17/06/2014 19:34 GMT+7 | Bảng F
(lienminhbng.org) - Theo chân những người Argentina khi họ “xâm lược” Rio de Janeiro là một trải nghiệm tuyệt vời. Tiếc thay, trong đêm Maracana, đội tuyển của họ không đáp ứng được hết lòng mong mỏi của những người hâm mộ.
Ngày Rio là của Argentina
Họ đã hát vang như thế ở bất cứ ngõ ngách nào của Rio mà họ đặt chân đến. Họ hát to lắm, vang lắm, từng nhóm 10 người, 20 người hoặc hơn thế. Những nhóm quen biết nhau nhập vào nhóm không quen biết, để rồi tạo thành một dòng sông người lũ lượt đổ về hai hướng của thành phố cho trận ra quân với Bosnia. Một hướng đổ về sân Maracana huyền thoại. Hướng ngược lại đổ về bãi biển Copacabana, nơi có khu Fan Zone mà FIFA lập ra cho các cổ động viên vừa xem bóng đá, vừa uống bia lại vừa có thể tắm biển và ngắm mây trời trôi qua.
Hàng đoàn xe mang biển Argentina đã chờ họ ở đấy rồi. Hôm 15-6, Rio không phải là một thành phố Brazil mà là một nơi nào đó trên những thảo nguyên mênh mông của Argentina. Hơn 50 nghìn người Argentina đã đến đây. Màu xanh-trắng trên lưng áo của họ nhuộm những con đường đến sân bóng. Messi và Maradona cùng những chiếc Cúp vàng bằng nhựa hoặc bằng gỗ hiện diện khắp nơi.
Tôi theo chân một nhóm cổ động viên Argentina xuống ga tàu điện ngầm để cùng hướng về sân Maracana. Họ đông lắm. Hàng trăm người như thế, vừa đi vừa hát. Nhà ga tàu điện ngầm theo hướng từ Copacabana đến trung tâm thành phố vang dậy những tiếng hò hét của họ. Họ ùa vào tầu điện ngầm như một cơn lốc, tay đập vào trần tàu điện, chân nhảy cẫng lên theo nhịp hát.
Không ai nhìn thấy gì hết ngoài một màu xanh-trắng. Chẳng ai nghe thấy tiếng gì hết ngoài tiếng hát của họ. Không thể nghe nổi tiếng phát trên loa là sắp đến ga nào. Không ai nghe thấy tiếng tàu chạy. Chỉ có tiếng chân họ nhảy trên sàn và tiếng họ hát. Một cổ động viên trung niên đến từ Buenos Aires, xem ra có vẻ không “đua” nổi giọng với đám thanh niên kia, chúi vào một góc, lẩm nhẩm hát và sau đó quay sang dịch một đoạn lời cho tôi. Đấy là một bài hát được các cổ động viên cuồng nhiệt “sáng tác” từ Mexico 86, khi Argentina của Maradona lên đỉnh thế giới. Đám trẻ bây giờ cải biên lại và đưa thêm những nhân vật mới vào, trong đó có đoạn “Brazil có Pele, nhưng chúng ta cóc sợ, vì chúng ta có Messi và Giáo hoàng”.
Đám đông cười rộ lên sau khi bài hát ngắn cũn cỡn ấy kết thúc, và ở mỗi bến trên đường đến Maracana, lại có thêm những người xanh-trắng mới nhập đoàn, tạo thành một dòng sông người cuồn cuộn đổ đến Maracana. Diego, một cổ động viên đến từ Cordoba, Argentina, gào vào tai tôi để át tiếng ầm ỹ trên tàu: “Argentina ở ngay cạnh Brazil, và những dịp như thế này là cơ hội để chúng tôi đến đây và hưởng thụ cuộc sống trong bóng đá. Chúng tôi đi bằng bất cứ phương tiện nào có thể. Ngày xưa, Che Guevarra đã từng đi xe máy dọc Nam Mỹ. Bây giờ chúng tôi cũng thế”. Câu nói của Diego bị ngắt quãng bởi một nhóm những cô gái Brazil bước vào toa tàu khi nó vừa dừng ở một ga mới. Họ bước vào trong tiếng hò reo của các chàng trai Argentina khi nhìn thấy “đối thủ”. Các chàng Argentina bắt đầu hát các bài chế giễu các cô gái. Họ lườm lại. Một bà già người Brazil nói một câu gì đó khiến các cô bật cười và đám cổ động viên Argentina ngớ người không hiểu. Hình như đấy là một câu chửi thề. Đừng ai đụng vào Pele hay Neymar của bà!
Thế rồi tàu dừng ở Maracana, đám Argentina bước xuống, các cô còn nói với theo mấy câu, mà tôi hiểu đại ý là hẹn gặp Brazil trong trận chung kết. Argentina-Brazil cho trận chung kết ở Maracana này, còn gì tuyệt hơn thế nữa. Cả đám cổ động viên Argentina bật cười, rồi bắt đầu hát, và một đám rước cái Cúp vàng bằng nhựa của họ đến sân Maracana bắt đầu, tạo thành một biển người cuồng điên trong một thứ đam mê bất tận mang tên bóng đá. Họ rước cái Cúp như thể đang rước tượng Chúa trong những ngày lễ thánh. Giáo hoàng, đức Thánh cha Bergoglio, một người Argentina, hẳn rất muốn ban phước cho chiếc Cúp nhựa ấy thành vàng. 28 năm đã qua kể từ ngày Maradona hôn nó một cách nồng nhiệt trên cao nguyên Mexico, những thắng lợi vẫn lẩn tránh Argentina.
“Lãng mạn một cách có giới hạn”
Lại nhớ 4 năm về trước, tôi ngồi cùng họ trên một chuyến tàu từ Johannesburg đi Cape Town, Nam Phi. Đám cổ động viên ấy không đông như hôm nay tôi đã thấy. Nhưng chỉ cần dăm người trong số họ cũng đủ làm con tàu chao đảo vì sự huyên náo và những tiếng hát. Giấc mơ World Cup của họ với huyền thoại Maradona trong vai HLV ngày ấy đã tan vỡ trong sóng Cape Town, khi Messi và Argentina chết chìm trước những đợt tấn công của người Đức.
Cape Town đẹp và lãng mạn, nhưng nó không dành cho người Argentina mơ mộng và quá thiếu thực tế. Những giọt nước mắt đã rơi xuống, vì những cơn ác mộng đã ập đến. Bốn năm sau, Rio là một thế giới khác và bản thân đội tuyển xanh-trắng cũng như Messi đã có nhiều thay đổi. Sự kì vọng vẫn lớn không kém hồi đó, nhưng những giới hạn đã xuất hiện. Giới hạn về chất lượng của đội tuyển. Giới hạn của chính Messi khi anh vừa trải qua một mùa bóng không thành công. “Lãng mạn một cách có giới hạn” là một thuật ngữ mới mà những người Argentina phải biết cách sống chung.
Trong đêm Maracana, Argentina đã làm tất cả thất vọng. Nhưng xem ra, đấy cũng có thể được coi là một giới hạn của sự lãng mạn mà họ dần phải quen khi đã yêu Argentina. Thắng lợi mong manh 2-1 trước tân binh Bosnia chắc chắn không phải là điều mà người ta chờ đợi. Họ đã mong Argentina chiến thắng đậm đà hơn thế, đẹp hơn thế, chứ không theo cái cách ngập ngừng và bối rối thế này. May thay, Messi vẫn còn là Messi, đúng hơn là trong 90 phút, anh có một khoảnh khắc Messi, những giây ngắn ngủi nhưng đủ để ghi bàn thắng mang ý nghĩa quyết định thắng lợi. Chiến thắng chỉ đến khi bỗng nhiên vũ công Messi đổi điệu nhảy, sau khi thứ nhạc tango chầm chậm và cổ điển của Carlos Gardel chuyển thành một đoạn lead guitar kinh điển của ban Metallica!
Đám đông lũ lượt rời Maracana sau khi trận đấu kết thúc, hát vang “Họ có Pele, còn chúng ta có Messi và Giáo hoàng”. Giáo hoàng hiện ở xa lắm, cách họ cả nghìn cây số và không thể thiên vị cầu nguyện cho mình họ được, vì giáo dân-cổ động viên các đội khác sẽ phản ứng. Nhưng Messi thì đang ở đây. Và anh đã bắt đầu nhảy breakdance…
Trương Anh Ngọc
(Phóng viên TTXVN, từ Rio de Janeiro)
Ngày Messi chia rẽ Rio Như một trò đùa của số phận, ban tổ chức xếp trận đấu đầu tiên của Argentina ở World Cup là tại Rio, và sân đấu của họ là Maracana, một cái tên huyền thoại với người Brazil. Khi những người Argentina tràn ngập Rio de Janeiro cho trận đấu của họ với Bosnia, cả thành phố nhuốn màu xanh-trắng, và điều mà tôi nhận thấy, là dường như Argentina và cái tên Messi đang chia đôi quan điểm bóng đá của người dân thành phố, khiến cho không ít người nghĩ rằng, trong khi đội Brazil sắp đá ở một nơi rất xa Rio một lần nữa, thì ngay trong thành phố, đã bùng lên một không khí derby kiểu như Fla-Flu (Flamengo đối đầu với Fluminense). Trên kênh Fox Sports, người ta tranh luận với nhau về Messi. Một phóng sự được thực hiện cho thấy, hóa ra người Brazil cũng không phải ai cũng ghét tiền đạo ấy của Argentina. Nhưng trên sóng, một BLV kì cựu lên tiếng phủ nhận thành công của Argentina ở Mexico 86, giải đấu mà họ vô địch. Ông này bảo, “Argentina chưa bao giờ vô địch thế giới một cách đàng hoàng. Năm 1978, họ đoạt Cúp vàng nhờ sự sắp đặt của chính quyền độc tài quân sự. Còn năm 1986, họ vô địch nhờ bàn tay của Chúa”. Ông nhắc đến bàn thắng kinh điển bằng tay của Maradona trong trận đấu với Anh. Ông cũng gợi lại một nỗi buồn của người Argentina khi đất nước này mất quần đảo Malvinas vào tay người Anh. Tay BLV này hóa ra chỉ nói những gì mà không ít người Brazil đang nghĩ. Họ không coi Messi ra gì. Một người đàn ông trung niên tôi gặp trên bãi biển Copacabana với chiếc áo chia làm đôi, một bên có logo của đội Brazil và bên kia của đội Argentina, giải thích rằng, Brazil có 5 ngôi sao, tượng trưng cho 5 chức vô địch thế giới, còn họ chỉ có 2. Ông kết luận, Argentina có thêm 3 Messi nữa thì may ra Argentina mới có thể đuổi kịp Brazil về số Cúp vàng. Dĩ nhiên, đám cổ động viên Argentina không hài lòng nếu như nghe được những câu nói như thế. Nhưng họ sẽ lại hả lòng hả dạ nếu xem một phóng sự của O Globo, kênh truyền hình lớn nhất quốc gia, khi một người Brazil gốc Argentina đang sống ở Rio khẳng định rằng, Messi sẽ làm y hệt những gì Maradona đã làm ở Mexico 1986, nghĩa là giành chức vô địch thế giới gần như do anh định đoạt tất cả. “Cậu ấy sẽ giống như Ghiggia ở World Cup 1950, khi làm câm nín 200 nghìn khán giả ở sân Maracana, ghi bàn quyết định hạ Brazil và giúp Uruguay đoạt Cúp vàng”, ông hùng hồn tuyên bố. Người đàn ông này quả là dũng cảm. Ông không ngại lên tivi và nói những điều mà hóa ra người Brazil có thể có trong đầu, nhưng không bao giờ dám nói ra. Vì ngại hàng xóm, ngại bạn bè, ngại nói điềm gở, ngại đủ thứ linh tinh khác. Điều mà không ít người khác ở Brazil không tiện nói ra, là khi Neymar đến Barcelona, Messi đã là một biểu tượng ở đó. Và cái bóng của Messi lên Neymar, được người Brazil coi là ngôi sao lớn nhất của đất nước họ, vẫn còn rất lớn. Nhưng đấy chỉ là ở Barca, còn ở cấp đội tuyển quốc gia và World Cup, lại là một câu chuyện khác. Một cuộc chiến từ xa giữa Brazil và Argentina đã bắt đầu và có thể sẽ kéo dài suốt World Cup. Cho một điểm hẹn mà cổ động viên hai đội đang đợi chờ: trận chung kết ở Maracana đêm 13/7. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất