12/08/2011 07:13 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH Cuối tuần) - Disney không chỉ là một lò sản xuất phim hoạt hình vĩ đại. Dường như đắm mình quá lâu trong không khí thần tiên mà đánh mất cái nhìn thực tiễn, trong thập niên 1990 tập đoàn Disney dựng lên một thành phố như trong truyện cổ tích. Celebration với đường phố sạch bóng, hàng cây đều tăm tắp và nhà cửa như tranh vẽ. Duy chỉ dân cư ở đây không chịu biến thành thiên thần và nhất định không tuân thủ bản nội quy đô thị dày 70 trang - chuyện đời thực thường ít khi có hậu.
Thiên đường... có nội quy
Một hồ nước nho nhỏ, viền quanh bởi thảm cỏ xanh mướt, chạy dọc bờ là con đường đi bộ thơ mộng. Phố xá được thiết kế vòng vèo để ô tô phải chạy tốc độ chậm rì giữa những ngôi nhà hai, ba tầng màu kem. Việc gì phải phóng nhanh, khi khung cảnh quá hoàn hảo và con người chẳng có gì phải vội vàng. Giấc mơ Mỹ giữa đời thường diễn ra dưới bần trời Florida ngập nắng gió.
1997, khi Andrew Ross chuyển đến Celebration ở thì ông ít để mắt đến phong cảnh, mà nhà xã hội học chỉ tò mò đeo đuổi một đáp án cho câu hỏi: liệu con người đã đạt đủ phẩm chất để sống trong một thành phố hoàn hảo như tập đoàn Disney vừa phù phép hiện ra ở Florida? Ross xin nghỉ không lương tại Đại học New York University để về đây sinh sống.
Celebration được xây nên như một giấc mơ cổ tích. Ai ở đây sẽ không còn biết thế nào là tội phạm, ngoài phố không có mấy kẻ thất nghiệp lang thang, bên rìa công viên không có xác ô tô cũ gỉ sét... |
Ross thuê một căn hộ nhỏ nhìn ra hồ và ghi chép lại từng động thái trong quần thể dân cư lục tục chuyển đến những ngôi nhà xinh xắn sau hàng rào trắng toát còn chưa khô sơn. Khi bắt chuyện với họ, ông bất ngờ nhận thấy cái tên Disney kích thích trí tưởng tượng của họ đến kinh ngạc; không chỉ những người bỏ lại một quá khứ nào đó sau lưng để về Celebration, mà cả dân chúng trong bán kính gần vườn địa đàng. Nhưng dù đến đây với mong đợi nào thì các cư dân mới của Celebration cũng phải chấp nhận một nội quy ngặt nghèo trong cuốn “hương ước“ dày 70 trang, nhằm giữ gìn khuôn mặt của một đô thị hoàn hảo như trong tranh. Trong đó quy định từ loại cây trong vườn, độ dày của thảm cỏ, cho đến màu màn cửa ở mặt tiền. Ai từng thăm một công viên chủ đề của Disney sẽ không khó khăn để nhận ra ý tưởng trang trí của các nhà quy hoạch được áp dụng trên toàn thế giới: mặt tiền kiểu Victoria lịch sử, sơn màu phấn trang nhã, phố chính trồng cọ, nhạc du dương từ các loa ẩn trong gốc cây, đèn đường thổi ra bóng xà phòng vào dịp Giáng sinh... Một chế độ độc tài trong vỏ bọc phồn vinh?
Lời hứa ngọt ngào
Người ta kể lại là Walt Disney, ông chủ sáng lập tập đoàn huyền thoại cùng tên, trong những năm cuối đời chỉ mơ xây dựng được một thành phố của riêng mình. Hồi thập niên 1960 ông đề ra một số tiêu chí: Epcot (Experimental Prototype Community Of Tomorrow: Mẫu thử nghiệm cộng đồng tương lai) sẽ là chỗ ở cho 20.000 dân, trang bị kỹ thuật tối tân, trung tâm có mái che và điều hòa không khí, giao thông nội đô thay thế hoàn toàn ô tô cá nhân...
Ai chả muốn có một mái nhà riêng trên đầu! Để đạt mong ước ấy, người ta sẵn sàng chấp nhận để tập đoàn quản lý tước đi nhiều quyết định cá nhân của mình, cốt là từ nay cuộc đời sẽ đổi khác. 1996, khi những xe chở đồ gỗ dọn đến Celebration, chỉ riêng cái tên Disney đã là lời bảo đảm cho một cuộc sống như trong cổ tích. Ai ở đây sẽ không còn biết thế nào là tội phạm, ngoài phố không có mấy kẻ thất nghiệp lang thang, bên rìa công viên không có xác ô tô cũ gỉ sét... Các cư dân đầu tiên đến Celebraion cũng không phải người nghèo. Bất động sản mà họ mua ở đây có giá cao hơn địa phương xung quanh đến 30%. Phố trung tâm mọc lên với hàng cọ thẳng như bút chì, quán cà phê và rạp hát tưng bừng như trong phim Hollywood.
Nhớ lại năm 1966 cũng là năm Walt Disney quay cuốn phim cuối cùng của mình. Buổi liên hoan bế mạc phim trường, ông cầm cây đũa nhạc trưởng đi lên sân khấu để thuyết trình về dự án mới: quy hoạch đô thị kiểu mẫu cho toàn cõi Hoa Kỳ. “Các vị sẽ được chứng kiến tất cả ở Epcot“, ông hứa với khán giả. “Epcot được xây lên cho hạnh phúc của những người sinh sống và làm việc ở đó, của cả những người từ khắp thế thế giới đến đây chiêm ngưỡng thành tựu của chúng ta“.
Và rồi án mạng cũng đã xảy ra, câu chuyện cổ tích chấm dứt
Hình mẫu đầy trắc trở
Epcot được mong đợi là hiện thân cho phương châm hành động của Walt Disney: Cái gì ta mơ được thì cũng thực hiện được! Xét như vậy thì dù Disney đã thành đạt kiệt xuất trong đời nhưng Epcot chỉ dừng lại ở mức mộng mơ. Mùa Đông 1966 cha đẻ của chuột Mickey và vịt Donald phải vào viện, các bác sĩ phát hiện trong phổi ông nhiều khối ung thư lớn ở giai đoạn cuối - chứng nghiện thuốc lá của ông đã đòi trả giá. Sau khi ông qua đời, các bản thiết kế được chuyển thẳng đến bảo tàng. “Có lẽ cái chết của ông là đúng lúc, trước khi công việc xây dựng bắt đầu", nhà nghiên cứu xã hội Ross suy nghĩ. “Hình mẫu ấy không hợp với các quyền công dân và linh cảm chính trị của 20.000 dân“. Nói cho đúng ra thì cuộc sống khó gò vào một kịch bản nhất định, vì con người bằng xương thịt chứ không phải nhân vật từ ngòi bút.
Thoạt tiên thì mọi việc cũng có vẻ ổn. Khi đem mời 350 căn nhà đầu tiên, người ta không bất ngờ khi thấy rất nhiều ứng viên. Ngày 18/11/1995, hơn 5.000 người đem tiền đến Florida để hồi hộp đợi quay xổ số. Nhạc nổi tưng bừng như trong ngày hội, bánh kẹp chia cho người lớn và bóng bay được phát cho trẻ em, các giám đốc của Disney xoa tay khoan khoái khi mơ đến Celebration 2. Thực tế phũ phàng làm tan bong bóng xà phòng vào năm tiếp theo, khi giới phụ huynh biểu tình phản đối cách dạy con họ như đàn chuột bạch trong phòng thí nghiệm. Ở trường Celebration học sinh nhiều lứa tuổi được dồn vào cùng lớp, không học chữ cái mà học ngay đánh vần cả câu, và thầy giáo chỉ nhận xét chứ không cho điểm. Từ sự bất nhất trong giới phụ huynh mà sinh ra hàng xóm bất hòa, giáo viên bị tẩy chay và báo chí vớ ngay miếng mồi ngon đó để công kích.
Vỡ mộng
“Tôi đã đoán trước là sinh hoạt ở Celebration bị tập đoàn Disney kiểm tra ngặt nghèo, dù là theo nghĩa có thiện chí“, một trong những cư dân đầu tiền tên là Roger Burton kể lại với tờ New York Times. “Nhưng thực tế là hễ có vấn đề gì người dân cũng không được góp ý. Cách khiếu nại duy nhất là gọi điện cho Phó chủ tịch tập đoàn Disney, song ông ta không quan tâm đến trường lớp bằng tìm cách bán bất động sản”.
Không khí Celebration bắt đầu căng thẳng. Chỉ sau mấy tháng đã có người gói ghém đồ đạc bỏ đi. Nhà biên niên sử tình nguyện Andrew Ross cũng không có lựa chọn nào khác, sau khi nhận ra số người bất bình quay lưng lại với Celebration tăng lên từng tháng.
Hôm nay, 15 năm kể từ ngày ra đời Celebration, không còn sót lại nhiều từ viễn cảnh mà ông Walt Disney vạch ra. Ngay từ 2004 tập đoàn của ông đã bán cả khu trung tâm cho một nhà đầu tư tư nhân đến từ New York. Khi khủng hoảng tài chính mới manh nha xuất hiện năm 2008 thì 11.000 cư dân còn sót lại ở đó chịu quả đắng đầu tiên với những căn nhà mua trả góp. Tính đến giữa năm 2010 đã có 106 gia đình phải dọn khỏi nhà, rạp phim và bể bơi hoành tráng của thành phố phải đóng cửa, và lần đầu tiên ở thiên đường này xảy ra vụ giết người. Chưa hết, Craig Foushee, một phi công dân dụng, cũng từng mơ mộng theo Disney, khi chuyển về đây, ông lập một công ty vệ sĩ và cay đắng nhận ra rằng không người dân nào có tiền thuê dịch vụ của mình cả. Vợ ông bỏ đi khi chồng vỡ nợ. Foushee sống bất hợp pháp trong một nhà hoang. Khi nhà chức trách đến làm việc, ông cố thủ 14 tiếng liền trước khi cảnh sát ném lựu đạn cay và xông vào. Lúc đó Foushee đã tự sát bằng một viên đạn vào đầu.
Lê Quang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất