệ sĩ cello hàng đầu thế giới Rostropovich, người mất sau Eltsin không lâu. Không xa đấy bao nhiêu là mộ của lãnh tụ thời Xô viết Khrushev, người sau khi chết không hề được chôn cất ở chân tường điện Kremlin như nhiều nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Liên Xô. Ông nằm đó cùng với một vài người thân trong gia đình, trong đó có con trai ông, một phi công không quân Nga đã hy sinh trong chiến tranh vệ quốc. Ngôi mộ của người kế nhiệm Stalin này được thiết kế rất đặc biệt, với tượng của ông chia thành hai nửa đen trắng, thể hiện hai phần sáng tối của đan xen đã tác động như thế nào đến lịch sử Liên Xô và thế giới của ông.
Rất nhiều những chính trị gia khác, như nhà ngoại giao Kollontay và Gromyko, những nhà văn lớn như Chekhov, Gogol, các nhà soạn nhạc vĩ đại như Prokofiev hay Shostakovich, các nhà thơ Xô viết như Mayakovsky, vợ của Stalin và vợ của Tổng thống đầu tiên và cuối cùng của Liên Xô Gorbachev, hay đạo diễn Eisenstein, nữ anh hùng thời chống phát xít Đức Zoya... cũng nằm ở đây. Có khi nào đó, ở thế giới bên kia, trong một đêm vắng lặng của nghĩa trang Novodevichy, bỗng vang lên tiếng hát của giọng opera bất hủ Shalyapin, tiếng đọc thơ của Mayakovsky, tiếng kéo cello của Rostropovich, và rồi cùng lúc, vang lên tiếng tranh luận của Khrushev và Eltsin về việc tại sao Liên Xô sụp đổ và bước vào một khúc quanh định mệnh của lịch sử, mà ở đó, Eltsin là người lèo lái con tàu? Không ai biết được. Trong những hành trình của mình, tôi đã đến thăm nhiều nghĩa trang danh nhân lớn trên thế giới. Đấy không chỉ là nơi mà họ an nghỉ sau những cuộc đời đầy sóng gió, hoặc vinh quang, hoặc lắm tranh cãi, nhưng cũng để lại rất nhiều dấu ấn trong lịch sử loài người, mà còn là những công viên rợp bóng cây xanh, tên tĩnh và trầm mặc. Và rồi, trong một thoáng suy niệm sau khi thăm mộ họ, bao giờ tôi cũng nghĩ đến việc họ sẽ còn tiếp tục đối thoại với nhau trong lòng đất, và đối thoại với chính chúng ta, những người còn sống, qua những gì họ đã để lại.
Trong những cơn gió nhẹ của một chiều u ám tại nghĩa trang Novodevichy, tôi chợt thấy vẳng bên tai những câu hát của một bản tình ca Nga đã từng nghe từ bé và rồi cảm nhận lịch sử đang ùa về, gói gọn trong một không gian nhỏ bé vài chục hectare này. Họ nằm đó, suy niệm về những gì đã qua và chính họ cũng đang nhắn nhủ chúng ta về cuộc đời, về lịch sử, về những cuộc chiến tranh đẫm máu, về hoà bình, về những vần thơ và điệu nhạc, về những gì đã xảy ra và đã không thể xảy ra, trong một thế giới không tồn tại chữ "nếu"...
Anh Ngọc (từ Moskva)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất